Chậm trễ trong chọn sách giáo khoa, học sinh chịu thiệt

Google News

Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), trước ngày 5/4, các địa phương phải chọn xong sách giáo khoa (SGK) mới cho năm học tới. Tuy nhiên, đã quá thời hạn trên, mới có khoảng 30 tỉnh, thành báo cáo kết quả chọn sách về Bộ GDĐT. 

Thiếu thông tin, chậm trễ trong việc công bố danh mục SGK được chọn đang khiến giáo viên và cơ sở giáo dục lo khó đảm bảo tiến độ tập huấn, hướng dẫn giáo viên sử dụng SGK mới - một khâu không thể xem nhẹ để đảm bảo dạy và học theo chương trình, SGK mới thành công.
Quá thời hạn vẫn chưa chọn xong SGK
Sau gần một năm học triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1, nhờ nỗ lực của đội ngũ giáo viên và những điểm mới, ưu việt của chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới... đã ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan từ khả năng tiếp thu của học sinh. Tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới, Bộ GDĐT đã công bố phê duyệt danh mục 32 SGK lớp 2, 40 SGK lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2021-2022 để các địa phương lựa chọn.
Theo Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT về lựa chọn sách giáo khoa trong trường phổ thông, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có quyền quyết định việc chọn sách cho học sinh trên địa bàn, thay vì giao việc chọn sách cho các cơ sở giáo dục như năm học trước.
Cũng theo quy định tại Thông tư 25, sau khi Bộ GDĐT công bố phê duyệt danh mục SGK lớp 2, lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, UBND các tỉnh, thành sẽ tiến hành các bước chọn sách và phải hoàn thành trước khai giảng năm học mới tối thiểu 5 tháng. Có nghĩa, trước 5.4, việc chọn SGK phải hoàn tất và báo cáo danh mục SGK lựa chọn về Bộ GDĐT trước ngày 10.4. Ngay sau khi có kết quả chọn sách, các sở GDĐT phải chủ động phối hợp với nhà xuất bản có SGK được lựa chọn để tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ giáo viên dạy lớp 2, lớp 6.
Kế hoạch rõ ràng, chi tiết là vậy, nhưng theo ghi nhận của Lao Động, hiện đã gần hết tháng 4, mới có khoảng 30 tỉnh, thành báo cáo kết quả chọn sách về Bộ GDĐT. Nhiều tỉnh còn chưa thành lập được hội đồng lựa chọn sách cấp tỉnh hoặc có hội đồng nhưng chưa tổ chức được buổi họp nào để thống nhất việc bỏ phiếu chọn SGK.
Tại Thanh Hóa, theo ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GDĐT, hiện tỉnh vẫn đang tiến hành các bước chọn SGK. Dự kiến trong tuần này các hội đồng chọn SGK cấp tỉnh sẽ họp, thảo luận về việc chọn sách. Sau đó, từ danh mục SGK mà các hội đồng lựa chọn, UBND tỉnh sẽ ký quyết định phê duyệt và công bố công khai danh mục các SGK cho năm học tới.
Tương tự, tại Hà Tĩnh, giáo viên và phụ huynh vẫn chưa biết sẽ dạy và học theo SGK nào trong năm học mới. UBND tỉnh Hà Tĩnh mới có quyết định thành lập 22 hội đồng lựa chọn sách. Theo lãnh đạo Sở GDĐT Hà Tĩnh, với tiến độ này, dự kiến, trong tháng 5 tỉnh mới công bố được danh mục SGK lớp 2 và lớp 6 sử dụng cho năm học 2021-2022.
Thậm chí tại Thái Bình, đến thời điểm này, hội đồng lựa chọn sách cấp tỉnh vẫn chưa được thành lập. Thông tin từ Sở GDĐT tỉnh này, hiện Sở đã đề xuất danh sách hội đồng và trình UBND tỉnh. Dự kiến đầu tuần này, UBND tỉnh sẽ ban hành quyết định thành lập các hội đồng chọn sách. Khả năng đến đầu tháng 5, Thái Bình mới hoàn thành được việc chọn SGK và công bố danh mục các sách được chọn.
Gần 30 địa phương khác trên cả nước cũng chưa chọn xong, đồng nghĩa chưa thể công bố danh mục SGK để giáo viên và phụ huynh được biết. Lý do của việc chậm trễ này được các địa phương lý giải vì ảnh hưởng của dịch COVID-19; giáo viên tiếp cận bản mẫu SGK qua mạng, phải đọc nhiều bản mẫu trong khi vẫn phải thực hiện kế hoạch giảng dạy hằng ngày, nên việc nộp bản nhận xét, đề xuất chọn sách còn chậm. Ngoài ra, nhiều địa phương có sự xáo trộn về nhân sự từ lãnh đạo Sở GDĐT, cho đến lãnh đạo tỉnh cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ chọn SGK.
Cham tre trong chon sach giao khoa, hoc sinh chiu thiet
 
