Thời gian gần đây, báo chí và mạng xã hội đăng tải nhiều nội dung liên quan người tên Nguyễn Minh Phúc (trú tại huyện Củ Chi, TPHCM), tự xưng “Đại đức Thích Tâm Phúc” có nhiều hành vi làm dư luận bức xúc, đặc biệt là trong đồng bào tín đồ Phật giáo tại TPHCM.
Văn phòng UBND TPHCM mới đây đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu về việc kiểm tra, làm rõ người đàn ông tên Nguyễn Minh Phúc.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM giao Công an TPHCM chủ trì, phối hợp Ban Tôn giáo TPHCM, UBND huyện Củ Chi cùng các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ nhân thân người có tên Nguyễn Minh Phúc và các thông tin mà báo chí đã đăng tải. Nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật thì tiến hành xử lý nghiêm theo quy định.
|
Người tự xưng "đại đức Thích Tâm Phúc" tại một quán nhậu quận Gò Vấp. Ảnh: MXH
|
Nhiều tai tiếng
Mới đây, hình ảnh một người mặc áo tu sĩ đứng trong một tụ điểm ăn uống hoạt động như mô hình quán bar, xung quanh có một số cán bộ công an đang kiểm tra. Người mặc áo tu sĩ sau đó được đưa về trụ sở công an. Nhiều người nhanh chóng nhận ra đây là ông Nguyễn Minh Phúc, người tự xưng "đại đức Thích Tâm Phúc" từng nhiều lần gây xôn xao mạng xã hội.
Theo tìm hiểu, tối ngày 22/7, lực lượng công an kiểm tra quán nhậu tại phường 17, quận Gò Vấp và đưa nhiều người về trụ sở test ma túy, trong đó có ông Nguyễn Minh Phúc. Ông Phúc âm tính với ma túy nên được cho về.
Sau đó mạng xã hội tiếp tục xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh ông Phúc giải thích là do đi dự sinh nhật của đệ tử: "Đến 1 quán DJ, nó đặt bàn thì vô thôi. Ngồi chơi được 1 tiếng đồng hồ, công an bao vây, hốt hết tất cả khách lên đồn… Sinh nhật đệ tử thầy vui đến chúc mừng thôi. Thầy nghĩ đệ tử đâu dẫn thầy đến quán bất ngờ thế này. Bao nhiêu gái đẹp, trai 6 múi không, kiểu này chết thầy chùa rồi con ơi".
Sự việc ông Nguyễn Minh Phúc mặc áo tu sĩ xuất hiện tại địa điểm quán nhậu khiến nhiều người bức xúc. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu, người đàn ông này gây tai tiếng.
Trước đó, vào năm 2021, mạng xã hội từng bất bình trước hình ảnh của người đàn ông đầu trọc, mặc áo nhà sư xuất hiện trong clip "thầy chùa ăn thịt chó". Người này tự xưng là "đại đức Thích Tâm Phúc", trụ trì chùa Hoằng Pháp Trung ương (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi). Không những gây bức xúc cho người xem về việc thầy tu ăn thịt chó, ông Nguyễn Minh Phúc còn có những phát ngôn gây sốc, sai lệch, xúc phạm Phật giáo.
Tháng 4/2022, ông Nguyễn Minh Phúc tiếp tục gây xôn xao mạng xã hội trong trang phục cử nhân, cầm bằng tốt nghiệp của trường Trường Đại học Luật TP HCM. Tuy nhiên, đại diện Trường Đại học Luật TP HCM khi đó lên tiếng cho rằng, ông Phúc khi đến chúc mừng một sinh viên của trường trong ngày tốt nghiệp đã thuê lễ phục không phải của nhà trường để chụp ảnh. Ông Phúc chưa từng là người học của trường này.
“Đại đức Thích Tâm Phúc” là ai?
Ông Nguyễn Minh Phúc, sinh năm 1983, trú tại số nhà 144/45 đường Giòng Cát, tổ 8, ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP HCM. Người này tự đặt pháp danh Thích Tâm Phúc, tự đặt tên nhà là chùa Ngộ Chân Tử - Tổ khai sáng chùa Hoằng Pháp).
