Cháy công ty Rạng Đông: 27,2 kg thuỷ ngân phát tán, ai chịu trách nhiệm?

Google News

(Kiến Thức) - 27,2 kg thuỷ ngân từ công ty Rạng Đông phát tán ra môi trường sau vụ cháy khiến người dân lo lắng về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy ai, đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm?

27,2kg thủy ngân được phát tán ra môi trường từ Nhà máy Rạng Đông – Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân vừa công bố tại buổi họp báo Chính phủ đã minh chứng cho những nỗi lo, sự hoang mang của người dân là có cơ sở.
Đáng chú ý, các hoá chất gây tác động chủ yếu là thuỷ ngân và một số kim loại nặng phát sinh trong quá trình cháy. Các chất ô nhiễm này một phần phát tán vào không khí, một phần phát tán vào nguồn nước trong quá trình dập lửa. Bộ TN&MT cho biết, phạm vi có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người dân trong bán kính khoảng 500m tính từ hàng rào của kho bị cháy.
Đó thực sự là những thông tin gây sốc dư luận bởi trước đó, sự thật này đã bị Công ty Rạng Đông và UBND quận Thanh Xuân lấp liếm khi liên tục khẳng định “không ô nhiễm", “không độc hại”, "đã an toàn với người dân".
Chay cong ty Rang Dong: 27,2 kg thuy ngan phat tan, ai chiu trach nhiem?
 Hình ảnh vụ cháy tại Công ty Rạng Đông.
Công ty Rạng Đông, nơi trực tiếp sản xuất thừa biết số lượng thủy ngân, sản phẩm chứa thủy ngân, mức độ độc hại từ thủy ngân khi xảy ra vụ cháy. Tuy nhiên, Công ty này đã không đưa ra những khuyến cáo, cảnh báo cấp thiết cho lực lượng PCCC, công nhân viên công ty và người dân quanh khu vực cũng như chính quyền sở tại.
Thay vì đó, trong bản thông báo phát đi sau đó, công ty này tiếp tục khẳng định “các khí thải không ảnh hưởng đến sức khỏe của con người”. Đồng thời khẳng định, đã "nghiên cứu, sử dụng loại Amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ năm 2016".
Dù thực tế, theo các nhà khoa học, chất Amalgam là chất hỗn hợp với thành phần chính của nó lại là... thủy ngân, chiếm khoảng 50-70%.
Đáng chú ý, theo Thứ trưởng TN&MT Võ Tuấn Nhân, báo cáo của công ty Rạng Đông cho thấy, lượng thuỷ ngân bị phát tán là 15,1kg. Nhưng theo số liệu của các nhà khoa học, thì khối thuỷ ngân bị phát tán khoảng 27,2 kg. Vậy những thông tin từ báo cáo của công ty này liệu có trung thực?
Bởi theo Thứ trưởng Tuấn, Bộ TN&MT đã yêu cầu Công ty Rạng Đông tiếp tục thống kê chính xác số lượng hàng hoá, nguyên liệu vật liệu sử dụng và bị cháy nổ, đặc biệt là việc sử dụng Hg (thủy ngân) lỏng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang, báo cáo các cơ quan chức năng để tính toán chính xác lượng Hg phát toán ra môi trường.
Không chỉ bàng quan, thờ ơ với sức khỏe của người dân, ngay đến sức khỏe của các công nhân cũng không được công ty này quan tâm khi ngày 30/8 đã nhanh chóng cho cán bộ, công nhân viên trở lại làm việc.
Ở cấp độ quản lý nhà nước, UBND quận Thanh Xuân cũng có cách hành xử vô cùng khó hiểu.
Khi chưa có kết quả đánh giá một cách chính thức về nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các cơ quan chức năng sau vụ cháy, UBND quận Thanh Xuân đã phát đi thông cáo báo chí khẳng định, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường - Sở TN&MT Hà Nội đã thực hiện lấy mẫu, phân tích, đánh giá chất lượng môi trường xung quanh khu vực cháy. Trung tâm này cũng đã lấy các mẫu nước thải, nước sinh hoạt, không khí xung quanh, bụi, đất để về phân tích. Kết quả phân tích nhanh vào 15h20 cùng ngày cho thấy các thông số như vi khí hậu, nhiệt độ, bụi... ở mức độ bình thường.