Sốt ruột “ngóng” kết quả chọn SGK
Chưa biết việc chọn SGK ở các địa phương đang mắc ở khâu nào, nhưng việc chậm công bố so với thời hạn mà Bộ GDĐT quy định đang khiến phụ huynh, giáo viên, cơ sở giáo dục thiếu thông tin. Các đơn vị xuất bản, biên soạn sách cũng rơi vào thế bị động trong việc in ấn, phát hành. Quan trọng hơn, việc chọn sách không theo đúng tiến độ sẽ rút ngắn thời gian tập huấn sử dụng SGK cho giáo viên, trong khi đây là khâu rất quan trọng để đảm bảo giáo viên làm quen với nội dung, phướng pháp, hình thức tổ chức dạy học theo SGK mới.
Bài học ở năm học trước, khi dư luận phản ánh về việc SGK lớp 1 có nhiều “sạn”, một trong những bất cập được chỉ ra là thời gian tập huấn giáo viên và thực nghiệm dạy theo SGK mới quá ngắn. Vì vậy, khi đưa vào giảng dạy chính thức trong nhà trường đã bộc lộ những bất cập như sách bị phản ánh có nhiều kiến thức khó, quá tải với học sinh lớp 1; có nhiều “sạn”, câu chuyện gây tranh cãi, bị phụ huynh phản ứng... Ngay bản thân giáo viên, đội ngũ được xác định là khâu then chốt, quyết định sự thành bại của việc đổi mới chương trình, SGK cũng còn nhiều lúng túng, bỡ ngỡ khi bắt đầu dạy học theo SGK mới. Chính đội ngũ còn có những lo lắng, băn khoăn, đã ít nhiều ảnh hưởng đến niềm tin của phụ huynh khi thực hiện đổi mới.
Rút kinh nghiệm từ năm học trước, với lớp 2 và lớp 6, Bộ GDĐT yêu cầu việc chọn SGK phải thực hiện xong từ tuần đầu tháng 4, để đảm bảo giáo viên sẽ có 5 tháng được tập huấn, làm quen với SGK mới. Tuy nhiên, tiến độ này đang bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ của các địa phương trong khâu chọn sách.
Hiện giáo viên, các cơ sở giáo dục đang rất “nóng ruột”, mong sớm có kết quả chọn sách của địa phương mình, để sắp xếp thời gian nghiên cứu, dạy thử nghiệm, xây dựng kế hoạch, tiến trình dạy học phù hợp với mạch kiến thức trong SGK mới. Đặc biệt, với lớp 6, lần đầu tiên xuất hiện một số môn học mới, theo hướng tích hợp như Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, giáo viên mong sớm được tập huấn trực tiếp trên SGK, theo hướng “cầm tay chỉ việc”, được dạy thực nghiệm, thay vì chỉ học qua lý thuyết như hiện nay.
“Chúng tôi rất cần tăng thời gian thực nghiệm SGK mới, vì chỉ khi thực hiện việc dạy học trong thực tế, mới phát hiện ra những điều chưa phù hợp để kịp thời điều chỉnh, trước khi đưa vào giảng dạy đại trà” - cô Lê Thị Thảo - Trường Tiểu học An Lư (Hải Phòng) cho biết.
Trao đổi với Báo Lao Động, các đơn vị xuất bản cũng cho biết đang rất “nóng ruột”, “ngóng” kết quả chọn sách mà các địa phương gửi về. Việc chọn sách chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến tiến độ in ấn, phát hành của các đơn vị xuất bản và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền được tiếp cận sớm với SGK của giáo viên. Trong khi việc được nghiên cứu, tập huấn sớm với SGK sẽ giúp giáo viên làm quen, thành thạo việc dạy học theo yêu cầu của chương trình GDPT mới.
Khi giáo viên bước vào năm học mới với tâm thế tự tin, vì đã có nhiều thời gian tập huấn, làm quen, dạy thử nghiệm theo SGK mới, người hưởng lợi trực tiếp sẽ là học sinh. Ngược lại, chỉ cần một khâu bị chậm trễ, hàng loạt khâu phía sau sẽ bị ảnh hưởng theo và người chịu thiệt cũng là học sinh.
Theo Lao Động