Giá thuốc Việt Nam không cao so với các nước trong khu vực
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đề cập đến việc, thời gian qua ngành y tế đã có nhiều giải pháp tăng cường quản lý giá thuốc. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến cho rằng giá thuốc Việt Nam cao hơn so với mặt bằng giá các nước trong khu vực và ngay cả Việt Nam chúng ta vẫn có sự chênh lệch giữa các địa phương như vừa qua các kênh thông tin đại chúng đã đưa tin. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề này?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, thị trường thuốc của Việt Nam ổn định và không tăng cao.
“Trong thời gian qua, với việc ban hành một loạt thông tư đồng bộ thực hiện Luật đấu thầu, Nghị định đấu thầu thì phải nói rằng thị trường thuốc của Việt Nam ổn định và không tăng cao. Trong CPI của những mặt hàng thiết yếu thì thuốc vẫn là đứng thứ 9, thứ 10 có nghĩa là không tăng đột biến”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
|
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn. Ảnh VGP. |
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay: “Đánh giá độc lập của tổ chức quốc tế, gần đây của AMF thì giá của thuốc biệt dược và thuốc gốc, generic của những bệnh ung thư, tim mạch, tiểu đường thì thuốc Việt Nam của chúng ta đối với các loại biệt dược gốc thì so với 6 nước trung bình ASEAN thì chúng ta thấp hơn 10%. Trong khi của các nước khác như Philippin, Thái Lan cao hơn 37% và 19%, đây là đánh giá của tổ chức quốc tế về vấn đề giá thuốc. Đối với thuốc generic trong ASEAN thì Việt Nam thấp hơn 33%, trong khi Philippines và Indonesia cao hơn 72% và 20%. Cho nên nói giá thuốc của chúng ta cao hơn thế giới có lẽ phải có số liệu và đánh giá độc lập của các tổ chức quốc tế”.
Khi đề cập đến việc có ĐBQH nêu loạn giá ở các quầy thuốc, Bộ trưởng Tiến cho biết, có thể đúng và cũng có thể không đúng.
“Để quản lý giá thuốc chúng tôi đã ban hành Thông tư số 9, số 10, số 11 có 3 loại mức khác nhau, loại thứ nhất là quản lý giá đối với các bệnh viện công lập và ngoài công lập, đặc biệt là sử dụng ngân sách, quỹ bảo hiểm. Loại thứ hai là các quầy thuốc trong bệnh viện công lập. Loại thứ ba là đối với các quầy thuốc ngoài đường tức là bán lẻ. Đối với nhà thuốc bệnh viện chúng tôi đã thực hiện nghị định đấu thầu và theo quyết định của Chính phủ đã thành lập trung tâm mua sắm tập trung và lên danh mục đấu thầu thuốc tập trung để đấu thầu ra giá tham chiếu cao nhất và thấp nhất trong toàn quốc với một số thuốc, đồng thời đấu thầu danh mục thuốc cho tuyến tỉnh và những thuốc để bệnh viện tự mua”, Bộ trưởng Tiến cho biết.
“Đối với giá thuốc bệnh viện, chúng tôi sẽ điều chỉnh Thông tư 11, bắt buộc giá thuốc của nhà thuốc bệnh viện bằng với giá thuốc bệnh viện đã mua. Đối với quầy thuốc bán lẻ, chúng ta phải tôn trọng quy luật thị trường, có nghĩa phải tuân theo kê khai giá và công khai, minh bạch. Chắc chắn các quầy thuốc khác nhau bán cùng một tên thuốc giá sẽ khác nhau, nếu bán rẻ thì nhiều người mua, bán đắt thì ít người mua, theo quy luật thị trường., Bộ trưởng Tiến thông tin.
“Tuy nhiên, có ban thanh tra, kiểm tra liên ngành của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Tài chính đi kiểm tra nếu vượt quá hoặc không kê khai thì phạt theo Luật xử phạt vi phạm hành chính, nhưng lực lượng này còn rất mỏng và mảng này còn khó khăn. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp thu ý này và phối hợp với địa bàn là phòng y tế ở đó, trung tâm y tế huyện và Ủy ban nhân dân phường giải quyết, vì không đủ lực lượng để giải quyết hết được”, Bộ trưởng Tiến cho hay.
