Hà Nội yêu cầu cắt tỉa tất cả các cây xanh trong trường học
Mới đây, xảy ra liên tiếp 2 cây phượng tại TPHCM và Đắk Lắk bị bật gốc, trong đó cây ở trường học tại TP HCM đè 1 học sinh tử vong khiến nhiều người lo lắng về vấn đề cây xanh trong trường học.
|
Cây phượng bật gốc đổ đè 18 học sinh vào sáng 26/5 tại TP HCM. |
Ngày 29/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Công ty công viên cây xanh Hà Nội và các quận, huyện rà soát, cắt tỉa lại tất cả các cây xanh ở các trường học trên địa bàn thành phố, không để xảy ra nguy hiểm cho học sinh, giáo viên.
Trước đó, vào ngày 27/5, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đề nghị các trường học chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý và cơ quan chuyên môn để triển khai việc rà soát hệ thống cây xanh trong khuôn viên các trường để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, cán bộ nhà trường trong mùa mưa bão.
|
Cây phượng đổ khiến 1 học sinh tử vong ở TP HCM. |
Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình, TP Hà Nội cho biết, hàng năm, nhất là trước mùa mưa bão Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình phối hợp với Phòng Quản lý đô thị có công văn chỉ đạo các nhà trường rà soát các cây xanh trong khuôn viên các cơ sở giáo dục công lập và dân lập trên địa bàn.
“100% các trường nộp báo cáo về tình trạng cây xanh trong khuôn viên trường và có các đề xuất kiến nghị về việc xử lý cây để đảm bảo các điều kiện an toàn cho những cây xanh và an toàn trường học. Các công việc đề xuất như: Kiểm tra xem cây có bị mục ruỗng, cắt tỉa cành để tránh bão, hạ thấp độ cao của cây cho an toàn, tư vấn chăm sóc cây, trồng thêm các loại cây... Từ đó, Phòng GD-ĐT quận phối hợp với phòng Quản lý đô thị quận tham mưu UBND quận biện pháp xử lý và xây dựng kế hoạch thực hiện”, ông Thuận thông tin.
|
Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình, TP Hà Nội. |
Theo ông Thuận, sau vụ việc cây ngã đổ khiến một em học sinh ở Trường THCS Bạch Đằng (quận 3,TP HCM) tử vong mới đây, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Hà Nội, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình ngay lập tức đã yêu cầu các trường trên địa bàn quận kiểm tra các cây xanh trong khuôn viên trường, báo cáo nhanh với Phòng GD-ĐT tình trạng cây xanh của trường.
Trong cuộc họp giao ban Phòng đã yêu cầu các trường cần chủ động đề xuất phương án cụ thể xử lý cây xanh trước mùa mưa bão, thảo luận các biện pháp tăng cường an toàn trường học, tăng cường các biện pháp tuyên truyền về an toàn trường học tới cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh giúp cho mọi người có biện pháp phòng, tránh giữ an toàn cho cá nhân và tập thể, biết cách xử lý mọi vấn đề nguy hiểm.
Theo ông Nguyễn Đức Mạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, sau vụ việc cây ngã đổ gây chết người ở TP HCM, các trường học cần phải có những phương án thực hiện cắt sửa cây xanh thường xuyên. Nên phối hợp với cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn, chăm sóc, duy tu hệ thống cây xanh trong trường...
“Sau những sự việc đau lòng trên, các trường cần cảnh giác nhưng không nên phản ứng thái quá bằng việc chặt hay thay thế hàng loạt cây xanh cùng một lúc. Nên căn cứ vào các điều kiện chuyên môn, cây nào có dấu hiệu hư hỏng, mất an toàn thì mới chặt hay thay thế”, ông Mạnh cho hay.
|
Ông Nguyễn Đức Mạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội. |
Ai quản lý cây xanh trong khuôn viên trường học?
Theo ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình, TP Hà Nội, những cây xanh trong khuôn viên các cơ sở giáo dục công lập và dân lập trên địa bàn thuộc quyền quản lý của chính quyền sở tại.
