Trong thông cáo báo chí phát đi sáng 22/7, Bộ GD-ĐT cho biết, thực hiện chủ trương của đẩy nhanh tiến độ chấm thẩm định theo quy định của Quy chế thi THPT quốc gia, ngày 21/7, 3 tổ chấm thẩm định đã triển khai chấm thẩm định tại các Hội đồng thi Tỉnh Hòa Bình, Lâm Đồng và Bến Tre.
"Quy trình chấm thẩm định giống như chấm lần đầu", đó là chia sẻ của ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT).
Theo ông Trần Văn Nghĩa, chấm thẩm định là một khâu bình thường của một kỳ thi.
Cụ thể: Trong một kì thi có việc chấm thi, chấm phúc khảo và chấm thẩm định. Thực tế, gần như năm nào cũng tổ chức chấm thẩm định, chúng ta có thể lựa chọn một số tỉnh để chấm thẩm định. Tất nhiên là trên cơ sở phân tích dữ liệu thi và dựa theo những tiêu chí nhất định.
Cũng theo ông Trần Văn Nghĩa, có thể chấm toàn bộ các bài thi của 1 môn nào đấy, hoặc một số môn nào đấy, hoặc là chấm một số bài thi trong một số môn. Phạm vi chấm là do Hội đồng chấm thẩm định quyết định, trên cơ sở yêu cầu của thực tế.
Một điểm lưu ý nữa đó là, cách chấm thẩm định. Theo ông Trần Văn Nghĩa, thực hiện chấm thẩm định cũng giống như là lúc chấm thi bình thường, nghĩa là quy trình chấm thi như thế nào, thì chấm thẩm định cũng như vậy.
Ông Nghĩa cho biết: Với bài trắc nghiệm, chúng ta phải làm quy trình hoàn toàn giống như là quy trình chấm thi bình thường. Đối với bài thi tự luận thì cũng phải chấm qua 2 vòng độc lập như chấm bình thường.
Riêng về sử dụng kết quả chấm thẩm định, trong Quy chế thi THPT quốc gia đã quy định: Hội đồng chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT có thẩm quyền quyết định cuối cùng về điểm chính thức của bài thi. Nghĩa là căn cứ thực tế kết quả chấm sẽ quyết định lấy điểm nào (điểm gốc hay điểm sau khi chấm thẩm định) là điểm chính thức của bài thi.
Một điểm chú ý nữa đó là: Hội đồng chấm thẩm định sẽ dùng con dấu của Cục Quản lý chất lượng để thực hiện việc chấm thẩm định. Tất cả những vấn đề này đều quy định trong Điều 31 của Quy chế thi THPT quốc gia.
"Như vậy, có thể nói chấm Thẩm định là một khâu quan trọng của kỳ thi và mục đích của chấm thẩm định để Bộ GDĐT có cơ sở đánh giá tổng thể về chất lượng của công tác chấm thi” - ông Trần Văn Nghĩa nhấn mạnh.
Theo thống kê dữ liệu điểm thi THPT quốc gia năm 2018, Hoà Bình có một số điểm thi cao trong so sánh tương quan với các địa phương khác.
Chẳng hạn, ở môn Toán, Hòa Bình có 27 thí sinh từ 9 trở lên - chiếm 0,30% trong tổng số 8.903 thí sinh dự thi và vượt trội hơn nhiều địa phương khác.
|
Theo phân tích của GS Nguyễn Văn Tuấn, phân bổ phổ điểm các môn Toán, Lý, Hóa của Hòa Bình lại khác so với cả nước. Phân bố điểm thi môn Toán, Lý, Hóa của Hòa Bình (màu vàng) lệch so với cả nước (màu xanh). Trong đó mức điểm cao của Hòa Bình đều nhô lên (H2). Điều này không xảy ra nhiều ở các môn Ngữ Văn, Sử, Địa, hay tiếng Anh. |
So với TP.HCM số thí sinh dự thi môn Toán của Hòa Bình ít hơn 8,76 lần nhưng chỉ ít hơn TP.HCM 5 điểm 9.
Số điểm Toán lớn hơn 9 của Hòa Bình hơn 2,07 lần Nam Định; trong khi số thí sinh dự thi kém hơn 2,2 lần.
Tương tự, số thí sinh đạt 9 trở lên của Hòa Bình chỉ thua Nghệ An 1 em, trong khi số thí sinh ít hơn 3,5 lần.
Ở môn Hóa, trong tổng số 2.394 thí sinh dự thi môn Hóa ở Hòa Bình có 14 thí sinh đạt điểm trên 9 chiếm 0,58%.
Nếu so với TP.HCM, số thí sinh dự thi môn Hóa của Hòa Bình kém 20,9 lần, còn số thí sinh đạt điểm 9 kém 8,64 lần.
Môn Vật lý ở Hòa Bình có 21 điểm 9 trở lên, trong tổng số 2.400 thí sinh dự thi chiếm 0,88%. So sánh với các địa phương khác như TP.HCM; Hà Nội; Nam Định; Nghệ An thì điểm 9 trở lên ở Hòa Bình vượt trội.
TP HCM là địa phương có số thí sinh dự thi môn Vật lý nhiều nhất với 49.684 thí sinh và có 39 thí sinh điểm 9 trở lên. Số thí sinh dự thi môn Vật lý của TP.HCM gấp Hòa Bình 20,7 lần; trong khi số thí sinh đạt điểm 9 trở lên gấp 1,85 lần.
|
Điểm bài thi môn Toán của Hoà Bình và các địa phương khác. |
Trao đổi với VietNamNet sáng 20/7, ông Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình khẳng định, thông tin phản ánh điểm thi của Hòa Bình có sự bất thường là chưa chính xác.
“Theo phân tích của chúng tôi, phổ điểm của thí sinh tỉnh Hòa Bình hết sức bình thường. Chúng tôi khẳng định không có chuyện tiêu cực trong khâu chấm thi. Việc chấm thi được làm chặt chẽ, đúng quy trình, luôn có sự giám sát của thanh tra Bộ ủy quyền và cán bộ PA 83 của tỉnh.
Không ai có thể can thiệp được vào bài thi trắc nghiệm cũng như kết quả thi các môn. Do vậy kết quả bài làm của thí sinh đã công bố là hoàn toàn chính xác và khách quan”.
Đánh giá kết quả này, ông Lương cho biết: “Điểm cao là chuyện bình thường vì trong quá trình trước thi các em đã ôn tập rất nhiều. Anh em Sở cũng đã chỉ đạo trong suốt quá trình ôn thi và tổ chức kỳ thi thử phải chia nhỏ, sát đối tượng. Thí sinh nào có tố chất thì hướng dẫn các em để làm bài thi trắc nghiệm đạt hiệu quả cao”.
Theo Nguyễn Thảo/Vietnamnet