Vẫn còn tình trạng bán thuốc không cần kê đơn, lạm dụng thuốc
ĐB Dương Minh Ánh (TP Hà Nội), khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế đã đề cập đến việc, tình trạng bán thuốc không cần kê đơn của bác sĩ và tình trạng lạm dụng thuốc nói chung và thuốc kháng sinh nói riêng trong suốt thời gian qua khiến nhiều bệnh nhân bị kháng thuốc, dị ứng thuốc, nặng hơn thì bị sốc thuốc phải nhập viện. Hàng năm có hàng triệu người chết do kháng thuốc, chúng ta phải chi hàng trăm tỷ đô cho việc kháng thuốc.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng trước thực trạng nêu trên và giải pháp của Bộ trưởng trong việc lập lại trật tự, kỷ cương trong việc quản lý các cơ sở buôn bán dược liệu và hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh?”, ĐB Dương Minh Ánh nêu câu hỏi.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tôi thấy ý kiến của đại biểu rất xác đáng. Lỗi bán thuốc mà người dân đến hiệu thuốc nào cũng mua được, không cần kê toa thì trong nhiệm kỳ này, chúng tôi cố gắng xử lý.
“Mặc dù đã ban hành các thông tư về kê đơn và quản lý những chuỗi, quầy thuốc đạt GPP - tức là đạt chuẩn nhưng họ không tuân theo thì đang giao cho Cục quản lý dược làm thí điểm và nhân lên mô hình này. Đây là yếu kém trong quản lý của ngành và chúng tôi nhận trách nhiệm, sắp tới sẽ đổi mới toàn diện điều này nhưng cũng phải tăng cường lực lượng thanh tra, giám sát vì đội ngũ này và y tế rất yếu. Cả nước chỉ có chưa đến 300 thanh tra ngành y tế, kể cả tuyến Trung ương và tuyến tỉnh. Nó cũng khó như an toàn thực phẩm nhưng còn khó hơn vì y tế là ngành cần chuyên sâu”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
Nói về vấn đề lạm dụng kháng sinh, Bộ trưởng Tiến khẳng định, đại biểu Ánh cũng nói điều này là rất đúng. Bộ Y tế đã trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược về phòng, chống kháng sinh và Việt Nam chúng tôi cũng xung phong là một trong các nước thí điểm chương trình của y tế thế giới và sự phối hợp của các tổ chức quốc tế thì cũng đã làm các hoạt động này.
“Trong cố gắng sắp tới chúng tôi cũng hạn chế bằng những thông tư kê đơn, đơn điện tử và bệnh án điện tử thì sẽ kiểm soát được vấn đề này nhưng cũng không phải dễ. Trong lộ trình kế hoạch tương lai ngành y tế sẽ cố gắng giảm bớt sử dụng thuốc không hợp lý”.
Giá biệt dược cao vì rất độc quyền
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết: “Vấn đề giá biệt dược cao thì đại biểu phản ánh là đúng, vì đã là biệt dược thì rất độc quyền, đặc biệt những thuốc chuyên khoa như ung thư tim mạch, vừa rồi trong các bệnh viện xảy ra hiện tượng đó”.
“Giải pháp của chúng tôi là điều chỉnh Thông tư 11, hiện nay có khoảng gần 700 thuốc biệt dược, có nghĩa đang còn bản quyền nên giá của họ rất cao. Thứ hai là những thuốc biệt dược gần hết bản quyền thì khoảng gần 500. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng tôi đang điều chỉnh Thông tư 11 sẽ đưa danh mục những thuốc biệt dược đã hết bản quyền giá đang cao thì chúng tôi đưa vào đấu thầu rộng rãi như đối với các thuốc nhóm, nhóm 1 là nhóm cao nhất, đương nhiên hãng dược không đồng tình và bác sĩ điều trị cũng không đồng tình. Vì họ vẫn muốn có những cái riêng và dứt khoát Bộ Y tế sẽ đưa vào đấu thầu rộng rãi”, Bộ trưởng Tiến thông tin.
“Đối với biệt dược thì chắc chắn họ độc quyền và mua số lượng ít, nếu mua lẻ thì Bộ Y tế với nghị định đấu thầu dưới hình thức đàm phán giá, có nghĩa sẽ tập trung nhu cầu cả nước về biệt dược, sau đấu thầu tập trung đàm phán để giá thấp nhất. Đây là hình thức mới, chúng ta mới thực hiện theo Nghị định đấu thầu. Sắp tới phương thức này sẽ giúp giảm giá nhiều và theo Nghị quyết của Chính phủ phải phấn đấu giảm thêm 10% giá thuốc. Trong thời gian qua nói giá thuốc tăng, nhưng thực chất theo báo cáo bảo hiểm xã hội là nơi quản lý quỹ phải trả tiền. Nhờ phương thức quản lý chặt chẽ thì chi phí của Quỹ bảo hiểm y tế cho thuốc đã giảm, trung bình khoảng 30%”, Bộ trưởng Tiến cho biết.
Hải Ninh