Sau khi tìm hiểu những gia đình có chút khá giả, các đối tượng bèn giả danh Công an gọi điện thoại vào các giờ mà chỉ có người già ở nhà, liên tục "tra tấn" họ bằng cách đưa họ vào thế đang bị theo dõi.
Các trường hợp nạn nhân thường sợ liên lụy đến pháp luật lại thường không hỏi ý kiến của người thân trong gia đình nên răm rắp nghe theo sự điều khiển của chúng và đem số tiền dưỡng già nộp vào tài khoản cho các đối tượng.
Người già thiếu thông tin, cả lo nên thường dễ sập bẫy bọn bất lương. Người thân cần phải khuyến cáo những hình thức lừa đảo qua điện thoại này để cho người có tuổi trong nhà biết để chủ động đề phòng…
1. Đau đầu nhất của cơ quan chức năng là các đối tượng lừa đảo qua điện thoại cố định và đều chọn "con mồi" là người cao tuổi. Không ít trường hợp nhiều nạn nhân là người có học hẳn hoi nhưng tâm lý yếu, sợ liên lụy đếp pháp luật nên chỉ vài ba câu hù dọa của các đối tượng là đã răm rắp nghe theo lời chúng.
|
Một nạn nhân là người già bị lừa đảo qua điện thoại ở quận 3. |
Có nạn nhân dù được khuyên can nhưng cứ cho lời của các đối tượng nói là sự thật nên âm thầm làm theo. Để rồi khi hàng trăm triệu đồng chuyển vào tài khoản của các đối tượng lừa đảo không được "trả lại" theo thỏa thuận từ trước, lúc này những nạn nhân mới vỡ lẽ thì đã quá muộn.
Sửa soạn quần áo chuẩn bị đi đánh cờ với ông bạn già hàng xóm thì ông D., 55 tuổi, ngụ Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh nghe tiếng chuông điện thoại bàn reo nên chạy lại nhấc máy. Đầu dây bên kia xưng là "cán bộ công an" cho biết ông D. là một trong những tình nghi dính líu đến một vụ phạm pháp nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.
Tự dưng bị gán cho cái tội phạm pháp, ông D. chột dạ, lo sợ. Để trấn an ông D., người xưng là cán bộ công an yêu cầu ông D. chuyển số tiền mà ông D. gởi ở ngân hàng vào tài khoản mà vị cán bộ công an đưa ra để bên công an kiểm chứng?
Sau cuộc gọi này, ông D. lại nhận tiếp các cuộc gọi của nhiều người xưng là "cán bộ công an" khác. Những người này kể rành mạch gia đình ông cũng như công việc trước đây ông D làm cũng như đọc rõ số tiền trong tài khoản mà ông D. gửi trong ngân hàng. Những dữ kiện trên chính xác đến 90% khiến ông D. nghi hoặc.
Các vị "Công an" nói qua điện thoại, sau khi ông D. chuyển tiền, kiểm tra xong việc ông D. không dính dáng đến đường dây tội phạm họ sẽ chuyển lại tiền về tài khoản cho ông D.(!?) Ngay trong ngày ông D. ra ngân hàng chuyển gần nửa tỷ đồng vào tài khoản cho vị "công an" nọ. Tuy nhiên nhiều ngày trôi qua không thấy vị "công an" gọi điện lại, ra kiểm tra tài khoản thì số tiền trên đã không thể quay về với chính chủ như lời vị "cán bộ điều tra" đã hứa...
Rơi vào tình cảnh giống như ông D., bà N.T.H. cũng ngụ tại quận 3, thành phố Hồ Chí Minh cũng bị lừa mất gần nửa tỷ đồng. Bà H. cho hay, một người đàn ông gọi điện bảo làm bên chi nhánh ngân hàng. Qua kiểm tra tài khoản bà H. còn nợ trong ngân hàng 16 triệu đồng. Bà H. một mực kêu không nợ nần ai thì người nhân viên này kêu bà H gọi vào một số điện thoại để xác minh.
Bán tín bán nghi, bà H. gọi điện lại thì đầu dây bên kia xưng là "một đơn vị thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội-Bộ Công an". Lúc này bà H. mới tá hỏa và cho rằng lời của nhân viên ngân hàng trên là sự thật(?!)
|
Cần phổ biến cho người già biết để cảnh giác với các đối tượng lừa đảo qua điện thoại. |
Bà H. còn đang cố lục lại "bộ nhớ" xem mình có nợ gì ngân hàng không thì điện thoại bàn lại reo. Đầu dây bên kia xưng là "cán bộ Công an" và xác định bà H. liên quan đến một đường dây rửa tiền, yêu cầu bà H. khai báo thành khẩn số tiền mình gởi trong ngân hàng?
Để làm sáng tỏ vụ việc, bà H. phải chuyển số tiền này qua một tài khoản để cơ quan điều tra xác minh, nếu bà H. không liên quan, chỉ 1-2 ngày số tiền này sẽ được hoàn lại cho bà H. Tin lời, bà H. bèn ra ngân hàng chuyển gần nửa tỷ đồng cho số tài khoản mà vị "công an" đưa rồi về nhà chờ đợi. Nhiều ngày trôi qua không thấy điện thoại báo tiền đã quay trở lại tài khoản, bà H. lúc này mới lo lắng mới kể lại sự việc cho người thân nhưng đã quá muộn.
