Sáng ngày 26/5, cây phượng vĩ hơn 20 năm tuổi trong sân trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TPHCM) bị bật gốc khiến 1 học sinh tử vong, 17 học sinh bị thương. Đây là một sự cố rất đáng tiếc, một thảm họa đau lòng và tất nhiên dư luận ngay sau đó đã đặt câu hỏi, trách nhiệm của ai?
Ngay tại buổi họp báo sau khi xảy ra sự việc ít giờ, thầy giáo Nguyễn Vạn Phúc, Hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng đã nhanh chóng nhận trách nhiệm. Thầy Phúc nói ngắn gọn rằng: "Cây bật gốc trong trường, trách nhiệm thuộc về tôi".
|
Hiện trường vụ tai nạn. |
Cây xanh bật gốc đổ, người đứng đầu trường THCS Bạch Đằng cảm thấy day dứt dù sự cố đáng tiếc này không ai mong muốn đã xảy ra dù bản thân thầy hiệu trưởng và nhà trường không đủ chuyên môn để thẩm định về cây xanh và cũng không được tự ý đốn hạ, cắt tỉa cây. Việc thầy Phúc khẳng khái nhận trách nhiệm thể hiện ông là một người thầy bản lĩnh, dám đối diện với thực tế và không trốn tránh hay đùn đẩy trách nhiệm cho ai.
Nhận trách nhiệm, cũng đồng nghĩa với việc người thầy giáo này có thể bị kỷ luật, nếu nặng có thể bị cách chức nhưng cho thấy sự thẳng thắn và bản lĩnh của một người thầy giáo, một lãnh đạo đứng đầu nhà trường. Thể hiện một nhân cách nhà giáo đáng trân quý, một con người có lòng tự trọng cao.
Chỉ một câu nói ngắn gọn "Cây bật gốc trong trường, trách nhiệm thuộc về tôi". Nhưng thầy hiệu trưởng đã thể hiện phẩm chất, cái tâm đối với học sinh, đối với nhà trường và một nhân cách thẳng thắn, chính trực".
Cách thời điểm xảy ra vụ cây xanh đổ tại trường THCS Bạch Đằng một thời gian ngắn, tại trường THCS Quyết Thắng (TP Hải Dương), một học sinh đã bị điện giật tử vong sau bị nhà trường phân công cắt tỉa một số cành cây phi lao ở trên cao tiếp giáp đường dây điện 35kv. Nhưng đến nay, sau hơn nửa tháng xảy ra sự việc và hơn 5 ngày kể từ khi học sinh tử vong, chưa một lãnh đạo nhà trường, giáo viên nào nhận trách nhiệm.
Báo cáo của trường Quyết Thắng về vụ việc thậm chí còn cho rằng khi cắt tỉa có gió đẩy mạnh nên cành cây chạm vào đường điện khiến học sinh bị điện giật. Thậm chí, người ta không ngần ngại kể lể việc hỗ trợ kinh phí chữa bệnh, lo hậu sự cho học sinh xấu số và cho rằng, gia đình học sinh đồng ý rằng đây là tai nạn rủi ro nên đã ký đơn không truy cứu sự việc với Viện kiểm sát.
Đấy là một ví dụ điển hình trong số hàng chục vụ việc xảy ra trong thời gian qua mà không có người tự giác nhận trách nhiệm. Dường như chúng ta đã quá quen thuộc đến mức nhàm chán với việc cứ xảy ra sự cố là không ít người đổ lỗi cho khách quan.
Bởi thực tế có quá nhiều vụ việc xảy ra tại nhiều đơn vị, khi xảy ra sự cố thay vì thẳng thắn nhận trách nhiệm, họ luôn tìm cách để bao biện nhằm trốn tránh trách nhiệm như “đường cong mềm mại”, “lỗi đánh máy”, “rút kinh nghiệm sâu sắc”,, “tự đập mặt vào dùi cui”… cấp trên đổ cho cấp dưới, cấp dưới đổ cho khách quan. Sự đổ lỗi, trốn tránh trách nhiệm của họ đã làm giảm sút niềm tin trong nhân dân vào một bộ phận cán bộ hiện nay.
|
Thầy giáo Nguyễn Vạn Phúc, Hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng. |
Thực tế trên cho thấy, dù bao sự cố từ nhỏ đến lớn xảy ra, ít ai có trách nhiệm nói lời xin lỗi vì những sai sót do bản thân, do đơn vị dù họ là những người hưởng lương từ ngân sách, từ tiền thuế của dân, thậm chí tìm cách đổ lỗi, trốn tránh trách nhiệm. Những hành động như vậy đã làm giảm sút niềm tin trong nhân dân vào một bộ phận cán bộ hiện nay.
Do vậy, lẽ ra việc thầy hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng nhận trách nhiệm là việc bình thường trong xã hội văn minh và thượng tôn pháp luật, bởi cây xanh gãy đổ trong khuôn viên nhà trường, do nhà trường quản lý thì đương nhiên nhà trường phải có trách nhiệm. Nhưng trong một xã hội "Ai cũng gù" mà thầy Phúc "thẳng lưng" lại thành ra đặc biệt và hiếm có.
Việc thầy giáo Nguyễn Vạn Phúc "thẳng lưng" nhận trách nhiệm không chỉ dạy cho học trò những bài học quý về đạo đức, phẩm chất và sự dũng cảm, sẵn sàng đối mặt với sự thật và trách nhiệm đồng thời dạy cho nhiều cán bộ khác thế nào là sự liêm sỉ và lòng tự trọng. Người thầy giáo ấy có thể bị kỷ luật do cây xanh gãy đổ trong trường học khiến học sinh thương vong nhưng người thầy giáo ấy vẫn đáng được trân trọng.
>>> Mời độc giả xem video Thầy hiệu trưởng kể lại giây phút cây phượng bật gốc đè 13 học sinh
Hải Ninh