Lãnh đạo quận Thanh Xuân phải xin lỗi dân
Tại cuộc họp báo Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, theo báo cáo của công ty thì lượng thuỷ ngân bị phát tán là 15,1kg, nhưng theo số liệu của các nhà khoa học, thì khối thuỷ ngân bị phát tán khoảng 27,2 kg. Qua kiểm tra, tủ bảo quản chứa almagam được giữ nguyên nên lượng thuỷ ngân bị phát tán nằm trong bóng đèn đã cháy, với khối lượng từ 15,1 – 27,2 kg.
Đồng thời, công bố phạm vi có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người dân trong bán kính khoảng 500 m tính từ hàng rào của kho bị cháy.
Ngay khi thông tin trên được công bố, dư luận đã vô cùng ngạc nhiên khi sự thật hoàn toàn trái ngược so với những thông tin được UBND quận Thanh Xuân công bố ngày 30/8.
Một số người dân vô cùng bức xúc khi quận Thanh Xuân trong bản thông cáo báo chí ngày 30/8, đã dẫn kết quả phân tích nhanh của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, “các thông số vi khí hậu, nhiệt độ, bụi… cho thấy ở mức độ bình thường”.
|
Hiện trường vụ cháy Công ty Rạng Đông. |
Để chắc chắn hơn, quận này tiếp tục dẫn thông tin của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế cho biết, các chỉ số như: Thủy ngân, chì, kim loại nặng được đo bằng máy test nhanh (là loai máy hiện đại hiện nay) thì kết quả cho thấy các chỉ số đều trong ngưỡng cho phép, an toàn đối với người dân.
Tuy nhiên, đến nay, sự thật đã có tối thiểu 15,1 kg thủy ngân (theo báo cáo của Công ty Rạng Đông) hoặc khoảng 27,2 kg theo công bố của lãnh đạo Bộ TN&MT phát tán ra môi trường đã vạch trần sự “dối trá” trong báo cáo của UBND quận Thanh Xuân”.
Người dân cho rằng, quận Thanh Xuân không những không đưa ra khuyến cáo để giảm rủi ro sau sự cố mà còn lấp liếm về nguy cơ thủy ngân phát tán ra môi trường, coi thường mạng sống, sức khỏe của người dân.
“Ngay khi đọc thông tin từ UBND quận Thanh Xuân, tôi đã thấy thông tin này “có vấn đề”. Bởi chỉ sau khi thông tin trên được công bố, tối cùng ngày, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường đã lên tiếng phủ nhận thông tin "an toàn" mà quận Thanh Xuân thông báo. Điều này đã vạch trần việc UBND quận Thanh Xuân “nói dối” để khẳng định tất cả đều, bình thường đều an toàn.
Trong khi thực tế người dân dù không hiểu nhiều về hóa chất cũng thừa biết thủy ngân được dùng để làm bóng đèn Rạng Đông, nhất là khi cháy cả một kho hóa chất như thế thì không ảnh hưởng môi trường mới là lạ. Người dân chúng tôi dù không được tiếp cận các kết quả phân tích nhưng cũng có thể cảm nhận được tình trạng sức khỏe của mình khi đeo khẩu trang, người dân vẫn thấy cay mắt, chóng mặt, khó thở.
Điều khó hiểu là vì sao UBND quận Thanh Xuân phải vội vã kết luận an toàn khi các cơ quan chức năng chưa công bố kết luận xác minh kiểm tra chính thức. Động cơ ẩn sau hành động lạ này là gì?”, ông Nguyễn Văn Thành, người dân quận Thanh Xuân cho biết.
Bức xúc trước sự vô cảm, vô trách nhiệm của UBND quận Thanh Xuân, ông Trần Văn Hà, người dân sinh sống nằm trong vùng ảnh hưởng 500 mét từ vụ cháy cho biết, UBND quận Thanh Xuân cần phải xin lỗi người dân.
“Việc vội vã cho rằng tất cả chỉ số đều bình thường, đều an toàn trong khi thực tế có đến 27,2 kg thủy ngân phát tán ra môi trường, phạm vi ảnh hưởng đến 500 mét.
