Thông tin từ Công an Quảng Ninh, lực lượng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh này phát hiện trong những tháng gần đây tội phạm lợi dụng công nghệ cao giả danh lực lượng thực thi pháp luật như Công an, Viện Kiểm sát, Thanh tra… điện thoại đe dọa người dân chuyển tiền nhằm chiếm đoạt tài sản với phương thức, thủ đoạn mới.
Cụ thể, các đối tượng hướng dẫn bị hại mở tài khoản ở ngân hàng do chính họ đứng tên, nhưng ghi số điện thoại của cả bị hại và đối tượng. Việc này được bị hại tin tưởng vì tài khoản đứng tên mình, nhưng không ngờ, khi họ cung cấp mật khẩu đăng nhập, đối tượng sẽ xâm nhập vào tài khoản trên. Nhận được mã OTP (mã xác minh) ngân hàng gửi đồng thời vào 2 số điện thoại, chúng sẽ chuyển toàn bộ số tiền vào tài khoản đã định sẵn hoặc dùng một số thủ thuật đổi tiền, đổi hàng… để nhanh chóng chiếm đoạt và xóa dấu vết.
Ngoài ra, tội phạm dùng công nghệ cao tạo ra những số điện thoại giống y hệt của cơ quan Công an hay Viện Kiểm sát… gọi đến cho người dân đe dọa với nội dung số tiền gửi trong ngân hàng hoặc trong tài khoản của họ đã có “tiền bẩn” do đường dây tội phạm buôn bán ma túy, rửa tiền, tham nhũng chuyển vào có liên quan trực tiếp đến vụ án hình sự.
Nếu muốn chứng minh không có liên quan đến vụ án, họ phải hợp tác với “cơ quan điều tra” bằng cách chuyển toàn bộ số tiền hiện có vào tài khoản của “ban chuyên án” để kiểm tra, xác minh giám định, khi không có liên quan thì sẽ trả lại, nếu không sẽ ảnh hưởng đến danh dự và cuộc sống gia đình, người thân, thậm chí đe dọa đến tính mạng, bị bắt giam, chịu hình phạt tù.
"Khi nhận được điện thoại của người lạ đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, tiền gửi mở tại ngân hàng với lí do có liên quan đến hoạt động tội phạm như buôn bán ma túy, rửa tiền, tham nhũng… yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản khác để kiểm tra, xác minh, giám định thì cần xác định ngay đây là thông tin giả mạo. Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát không xác minh đối tượng bằng cách gọi điện mà sẽ có giấy mời hoặc triệu tập cụ thể", Công an tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo.
Cũng theo Công an Quảng Ninh, để tránh bị mắc bẫy các đối tượng, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ, nơi làm việc, thông tin tiền gửi, tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ họ sử dụng vào mục đích gì. Khi phát hiện cá nhân, tổ chức nào có biểu hiện hoạt động lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Theo P. Luật/Báo pháp luật