|
Sự cố cháy kho hóa chất ở Đức Giang, Long Biên ngày 30/6 làm dấy lên nhiều lo ngại về những “quả bom” hóa chất nổ chậm trong lòng Hà Nôị. Ảnh: Tùng Đoàn |
Sở TN&MT Hà Nội cho biết, đã hoàn tất việc xử lý sự cố môi trường do cháy kho hóa chất của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Cường Việt ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên hai tuần trước. Sự cố tạo ra 73,84 tấn chất thải. Sở TN&MT cho biết, sau đám cháy, UBND quận Long Biên đã che phủ toàn bộ khu vực cháy, đảm bảo tránh phát tán bụi, tro xỉ, hóa chất ra môi trường.
Ngày 3/7, Bộ Tư lệnh Thủ đô phun tiêu độc toàn bộ khu vực xảy ra đám cháy. Theo đại diện Sở TN&MT, việc xử lý đống chất thải này phải do một đơn vị được Bộ TN&MT cấp phép xử lý chất thải nguy hại. Phía Công ty Cường Việt sau đó thuê Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 10 (Urenco 10) vận chuyển, xử lý. Đến ngày 9/7, tức 10 ngày sau sự cố, đã hoàn thành việc thu dọn, vận chuyển toàn bộ chất thải tại khu vực cháy về cơ sở xử lý.
Sau khi quan trắc phát hiện hàm lượng nhiều chất độc hại trong môi trường không khí xung quanh vượt ngưỡng, Sở TN&MT tiếp tục quan trắc chất lượng không khí thêm 3 đợt. Kết quả cho thấy, môi trường không khí khu vực này nằm trong giới hạn cho phép. Gần khu vực xảy ra đám cháy, môi trường không khí xung quanh đều đạt tiêu chuẩn, trong đó, thông số Toluen đã giảm bớt. Thông số Toluen lúc đầu vụ cháy có hàm lượng cao nhất là 8.765 pg/m3 (vượt 17,53 lần). Ngày 4/7, sau khi Bộ Tư lệnh Thủ đô phun tiêu độc, hàm lượng Toluen khu vực cháy cao nhất là 1.094 pg/m3 (vượt 2,18 lần). Ngày 8/7, khi Urenco 10 cơ bản vận chuyển hóa chất, tro xỉ của đám cháy đi thì hàm lượng Toluen tại cuối kho chứa phía sông Đuống giảm xuống còn 687 pg/m3 (vượt 1,3 lần).
Sở TN&MT cho biết, chất lượng môi trường khu vực cháy sau khi khắc phục hoàn toàn sự cố đến nay cơ bản đạt ngưỡng cho phép.
Lo “bom” hóa chất trong khu dân cư
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, sự cố cháy kho hóa chất ở Long Biên một lần nữa dấy lên lo ngại về các “quả bom” hóa chất tồn tại lâu nay trong các khu dân cư tại Hà Nội. TS. Tùng cho rằng, ngay giữa lòng thành phố Hà Nội vẫn tồn tại những cơ sở sản xuất, lưu giữ, bảo quản hóa chất độc hại là mối nguy hiểm tiềm ẩn với môi trường và sức khỏe người dân nếu xảy ra hỏa hoạn.
Vì thế, theo ông Tùng, cần tổng rà soát, đánh giá nguy cơ sự cố với các cơ sở sản xuất, lưu giữ, bảo quản hóa chất tại Hà Nội. Trường hợp tiềm ẩn nguy cơ cao cần lập tức di dời ra khỏi khu dân cư đông đúc, tránh sự cố môi trường nghiêm trọng do cháy hóa chất có thể xảy ra.
Sở TN&MT cho biết, đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Công Thương tăng cường kiểm tra, đôn đốc, thẩm định phương án ứng phó sự cố hóa chất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất. Đồng thời, chủ trì công tác kiểm tra việc sử dụng hóa chất độc hại và công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất. Đơn vị này cũng cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố, đặc biệt là đối với những đơn vị có hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, thẩm định phương án ứng phó sự cố tràn dầu đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu.
Theo Nguyễn Hoài/Tiền phong