Trường hợp xảy ra hậu quả, người dân vì tin vào sự an toàn mà không dùng các biện pháp phòng tránh, bảo hộ bị nhiễm độc thủy ngân và các chất độc hại khác thì UBND quận Thanh Xuân có chịu trách nhiệm được hay không? Có bồi thường thiệt hại sức khỏe người dân, bồi thường được tính mạng của người dân hay không?
Chính quyền phải quan tâm đến sức khỏe của người dân khi xảy ra sự cố cháy kho hóa chất, phải thông tin chính xác và đưa ra những khuyến cáo chứ không thể vội vàng kết luận là an toàn để dân “sống chết mặc bay” kiểu vậy.
Nếu ở Nhật Bản hay các quốc gia khác, có lẽ lãnh đạo họ đã xin từ chức vì sự vô cảm rồi. Ở đây người dân cần lãnh đạo Quận Thanh Xuân phải công khai xin lỗi người dân" - ông Hà cho hay.
Quận Thanh Xuân giờ có thể nói gì với UBND phường Hạ Đình?
Ngay sau khi xảy ra vụ cháy, UBND phường Hạ Đình đã phát đi 1.000 thông báo cảnh báo người dân chủ động bảo vệ sức khỏe, đảm bảo vệ sinh môi trường sau vụ cháy.
Tuy nhiên, văn bản cảnh báo được cho là cần thiết, kịp thời của UBND phường Hạ Đình ngay bị UBND quận Thanh Xuân yêu cầu thu hồi. Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND phường Hạ Đình phải kiểm điểm vì ban hành không đúng thẩm quyền và nội dung chưa đủ cơ sở, gây hoang mang dư luận. Việc này đã khiến dư luận và người dân bức xúc.
“Việc ban hành khuyến cáo của UBND phường Hạ Đình sau vụ cháy dù không đúng thẩm quyền nhưng là việc cần thiết, thể hiện sự trách nhiệm của chính quyền địa phương với sức khỏe cộng đồng.
Khuyến cáo trên được người dân chúng tôi đánh giá là hữu ích bởi “phòng bệnh còn hơn chữa bệnh”. Không hiểu sao UBND quận Thanh Xuân lại yêu cầu lãnh đạo UBND phường Hạ Đình phải kiểm điểm về một việc làm có ích như vậy” - bà Nguyễn Thị Mai bày tỏ sự bức xúc.
Bản thân là một người dân, bà Mai thấu hiểu nỗi lo lắng hoang mang về nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khi cháy kho hóa chất công ty Rạng Đông và những khuyến cáo ngay lúc đầu là cần thiết. Theo bà Mai, những khuyến cáo của phường Hạ Đình trước đó giống như những cảnh báo của Bộ TN&MT đưa ra mới đây.
“Mới đây, đọc thông tin từ báo chí, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân công bố tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 4/9 cho biết, môi trường ở khu vực xảy ra cháy này bị nhiễm độc, đề nghị UBND TP.Hà Nội làm việc với Bộ Quốc phòng để tẩy độc khu vực bị cháy tại công ty Rạng Đông.
Điều này đã vạch trần thông tin từ UBND quận Thanh Xuân là không đúng thực tế. UBND quận Thanh Xuân đã yêu cầu Chủ tịch UBND phường Hạ Đình phải kiểm điểm vì "không đúng thẩm quyền và không đủ cơ sở".
Vậy giờ thông tin mà UBND quận Thanh Xuân công bố không chính xác, đơn vị này sẽ nhận trách nhiệm thế nào? Có tự kiểm điểm hay không? Và lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân giờ có thể nói gì với lãnh đạo UBND phường Hạ Đình?
Bởi dù ở cấp thấp hơn nhưng họ có trách nhiệm có tâm với dân hơn là ngồi “ghế cao” hơn mà vô cảm lớn hơn” - người dân phường Hạ Đình nêu ý kiến.
Tâm Đức