Tôi thấy việc 3 điểm và 30 điểm mà cùng vào đại học nó không khác nhau nhiều. 10 điểm của nước mình và 3 điểm có thể coi như bằng nhau. Vì đa phần đều không có sáng tạo, chỉ có thuộc bài thôi.
Những người chế giễu “học dốt mới vào Sư phạm” là người ta không hiểu biết hết, vì cả nước dốt, đâu có phải chỉ Đại học Sư phạm. Tôi nói giáo viên nào tôi cũng dạy được. Vấn đề là có sách để học sinh học cho hợp lý.
Nhà giáo Phạm Toàn: Tuyển sinh Sư phạm chỉ cần có tâm là đủ
|
Nhà giáo Phạm Toàn. |
Như trình độ đại học bây giờ: một là không có tư tưởng, hai là không có thực hành, đầu vào 30 điểm chưa chắc thành giáo viên giỏi. Nếu cho tôi thí điểm, lấy 30 em 3 điểm các môn, tôi đảm bảo một năm sau thành giáo viên tiểu học và hai năm sau thành giáo viên trung học giỏi. Nhưng với điều kiện tôi phải toàn quyền làm chương trình.
Trong số các trường chúng tôi đang thực hành giáo trình Cánh Buồm, khi phỏng vấn lấy giáo viên, bất cứ ai chỉ cần tử tế, chỉ cần thích làm việc thì nhận hết, tôi đào tạo lại. Không quan trọng trình độ, chỉ quan trọng thái độ, thật lòng với trẻ con.
Phương pháp của chúng tôi đã chứng minh, chỉ cần biết cách dạy thì trẻ học lớp nào cũng có trình độ cao. Tôi đã thí điểm giáo trình Cánh Buồm cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 7.
Năm đầu chỉ có 90 học sinh, năm sau có 180 học sinh, năm nay lên đến 500 học sinh, đều do phụ huynh tình nguyện đăng ký cho con học. Kết quả nó thể hiện ngay ở những bài viết của học sinh, không gian dối được, và ai cũng có thể kiểm tra được.
Tiến sĩ Triệu Thị Kiều Dung: Một ngành giáo dục không lối thoát?
Nếu thời bao cấp khó khăn vẫn truyền nhau câu nói: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” thì thời hiện đại - thời công nghệ 4.0 lại có cảm giác: Không đỗ trường nào mới vào sư phạm.
|
Tiến sĩ Triệu Thị Kiều Dung. |
Giáo dục Trung Quốc, quốc gia tôi đã học và làm việc gần chục năm, tôi thấy người ta đặc biệt coi trọng truyền thống. Tuy giáo dục Trung Quốc hiện đại, nhưng tình thầy, cô, bạn bè vẫn như thời phong kiến.
Đồng môn vẫn xưng hô: sư huynh, sư tỷ, sư muội. Vẫn gọi vợ của thầy là sư mẫu. Nghề giáo được mọi thế hệ trân trọng. Tình thầy trò, đồng môn vẫn trong khuôn phép, lễ nghĩa.
Sau 3 năm học thạc sĩ ở đại học dân tộc Quảng Tây, Trung Quốc, tôi có ý định học tiếp nhưng năm 2009, trường chưa mở mã ngành tiến sỹ chuyên ngành ngôn ngữ, ngành học mà tôi theo đuổi.
Giáo sư Vi Thụ Quan, thầy hướng dẫn thạc sĩ, đã giới thiệu tôi cho giáo sư Ban Chiêu, là sư huynh của thầy Vi Thụ Quan, giảng dạy tại Đại học Ký Nam, Quảng Châu, Trung Quốc.
Ngày tôi bảo vệ tiến sĩ, giáo sư Vi Thụ Quan đã đáp máy bay từ Nam Ninh, Quảng Tây đến Quảng Châu - Quảng Đông để vừa dự lễ bảo vệ của học trò cũ, vừa chúc mừng sư huynh hướng dẫn thành công một học trò người Việt Nam.
Những kỷ niệm rất giản dị, chân thành, sâu sắc khiến tôi nhớ mãi. Các thầy ở Trung Quốc luôn hết mình vì một chữ Tâm trong sáng, thanh cao. Ở Việt Nam tôi thấy vẫn có, vẫn còn những người thầy như thế nhưng họ chưa được quan tâm và có một chế độ đãi ngộ thỏa đáng.
Một giáo sư ở Trung Quốc ngoài mức lương, chế độ đãi ngộ thỏa đáng, một năm họ còn được hai khoản tiền để đi du lịch cùng người nhà vào dịp lễ. Họ có thể mua nhà trả góp trong vài chục năm.
Khi họ hướng dẫn một nghiên cứu sinh từ thời điểm nghiên cứu sinh đó có giấy báo nhập học, giáo sư đó đã có kinh phí hướng dẫn học trò.
Thu nhập của họ đảm bảo được cuộc sống cho cả gia đình, vì thế không phải quá đau đầu về cơm, áo, gạo, tiền nên có thời gian đầu tư vào chuyên môn, chuyên tâm vào công việc. Nghề sư phạm có lẽ cũng vì thế mà không bị “rớt giá” thảm như ở ta.
Theo Hạnh Đỗ - Nông Hồng Diệu / Tiền Phong