Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên nói về vụ cô giáo bị phạt 5 năm tù

Google News

Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên, Nghệ An khẳng định không bị chỉ đạo, không có sức ép và xét xử độc lập.

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm về vụ án bị cáo Lê Thị Dung (cựu giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) bị tuyên phạt năm năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trả lời câu hỏi của PV về việc trên mạng xã hội cho thông tin cho rằng cán bộ tòa án có gặp riêng bị cáo Dung để xin lỗi và cho rằng “bị sức ép”, ông Lâm Quốc Tú, Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên, nói: “Không có chuyện đó. HĐXX sơ thẩm không có áp lực gì”.
Chanh an TAND huyen Hung Nguyen noi ve vu co giao bi phat 5 nam tu
Bà Lê Thị Dung khi còn làm giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Ảnh: TL 
Ông Tú nói tiếp: “Thực ra (HĐXX) mệt mỏi là có bởi vì số lượng bút lục (trong hồ sơ vụ án) nhiều, áp lực dư luận lớn, dù sao xét xử vụ án cũng căng thẳng về không ăn, không nuốt được cơm. Chúng tôi đã làm đúng quy định của pháp luật. Ví dụ sau này HĐXX phúc thẩm khẳng định cấp sơ thẩm xử oan và tuyên vô tội thì chúng tôi mới bắt buộc phải xin lỗi và bồi thường. Bây giờ có chuyện gì mà phải xin lỗi.
Không ai được phép chỉ đạo HĐXX xử mấy năm, kể cả bí thư Tỉnh ủy cũng không thể can thiệp được. Pháp luật đã quy định rồi, không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào can thiệp vào việc xét xử, không được xâm phạm vào hoạt động tư pháp. Nếu yêu cầu chúng tôi xử lý nghiêm, yêu cầu xử lý đúng người, đúng tội thì chúng tôi nghe, còn yêu cầu xét xử mấy năm là chúng tôi không nghe mà có quyền xử độc lập của thẩm phán”.
Cũng theo vị chánh án TAND huyện Hưng Nguyên, bản thân bà Dung từng làm hội thẩm nhân dân của TAND huyện và “chúng tôi muốn giúp cho cô mà không giúp được, con người chứ có phải sỏi đá đâu, từng tay bắt mặt mừng thăm hỏi nhau…”.
Như đã đưa tin, theo bản án sơ thẩm, bà Dung giữ chức vụ giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên xây dựng, ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ không đúng quy định của pháp luật dẫn đến việc lập chứng từ kế toán sai, thanh toán sai quy định. Trong đó, năm học 2014-2015, bà Dung đã thanh toán sai quy định của pháp luật số tiền hơn 30 triệu đồng; năm học 2015-2016 số tiền hơn 13 triệu đồng. Tổng hai lần với số tiền hơn 44,7 triệu đồng được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước theo tài khoản của trung tâm chuyển vào tài khoản cá nhân của bà Dung. Việc thanh toán sai thể hiện ở các nội dung bí thư chi bộ, học cao học... đã được thanh toán nhưng bà Dung vẫn quy đổi ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ cho bản thân là thanh toán trùng (thanh toán hai lần) cho cùng một nội dung.
Trong các ngày 7, 10, 11, 17 và 24/4, TAND huyện Hưng Nguyên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Dung năm năm tù (mức thấp nhất của khung hình phạt).
HĐXX sơ thẩm cũng áp dụng Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự, truy thu số tiền hơn 44,7 triệu đồng từ bị cáo Dung để trả lại cho Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên.
Theo ĐẮC LAM/PLO