Cháy chung cư Xa La: Chưa thể khẳng định tòa nhà có thể sập

Google News

(Kiến Thức) - Nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng đến kết cấu, nhưng cần phải có những khảo sát rất cụ thể mới đánh giá được tác động của vụ cháy chung cư Xa La đến vật liệu.

Lo nhà sập vì cháy
Vụ cháy chung cư Xa La (Hà Nội) gây ra hoang mang cho người dân sinh sống ở đây. Ngoài những thiệt hại về vật chất, nỗi lo về chất lượng khu nhà sau vụ cháy được một số người dân gửi đến báo, mong được có cái nhìn tổng thể về tác động của nhiệt cháy đối với kết cấu vật liệu của tòa nhà. Quang cảnh sau vụ cháy, dưới sức nóng của đám cháy, hiện tại bê tông tầng hầm bị phồng rộp, bong tróc.
 
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhận định, bản thân kết cấu bê tông cốt thép rất vững chắc, tác động của vụ cháy phụ thuộc vào nhiệt độ cháy cao hay thấp, thời gian cháy thế nào. Đám cháy xuất phát từ xăng dầu thường có nhiệt độ cao hơn các vật liệu khác. Khi xảy ra cháy, lớp vữa cát bên ngoài bê tông được coi là lớp ngăn nhiệt độ tác động trực tiếp vào khối bê tông. Bê tông có thể chịu được nhiệt độ lên đến khoảng 700 – 8000C. Về nguyên lý, khi lớp bê tông bị phá vỡ, thép bị nung nóng thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng, làm giảm cường độ chịu tải của tòa nhà. Tuy nhiên, để có những kết luận chính xác thì phải kiểm tra lại trạng thái của lớp thép như thế nào.
TS Nguyễn Đức Thắng, chuyên gia về bê tông, nguyên Viện trưởng Viện KH&CN Xây dựng cho biết, nhiệt độ của lửa cháy tùy vật liệu có thể dao động từ 9.00 – 1.2000C, trong đó củi có nhiệt độ cháy thấp nhất, xăng có nhiệt độ cháy cao nhất. Để biết vụ cháy có ảnh hưởng đến kết cấu bê tông cốt thép hay không thì phải có những khảo sát. Các yếu tố tác động như thời gian cháy bao lâu, diện tiếp xúc thế nào, chỉ tiếp xúc bê tông ngoài hay tiếp xúc vào lõi thép. Giả định vụ cháy này có nhiệt độ là 1.0000C thì sau khi cháy 1 giờ đồng hồ, mép ngoài cùng của bê tông sẽ nóng khoảng 400 – 5000C. Ở nhiệt độ đó, gần như không ảnh hưởng đến thép. Tuy nhiên, đó chỉ là nguyên lý, cần có các nghiên cứu cụ thể mới đưa ra các nhận định chuẩn xác được.
Gia cố nếu có dấu hiệu thép bị chảy, giãn
TS Nguyễn Đức Thắng cho biết, năm 1994 xảy ra vụ cháy chợ Đồng Xuân, ông cùng các đồng nghiệp có đi khảo sát và kiểm tra bê tông thì thấy không có sự thay đổi nào về cường độ. Ở những vị trí thép bị hở ra ngoài, chỉ cần sửa chữa là có thể sử dụng được, không đến nỗi phải đập đi. Nhưng sau đó người ta vẫn quyết định đập đi làm lại. Ở vụ cháy chung cư Xa La, nếu không thấy thép hở ra khỏi bê tông thì gần như sẽ không ảnh hưởng gì, dù có cháy ở nhiệt độ như đã phân tích ở trên thì cũng không tác động đến lõi bê tông. Năng lượng để làm nóng khối bê tông là rất lớn, phải cháy liên tục trong khoảng nửa ngày thì nhiệt mới tác động được vào đến lõi thép, nung nóng lõi thép.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cho rằng, về cảm quan có thể nhận biết lớp bê tông có bị ảnh hưởng hay không, đánh giá được mức độ hư hỏng như thép hở ra khỏi bê tông, có dấu hiệu cong, vênh nhiều, chảy ra. Để biết lớp thép trong các khối bê tông ảnh hưởng như thế nào thì có thể sử dụng các thiệt bị chuyên môn như siêu âm, đánh giá trạng thái của từng khối bê tông. Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đức Thắng cũng cho rằng, cần phải khảo sát để đánh giá mức độ ảnh hưởng để thực hiện gia cố. Nếu lớp bê tông bị ảnh hưởng, cường độ chịu tải thấp đi thì cần thực hiện gia cố lại tòa nhà. Việc này không có gì phức tạp, công nghệ trong nước hiện nay có thể làm được. Khi được gia cố, khả năng chịu tải của chung cư sẽ đảm bảo độ an toàn.
Ban Quản lý khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, sự cố ở bốt điện dưới tầng hầm tòa CT4A khiến lửa nhanh chóng lan theo đường dây điện, hộp kỹ thuật lên các tầng phía trên. Qua kiểm tra, hộp kỹ thuật từ tầng hầm đến tầng 9 bị hư hỏng nặng, buộc phải thay thế. Ngọn lửa sau đó lan rộng và thiêu rụi nhiều xe máy. Lực lượng bảo vệ đã cố gắng dùng bình mini để dập, nhưng lửa càng lúc càng lớn và kèm theo tiếng nổ nên không thể khống chế.
Bảo Khánh