UBND quận Ba Đình cho biết, việc tháo dỡ giai đoạn 2 công trình 8B Lê Trực là thực hiện theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội và đến nay đã cơ bản đầy đủ các thủ tục.
Nguồn kinh phí tạm tính để phá dỡ giai đoạn 2 tòa nhà 8B Lê Trực là khoảng 17 tỷ đồng, tạm ứng từ ngân sách quận Ba Đình chi trả chứ không phải là Kinh Đô TCI Group.
Dự kiến lắp đặt xong thiết bị thi công vào ngày 12/5 và gần một tuần sau sẽ phá dỡ tầng 18.
|
Tòa nhà 8B Lê Trực |
Trao đổi với PV Kiến Thức về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Theo quy định tại Khoản 4 Điều 12 Luật xây dựng 2014 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau: Xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng, trừ trường hợp có giấy phép xây dựng có thời hạn; vi phạm chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng; xây dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng được cấp.
Theo đó, những công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng thì sẽ bị đình chỉ thi công, bị xử phạt vi phạm hành chính và một số trường hợp thì sẽ buộc tháo dỡ công trình vi phạm trật tự. Trong trường hợp chủ đầu tư không tự nguyện chấp hành quyết định buộc tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng thì cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ và tổ chức tháo dỡ theo quy định pháp luật.
Trình tự, thủ tục xử phạt và cưỡng chế thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, và Nghị định 166/2013/NĐ-CP như sau: - Người có thẩm quyền yêu cầu người có hành vi vi phạm đang diễn ra buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm và lập biên bản vi phạm hành chính thành 02 bản, giao cho người vi phạm hoặc tổ chức vi phạm giữ 01 bản; nếu hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt thì người lập biên bản chuyển biên bản đến người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt.
- Tiến hành xác minh hành vi vi phạm.
- Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
- Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Trong thời gian 02 ngày làm việc từ ngày ra quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền phải gửi quyết định cho cá nhân, tổ chức, bị xử phạt, cơ quan khác có liên quan để thi hành. Người vi phạm phải chấp hành xong quyết định trong thời gian 10 ngày từ ngày nhận quyết định xử phạt.
- Nếu người vi phạm không tự nguyện chấp hành thì tiến hành cưỡng chế. Trước khi tổ chức cưỡng chế thì phải ra quyết định cưỡng chế gửi đến người vi phạm và các cơ quan cấp trên để thực hiện.
- Trong trường hợp phá dỡ công trình xây dựng trái phép hoăc không có giấy phép thì phải gửi đến người bị cưỡng chế, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành các biện pháp cưỡng chế trước ít nhất 05 ngày để phối hợp.
- Nếu trước khi tiến hành cưỡng chế, người bị cưỡng chế tự nguyện thi hành thì cơ quan chủ trì cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành; nếu cố tình vắng mặt thì cần phải có đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến để cưỡng chế.
|
Luật sư Đặng Văn Cường |
Theo quy định của pháp luật thì mọi chi phí cưỡng chế tháo dỡ sẽ do chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng phải có nghĩa vụ thanh toán. Trách nhiệm thanh toán chi phí cưỡng chế tháo dỡ công trình sẽ được quy định trong nội dung quyết định buộc tháo dỡ công trình và quyết định cưỡng chế tháo dỡ.
Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền sẽ tạm ứng tiền chi phí cho việc cưỡng chế tháo dỡ, sau khi việc cưỡng chế tháo dỡ hoàn tất thì sẽ tính toán khoản chi phí này và buộc chủ đầu tư công trình có hành vi vi phạm phải thanh toán.
Trong trường hợp chủ đầu tư không tự nguyện thanh toán thì sẽ có những biện pháp hành chính để cưỡng chế thu hồi khoản tiền này theo quy định pháp luật. Nếu không đồng ý với quyết định cưỡng chế tháo dỡ thì tổ chức, cá nhân bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính cũng có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định pháp luật.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin về việc tòa nhà 8B Lê Trực của công ty Kinh Đô TCI sai phạm bị tháo dỡ.
>>> Xem thêm video: Hà Nội chuẩn bị tháo dỡ giai đoạn 2 tòa nhà 8B Lê Trực
Xuân Diệp