Vụ việc cháu chém chết bà nội ở Cần Thơ xảy ra vào chiều 29/12/2019, người dân phát hiện thi thể bà Nguyễn Thị Tư (86 tuổi, ngụ xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền) dưới mương nước cạnh nhà. Vào cuộc điều tra, Công an bắt giữ đối tượng khả nghi là Đỗ Văn Khá 24 tuổi (cháu nội của bà Tư).
Tại cơ quan Công an, Khá khai cha mất còn mẹ bỏ đi đâu không rõ. Bị can sống với bà nội tại căn nhà ở xã Nhơn Ái. Buổi chiều hôm xảy ra sự việc, Khá hỏi xin bà nội 5 triệu đồng để tiêu xài. Bà Tư nói không có tiền thì bị cháu trai cầm dao chém trúng cổ. Thấy bà nội ngã xuống đất, chảy nhiều máu, Khá kéo nạn nhân ra mương nước cạnh nhà rồi đẩy xuống. Sau đó, thanh niên này ném con dao xuống sông phi tang.
Trước đó, ngày 7/1, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ cho biết đã hoàn tất hồ sơ để đưa Đỗ Văn Khá (24 tuổi) vừa bị khởi tố bị can về tội giết người đến cơ quan chức năng giám định tâm thần theo quy định liên quan đến thảm án. Vì vậy mà dư luận đặt ra câu hỏi: Nếu đối tượng này bị tâm thần liệu có thoát tội?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, thật đáng thương cho bà cụ, người đã nuôi nấng dạy dỗ đứa cháu nghịch tử này từ khi còn nhỏ vậy mà bà cụ này trở thành nạn nhân chết đau đớn dưới nhát và oan nghiệt của chính cháu nội mình. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ mức độ nhận thức, điều khiển hành vi của đối tượng này trước trong và sau khi thực hiện hành vi giết chết bà nội của mình.
|
Bị can Đỗ Văn Khá tại cơ quan chức năng. |
Thời gian gần đây những vụ việc người tâm thần gây án khá nhiều khiến nhiều gia đình lo lắng, những người dân sống xung quanh cũng hoang mang. Bởi vậy, ngoài việc xử lý các đối tượng vi phạm thì các địa phương cũng cần phải có những ra soát những người có biểu hiện tâm thần, nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt dẫn đến mất khả năng nhận thức điều khiển hành vi, có nguy cơ thực hiện hành vi phạm tội để đảm bảo an ninh, an toàn cho những người xung quanh và cộng đồng xã hội.
Trong vụ việc này, nguyên nhân ban đầu được xác định là do đối tượng xin tiền nhưng bà cụ không cho nên đối tượng đã xuống tay sát hại bà cụ và vứt xác xuống mương nước. Nếu là đối tượng côn đồ, hung hãn, nghiện ma tuý hoặc do mâu thuẫn thù oán, nạn nhân không có quan hệ thân thích... thì việc xin tiền là động cơ, nguyên nhân dẫn đến đối tượng này sinh ý định thực hiện hành vi giết người.
Tuy nhiên quá trình tạm giữ, tiếp xúc với đối tượng này cơ quan điều tra nhận thấy đối tượng có nhiều biểu hiện của người mắc bệnh tâm thần như hay nói làm nhảm, mất tập trung, thêm vào đó là kết quả xác minh cho thấy đối tượng có biểu hiện tâm thần từ nhỏ nhưng không được đưa đi chữa trị... Bởi vậy cơ quan điều tra đã tiến hành trưng cầu giám định tâm thần với đối tượng này là cần thiết đảm bảo giải quyết vụ việc một cách khách quan, công bằng, đúng pháp luật.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội. |
Hành vi dùng dao sát hại bà nội mình như vậy rõ ràng là hành vi giết người. Nếu khi thực hiện hành vi giết người mà đối tượng này nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, cố ý thực hiện hành vi mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra thì đối tượng này sẽ bị xử lý về tội giết người theo quy định tại điều 123 bộ Luật hình sự với nhiều tình tiết định không tăng nặng trách nhiệm hình sự như: có tính chất côn đồ, giết người mà mình có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng...
Theo quy định tại khoản 1, điều 123 bộ Luật hình sự với mức hình phạt cao nhất có thể là tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, nếu kết quả giám định tâm thần cho thấy trước và trong khi thực hiện hành vi giết người đối tượng này đã bị mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức điều khiển hành vi thì đối tượng này sẽ không bị xử lý về tội giết người (bởi hành vi không thoả mãn dấu hiệu ở mặt chủ quan của tội phạm), đối tượng không nhận thức được hành vi nên không có lỗi bởi vậy, đối tượng sẽ không bị xử lý hình sự nhưng sẽ bắt buộc chữa bệnh.
Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy tại thời điểm thực hiện hành vi giết người, đối tượng vẫn có khả năng nhận thức, điều khiển hành vi nhưng do bực tức, tham lam, côn đồ nên đã giết bà nội của mình, sau đó mới mắc bệnh tâm thần thì đối tượng này sẽ bị bắt buộc chữa bệnh tâm thần, sau khi chữa bệnh xong sẽ bị xử lý về tội giết người.
Nếu kết quả giám định tâm thần cho thấy trước trong và sau thời điểm thực hiện hành vi phạm tội đối tượng mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác nhưng không mất khả năng nhận thức mà chỉ làm giảm khả năng nhận thức thì đối tượng này vẫn bị xử lý hình sự về tội giết người nhưng sẽ được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự do yếu tố bệnh lý tác động đến vấn đề nhận thức, điều khiển hành vi.
Cụ thể việc xử lý đối tượng này như thế nào sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kết quả giám định tâm thần trong thời gian tới đây. Theo quy định của pháp luật nếu đối tượng có biểu hiện tâm thần thì bắt buộc cơ quan tố tụng phải tiến hành trưng cầu giám định để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, để có căn cứ giải quyết vụ việc một cách công bằng, khách quan, đúng pháp luật.
Hiện vụ việc cháu chém chết bà nội ở Cần Thơ đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
>>> Xem thêm video: Bắt nghi can chém lìa tay thanh niên
Trung Vương