“Vào đầu năm âm lịch, dịp Tết trồng cây, Phòng quản lý đô thị phối hợp với Phòng GD-ĐT thống kê số cây xanh của các trường, kiểm tra tình trạng cây xanh tại 100% cơ sở giáo dục và thống kê nhu cầu trồng mới, thay cây. Trong những năm gần đây nhờ sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành có liên quan đến cây xanh trong trường học, việc chăm sóc cây, bảo đảm an toàn trường học của quận Ba Đình được thực hiện tốt. Các trường hợp cây đổ vì bão đều đã được dự đoán trước có biện pháp chuẩn bị và khắc phục không ảnh hưởng tới sự an toàn của các nhà trường”, ông Thuận nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Mạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cũng cho biết: “Công ty được quản lý cây xanh bóng mát trên đường phố lớn có tên trên địa bàn 12 quận. Còn ngõ nhỏ thì UBND các quận sẽ quản lý, trong khuôn viên của các tổ chức cá nhân thì đơn vị đó quản lý”.
|
Cây xanh cần được chăm sóc, cắt tỉa thường xuyên. |
Theo ông Mạnh, hàng năm công tác cắt tỉa cây xanh được lên kế hoạch từ quý IV năm trước. Công tác chặt hạ, thay thế các cây chết, sâu mục được tiến hành thường xuyên, liên tục.
“Trước tháng 6/2020 công ty sẽ tiến hành cắt tỉa, thay thế trên 20.000 cây bóng mát trên đường phố Hà Nội. Song song với đó, công ty thường xuyên thực hiện tuần tra khảo sát phát hiện cây hư hỏng, chết,...để cắt sửa cây kịp thời, thường xuyên. Tiếp nhận đơn thư, thông tin phản ánh về chất lượng cây của tổ chức, cá nhân và đều được xử ký kịp thời, không để tồn tại. Ngoài ra, công ty luôn phối hợp với các chính quyền các cấp, Ban duy tu các công trình xây dựng của Sở Xây Dựng xử lý kịp thời nếu phát hiện những nguy hiểm”, ông Mạnh thông tin.
Nguyên nhân gây ra cây ngã đổ?
Ông Nguyễn Đức Mạnh - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho rằng: “Những cây có các vết mục nhìn thấy khi loang ra hay cây nghiêng trên 45 độ, cây nặng tán, người dân hoàn toàn có thể phát hiện, thông tin đến công ty để xử lý kịp thời”, ông Mạnh cho hay.
|
Mưa dông khiến cây ngã đổ. |
Theo ông Mạnh, công tác cắt, sửa thường xuyên và công tác tuần đường đóng vai trò rất quan trọng và cần thường xuyên, liên tục được thực hiện. Hàng ngày, Công ty thường xuyên nhận được thông tin phản ánh của người dân, các phường và đều được xử lý nhanh chóng, dứt điểm.
Nguyên nhân sâu xa ngoài yếu tố thời tiết thì các yếu tố khách quan như việc đô thị Hà Nội có hè phố thường xuyên chỉnh trang, thi công, xây sửa vỉa hè cũng gây ảnh hưởng. Nhiều trường hợp gió mạnh bất thường, qua các khu nhà cao tầng nên tăng tốc rất mạnh,...
“Nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, phát hiện cây có nguy cơ hư hỏng hay nguy cơ gãy đổ như bên ngoài cây xanh tốt nhưng bên trong không thể kiểm tra được, hoặc chỉ có thể kiểm tra ở phía dưới,...rất khó để phát hiện sớm. Để đảm bảo các điều kiện an toàn, cần cắt tỉa thường xuyên sẽ giúp hạn chế các nguy cơ,…”- ông Mạnh nói.
Theo ông Mạnh, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội luôn nhận được đề nghị phối hợp chuyên môn trong đó có nhiều đơn vị, phối hợp như với các cơ quan ngoại giao, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội. Công ty Công viên cây xanh Hà Nội sẵn sàng phối hợp với các trường học, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn trong việc trồng, chăm sóc, cắt tỉa, đánh chuyển.
|
Liên tiếp xảy ra cây ngã đổ trong khuôn viên trường học. |
Nói về công tác đánh chuyển, chặt hạ, thay thế cây xanh tại Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Đức Mạnh - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin từ lực lượng tuần đường, đơn thư, phản ánh của các tổ chức, cá nhân, công ty sẽ đề xuất lên Sở Xây Dựng, sở sẽ báo cáo UBND thành phố từ đó ra quyết định để công ty tiến hành.
“Quy trình là vậy nhưng ở Việt Nam đặc biệt ở Hà Nội việc thay thế, cắt chặt ngay không hề đơn giản, không đơn thuần là yếu tố hạ tầng kĩ thuật, mà còn tâm lý tình cảm của người dân. Có những cây cổ thụ được đánh giá là vốn quý của Hà Nội, mang trong mình những giá trị văn hóa xã hội, tâm linh. Nhiều cây cổ thụ ở các khu vực phố cũ có tuổi đời hơn trăm năm, như nước ngoài về độ an toàn thì cần phải thay thế nhưng ở Việt Nam thì gặp khó, đôi khi bị phản đối rất lớn”, ông Mạnh nhấn mạnh./.
Theo Văn Ngân/VOV.VN