Các đối tượng tự tạo tin nhắn giả mạo sử dụng logo, màu sắc và thiết kế giống với thư điện tử (email) của Meta. Tin nhắn thường đi kèm những nội dung, như: “Phát hiện đăng nhập bất thường”; “tài khoản của bạn sẽ bị khóa nếu không được xác minh”, hoặc “phát hiện hoạt động đáng ngờ trong hồ sơ của bạn”…
Cùng với đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân truy cập vào liên kết được đính kèm để xác minh thông tin. Nếu không phản hồi, tài khoản Facebook bị khóa vĩnh viễn.
Sau khi truy cập vào đường dẫn, nạn nhân sẽ được chuyển hướng tới trang web an ninh Meta giả mạo. Tại đây, trang web sẽ yêu cầu cung cấp tài khoản, mật khẩu Facebook, thông tin cá nhân và mật mã xác thực bảo mật nhiều lớp để hoàn thành đơn khiếu nại.
|
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Trước đó, công ty sản xuất phần mềm diệt virus Trend Micro (Hoa Kỳ) cũng đã đưa ra cảnh báo về hình thức lừa đảo mới này…
Trước tình hình trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân đề cao cảnh giác với tin nhắn trên. Người dân cần kiểm tra kỹ địa chỉ email, đối chiếu với địa chỉ trên cổng thông tin chính thống hoặc qua các trang tin uy tín. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản trực tuyến khi chưa xác thực được tin nhắn, không chia sẻ mật mã xác thực bảo mật nhiều lớp cho bất kỳ đối tượng nào. Người dân hạn chế chia sẻ công khai hình ảnh, thông tin quan trọng trên Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác. Khi nhận thấy có dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần nhanh chóng trình báo với lực lượng chức năng để kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Để bảo vệ tài khoản Facebook, người dùng đừng dễ dàng chấp nhận lời mời kết bạn từ những người lạ. Kẻ lừa đảo có thể tạo các tài khoản giả mạo để kết bạn và khi bạn chấp nhận, họ có thể sẽ đăng các tin spam lên Bảng tin hoặc Trang cá nhân của người dùng.
Người dùng hãy bảo vệ tài khoản của mình như những món đồ có giá trị khác: Hãy thường xuyên thay đổi mật khẩu. Việc này sẽ giúp bảo vệ tài khoản khỏi bị tấn công và bị kẻ gian lợi dụng để liên hệ với gia đình và bạn bè.
Người dùng nên xem lại hoạt động tài khoản và xóa mọi spam: có thể kiểm tra lịch sử đăng nhập để xem có hoạt động đăng nhập đáng ngờ nào không, và kiểm tra các ứng dụng và trò chơi đã cài đặt và xóa những gì không dùng tới.
Đồng thời khi cảm thấy nghi ngờ về các cập nhật hoặc đề xuất đáng ngờ, hãy tăng cường gấp đôi bảo mật của mình. Những công cụ bảo mật của Facebook sẽ giúp tăng cường khả năng bảo mật cho người dùng.
Ngoài ra, nếu một email hoặc tin nhắn từ Facebook có vẻ đáng ngờ, đừng mở email, tin nhắn hoặc bất cứ một tệp đính kèm nào. Thay vào đó, người dùng hãy gửi báo cáo tới địa chỉ phish@facebook.com. Nếu người dùng muốn báo cáo một cuộc hội thoại, hãy chụp ảnh màn hình trước khi xóa cuộc hội thoại đó đi. Hãy nhớ rằng thao tác này sẽ không xóa tin nhắn trong hộp thư của đối phương. Báo cáo Liên kết là cách tốt nhất để báo cáo nội dung lạm dụng hoặc spam trên Facebook. Người dùng có thể sử dụng liên kết Báo cáo xuất hiện ở gần nội dung được cho là lạm dụng...
>>> Mời độc giả xem thêm video Người phụ nữ suýt mất 700 triệu đồng cho đối tượng xưng công an lừa đảo:
Bình Nguyên (t/h)