Thông báo cũng nêu rõ, thông tin ban đầu của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y Tế), các chỉ số như thủy ngân, chì, kim loại nặng được đo bằng máy test nhanh cũng vẫn ở trong ngưỡng cho phép, an toàn với người dân.
Thậm chí, khi UBND phường Hạ Đình ra thông báo khuyến cáo người về mức độ nguy hiểm của số hóa chất có thể đã tràn ra môi trường. Tuy nhiên, UBND quận Thanh Xuân lại yêu cầu UBND phường Hạ Đình thu hồi văn bản trên với lý do "không đúng thẩm quyền và không đủ cơ sở". Đồng thời, xem xét kiểm điểm nghiêm khắc lãnh đạo phường Hạ Đình về việc này.
Khi vụ cháy vừa xảy ra, dư luận vô cùng hoang mang lo lắng về nguy cơ nhiễm độc thủy ngân bởi thực tế trên thế giới đã xảy ra nhiều thảm họa liên quan nhiễm độc thủy ngân mà điển hình là vụ Vịnh Minamata (Nhật Bản)  thập kỷ 50 của thế kỷ trước khiến 2.265 người là nạn nhân của thảm họa Minamata, 1.784 người đã chết. Hay vụ lớn hơn về ngộ độc thủy ngân là đầu thập niên 70 của Iraq khi gần 95.000 tấn gạo được xử lý bằng thuốc chống nấm có methyl thủy ngân. Số gạo này được làm bánh mì cho người ăn và kết quả hơn 6.000 người phải nhập viện, hàng trăm người chết.
Dư luận, người dân đặt ra yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải kịp thời kiểm tra, đánh giá về môi trường và đưa ra khuyến cáo về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân từ sự cố trên.
Tuy nhiên, vụ cháy đã cho thấy sự lúng túng, thậm chí lấp liếm của các cấp chính quyền địa phương và nhà máy nơi xảy ra vụ cháy về những nguy hại từ nhiễm độc thủy ngân sau vụ cháy.
Dẫn đến có nhiều người dân hoang mang những cũng có nhiều người chủ quan không thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe của mình. Trong trường hợp xảy ra ngộ độc thủy ngân diện rộng, thì trách nhiệm này, Công ty Rạng Đông, UBND quận Thanh Xuân liệu có gánh nổi.
Câu hỏi đặt ra, có đến 27,2 kg thuỷ ngân từ nhà máy Rạng Đông phát tán ra môi trường sau sự cố, người dân quanh khu vực “hứng” đủ, ai chịu trách nhiệm?
Sự cố cháy nổ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại nhà máy Rạng Đông, tuy không có thiệt hại về người nhưng hậu quả đã gây thiệt hại lớn về tài sản, đáng chú ý, nguy cơ ô nhiễm môi trường, ngộ độc thủy ngân khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng.
Theo quy định của pháp luật, để xử lý vụ việc trên, các cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân cháy nổ dẫn tới hậu quả thiệt hại nặng nề về tài sản. Nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ khởi tố vụ án để điều tra và xử lý người nào có hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, theo quy định, người nào gây ra điểm cháy đầu tiên dẫn đến việc cháy lan ra diện rộng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tùy theo tính chất mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Liên quan vụ việc trên, nếu thủy ngân phát tán ra môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân thì Công ty Rạng Đông phải có trách nhiệm. Đồng thời, chính quyền địa phương như UBND quận Thanh Xuân cũng phải có trách nhiệm khi không kịp thời cảnh báo, khuyến cáo người dân trước nguy cơ bị ngộ độc, ảnh hưởng sức khỏe do thủy ngân phát tán ra môi trường.
Dư luận cũng yêu cầu UBND TP Hà Nội cần có kế hoạch di dời toàn bộ hoạt động của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông nói riêng và các nhà máy sản xuất có sử dụng hoá chất độc hại có nguy cơ cháy nổ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội đô, xa khu dân cư. Bởi không thể để những kho hóa chất vô cùng độc hại là thủy ngân như tại nhà máy Rạng Đông giữa khu dân cư nơi có hàng chục nghìn hộ dân đang sinh sống.
Thiên Nga