Thông tin về việc ông Đặng Xuân Nguyên, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Ninh Bình vừa được điều động, bổ nhiệm giữ chức Chánh Thanh tra tỉnh này đang thu hút sự chú ý từ dư luận khi thời điểm bổ nhiệm, ông Nguyên chưa phải là Thanh tra viên chính.
Cụ thể, sáng 13/1/2020, tại trụ sở Thanh tra tỉnh, ông Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã trao Quyết định bổ nhiệm ông Đặng Xuân Nguyên, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh giữ chức Chánh Thanh tra tỉnh, thời hạn 5 năm kể từ ngày 13/01/2020.
Tuy nhiên, thời điểm được bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh Thanh tra tỉnh Ninh Bình, ông Đặng Xuân Nguyên chưa đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch Thanh tra viên chính. Thậm chí chưa qua quản lý từ cấp Phó Chánh Thanh tra tỉnh.
|
Sáng 13/1/2020, tại trụ sở Thanh tra tỉnh, ông Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã trao Quyết định bổ nhiệm ông Đặng Xuân Nguyên, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh giữ chức Chánh Thanh tra tỉnh, thời hạn 5 năm kể từ ngày 13/01/2020. Ảnh: Cổng TTĐT Ninh Bình. |
Tại điều 6, Thông tư số 09/2011/TT-TTCP ngày 12/9/2011 của Thanh tra Chính phủ về quy định tiêu chuẩn Chánh Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ, Đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch Thanh tra viên chính hoặc tương đương trở lên.
Đáng chú ý, khi cho ý kiến về việc bổ nhiệm này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trong văn bản số 36 cho biết, thống nhất với chủ trương của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình về việc điều động, bổ nhiệm ông Đặng Xuân Nguyên, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh giữ chức Chánh Thanh tra tỉnh. Đồng thời, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cân nhắc điều kiện, tiêu chuẩn tại Thông tư số 09/2011/TT-TTCP ngày 12/9/2011 của Thanh tra Chính phủ.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, thông tin sự việc bổ nhiệm ông Đặng Xuân Nguyên, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh giữ chức Chánh Thanh tra tỉnh khi chưa phải là Thanh tra viên chính khiến nhiều người khá bất ngờ.
Luật sư Cường cho rằng, thời điểm được bổ nhiệm giữ chức Chánh Thanh tra tỉnh Ninh Bình, ông Đặng Xuân Nguyên chưa đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch Thanh tra viên chính; chưa qua quản lý từ cấp Phó Chánh Thanh tra tỉnh. Điều này được quy định tại Thông tư số 09/2011/TT-TTCP ngày 12/9/2011 của Thanh tra Chính phủ về quy định tiêu chuẩn Chánh Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thông tin trên báo chí cho thấy: “sau khi được điều động, bổ nhiệm ông Đặng Xuân Nguyên đã phải đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Thanh tra viên chính để lấy chứng chỉ (từ đầu tháng 2 đến nay)”. Sau khi có chứng chỉ này, ông Nguyên mới được chuyển ngạch từ Chuyên viên chính sang Thanh tra viên chính.
Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương này lại cho rằng “việc bổ nhiệm như vậy là đúng quy trình, đúng quy định”, luật sư Cường đặt câu hỏi: “Không hiểu họ viện dẫn những quy trình, quy định nào để giải thích cho trường hợp rất “đặc thù” này?”
Theo văn bản của Tổng thanh tra chính phủ nêu rõ: “Tổng thanh tra chính phủ thống nhất với chủ trương của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình về việc điều động, bổ nhiệm ông Đặng Xuân Nguyên, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh giữ chức Chánh Thanh tra tỉnh; Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cân nhắc điều kiện, tiêu chuẩn tại Thông tư số 09/2011/TT-TTCP ngày 12/9/2011 của Thanh tra Chính phủ.”.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đây chỉ là thống nhất về mặt chủ trương, đồng thời văn bản cũng nêu rõ là việc bổ nhiệm phải theo đúng quy định của Thông tư 09. Bởi vậy, địa phương này không thể bổ nhiệm vào thời điểm mà vị lãnh đạo này chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định pháp luật.
Vụ việc này cần phải làm sáng tỏ để làm minh bạch công tác cán bộ phải đảm bảo công bằng cho những việc dư luận không hay.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Trong trường hợp cho rằng việc bổ nhiệm như vậy là đúng quy trình, đúng quy định, địa phương này cũng cần công khai những quy trình, quy định này quy định ở đâu để tránh những nghi ngờ trong công tác cán bộ.
“Thanh tra là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi cán bộ, lãnh đạo, ngoài bản lĩnh chính trị, đạo đức cán bộ thì cần phải có am hiểu về pháp luật, có kinh nghiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác quản lý ngành.
Bởi vậy, việc bổ nhiệm đúng người, đúng trình độ, đúng điều kiện tiêu chuẩn sẽ và đảm bảo người được bổ nhiệm cương vị lãnh đạo trong lĩnh vực này có chuyên môn và có khả năng hoàn thành nhiệm vụ”, Luật sư Cường nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bổ nhiệm cán bộ ở địa phương: Một căn bệnh!
Hải Ninh