Từ năm 2014, Thượng tọa Thích Chân Tính trụ trì chùa Hoằng Pháp đã xác nhận rằng ông Phúc đã tự xưng là chư Tăng chùa Hoằng Pháp, lợi dụng danh tính của chùa để tổ chức các sự kiện, kêu gọi, quyên góp tịnh tài, tịnh vật nhằm trục lợi cá nhân bất hợp pháp - nhà chùa nhận được rất nhiều phản ảnh gây ảnh hưởng uy tín của chùa.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Củ Chi xác nhận trong danh bộ Phật giáo địa phương không hề có tên “Đại đức Thích Tâm Phúc" (thế danh Nguyễn Minh Phúc), không có một vị trụ trì nào tên như thế, cơ sở tại địa chỉ 174/13A, hẻm 63, đường Giồng Cát, ấp Láng Cát, xã Tân Trung Phú, huyện Củ Chi, tự xưng là “chùa Hoằng Pháp Trung ương”, không thuộc sự quản lý của Ban Trị sự Phật giáo địa phương.
Mới đây, trao đổi với báo chí, Thượng tọa Thích Tâm Hải, Trưởng Ban Thông tin - Truyền thông Giáo hội Phật Giáo Việt Nam TP HCM khẳng định, ông Nguyễn Minh Phúc, tự xưng là "Đại đức Thích Tâm Phúc" không phải là tu sĩ Phật giáo.
Theo Thượng tọa Thích Tâm Hải, UBND huyện Củ Chi đã từng triệu tập các cuộc họp xử lý vụ việc với sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan như công an, Phòng Tư pháp, Phòng Văn hóa và Thông tin…Thẩm tra các loại giấy tờ, chứng minh là tu sĩ, các quyết định bổ nhiệm đối với ông Nguyễn Minh Phúc với chữ ký của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Hòa thượng Trưởng ban Tăng sự Trung ương, khuôn dấu của Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN cấp cho ông Nguyễn Minh Phúc đều do ông Phúc tự làm, giả mạo.
Thậm chí, các huân chương, huy chương, bằng khen của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ cũng được cơ quan chức năng khẳng định là do ông Phúc tự làm giả. Cụ thể, các cơ quan chức năng cho biết các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước cấp cho tập thể và cá nhân ông Nguyễn Minh Phúc như: 5 Huân chương Lao động, 2 bằng khen của… Trung ương không có tên trong danh sách khen thưởng lưu trữ tại Ban Thi đua - Khen thưởng, các trường hợp được khen thưởng không hề có tên ông Nguyễn Minh Phúc.
Trước đó, UBND huyện Củ Chi cũng thông tin, ông Nguyễn Minh Phúc thường xuyên núp bóng, lợi dụng danh nghĩa tu sĩ Phật giáo để kêu gọi, vận động, quyên góp gây quỹ nhằm mục đích trục lợi cá nhân bất hợp pháp và tụ tập đông người tại nhà riêng. Đây là nhà tình thương do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cho mẹ của ông Phúc vì gia cảnh neo đơn. Thời gian tặng là từ ngày 9/1/2003. Năm 2010, ông Nguyễn Minh Phúc tự ý treo bảng hiệu "Chùa Ngộ Chân Tử".
Từ năm 2015 cho đến nay, chính quyền địa phương nhiều lần cử đoàn đến làm việc về những sự việc bất hợp pháp trên và nhiều lần mời ông Phúc đến làm việc, nhưng ông đều vắng không có lý do. Chính quyền địa phương cũng đã tổ chức họp dân thông báo việc ông Nguyễn Minh Phúc giả danh tu sĩ, đồng thời yêu cầu ông Phúc tháo gỡ tất cả các bảng hiệu có nội dung không đúng quy định, trong đó có bảng hiệu để tên gọi là "chùa Hoằng Pháp Trung ương".
Đến nay, ông Nguyễn Minh Phúc đã tháo dỡ bảng hiệu có nội dung "Chùa Hoằng pháp Trung ương", di dời 14 tượng Phật vào trong khu vực sảnh chính của căn nhà. Tuy nhiên, hiện trước nhà ông Phúc vẫn còn đặt 8 tượng Phật (6 tượng lớn và 2 tượng nhỏ).
UBND huyện Củ Chi cũng cho biết, ông Nguyễn Minh Phúc từng bị công an xã Tân Phú Trung xử phạt về hành vi "khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác" vào đầu năm 2022. Tháng 3/2023, UBND huyện Củ Chi đã chỉ đạo Phòng Nội vụ huyện phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND xã Tân Phú Trung mời làm việc và yêu cầu ông Nguyễn Minh Phúc cam kết không phát ngôn sai sự thật, không chia sẻ những thông tin trái với quy định của pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
>>> Mời độc giả xem thêm video Nhiều người mắc lừa kẻ giả sư
Tâm Đức