2. Phương thức lừa đảo qua điện thoại trên là phương thức quá cũ nhưng dường như ít người quan tâm đến lời cảnh báo trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là những người già, những người ít tiếp xúc với thông tin thời sự hằng ngày nên dù phương thức cũ nhưng vẫn có nạn nhân dính bẫy. Các đối tượng lừa đảo kiểu này thường đánh vào tâm lý của nạn nhân, nhất là những người già để lấy "thông tin" từ chính nạn nhân sau đó dùng những thông tin này để hù dọa, dẫn dụ nạn nhân vào bẫy.
|
Một đối tượng lừa đảo qua điện thoại bị bắt giữ. |
Chỉ bằng hình thức đơn giản, vài cuộc điện thoại cho đến khi nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của chúng thì coi như chúng đã thành công. Nhiều nạn nhân khi đã bị lừa rồi nhưng vẫn đinh ninh là mình làm đúng, làm như vậy mới khẳng định được mình trong sạch. Bởi những ý nghĩ "bảo thủ" này mà người già luôn là đối tượng để các đối tượng nhắm vào.
Thẫn thờ vì số tiền dành dụm cả cuộc đời dưỡng già bỗng dưng chỉ vì vài cuộc điện thoại mà mất trắng, bà H. tiếp tục câu chuyện của mình.
"Vợ chồng thằng con trai khi hay tin bỏ cả công việc chạy về nói tôi bị lừa rồi, tôi còn mắng chúng. Anh Công an khu vực đến giải thích tôi cũng đuổi về nốt. Giờ nghĩ lại tôi không hiểu vì sao lúc đó lại làm như vậy? Mấy ông "điều tra" nói thông cảm vì tôi lớn tuổi nên sẽ kiểm tra lại xem tôi có trong đường dây lừa đảo hay không, nếu liên quan sẽ bắt tạm giam. Tôi lớn tuổi rồi nên nghe mấy chữ "tù tội" thì sợ lắm! Tự dưng dính líu đến pháp luật, phải ngồi tù thì con cái, họ hàng, hàng xóm còn coi mình ra gì nữa!".
Ông T., nhà ở quận 9 thì đau đớn: "Những đối tượng lừa đảo mình không hiểu sao lại rất rành rẽ toàn bộ hoạt động của gia đình, từ lối sống, công việc, con cái. Bởi vậy, với những thông tin như thế thì ai lại không tin? Chỉ đến khi gởi tiền không được hoàn lại lúc đó mới dám thổ lộ với con cái. Nhưng tiền đã "dâng" cho chúng thì làm sao lấy lại. Tôi cũng đã ra ngân hàng nhờ ngăn chặn nhưng chỉ nhận những cái lắc đầu của nhân viên ngân hàng vì tiền đã chuyển quá lâu, các đối tượng đã rút sạch".
71 tuổi, là cái tuổi đáng ra phải được thảnh thơi an nhàn bên con cháu nhưng giờ đây ông N.C.P. (ngụ Bình Tân) lại đang đau đầu vì mất sạch tiền tiết kiệm dưỡng già của mình. Cũng với thủ đoạn qua điện thoại công cộng, giả danh công an, các đối tượng đã đưa ông P. vào bẫy và lấy đi số tiền cả trăm triệu của ông P..
"Chúng nói hoạt động ngân hàng của tôi có dấu hiệu phi pháp. Số tài khoản của tôi bị một kẻ gian lấy trộm và thực hiện hành vi lừa đảo hơn 2 tỷ đồng. Nếu muốn làm rõ vụ việc tôi phải thông báo số tiền của tôi trong tài khoản hiện có và chuyển cho chúng kiểm tra mức độ trong sạch của tôi. Nếu tôi liên quan chúng sẽ thực hiện các biện pháp bắt giam, di lý tôi ra Hà Nội điều tra... Từng này tuổi mà bị bắt giam thì mang nhục quá nên tôi chuyển số tiền dành dụm gần 500 triệu đồng vào tài khoản mang tên Nguyễn Thu Hòa để cho "cán bộ" đối chứng. Chúng nói chỉ 1 đến 2 ngày, nếu tôi vô tội sẽ gởi lại số tiền trên nhưng cả tuần nay rồi chẳng thấy chúng đả động gì đến. Gọi vào các số trước đây liên lạc thì chỉ nhận được thông tin "số máy quý khách không có thực hoặc số máy quý khách không liên lạc được!".
3. Nạn nhân của những vụ lừa đảo qua điện thoại thống kê trong thời gian qua cho thấy đa phần là người cao tuổi luôn trong tâm lý sợ mọi phiền toái hay liên quan đến pháp luật. Tỷ lệ nạn nhân là nữ chiếm đa số.
|
Các đối tượng sử dụng CMND mua từ các hiệu cầm đồ mở tài khoản để lừa đảo gây khó khăn trong công tác điều tra. |
Thượng tá Cao Xuân Lợi- Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ- Công an thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trong công tác kiểm tra việc quản lý mở tài khoản trong các ngân hàng, cơ quan điều tra phát hiện hàng trăm trường hợp sử dụng CMND mua lại từ các tiệm cầm đồ để lập tài khoản. Đây là một trong những cách các đối tượng sử dụng để làm thẻ ngân hàng, gây khó khăn cho công tác xác minh, điều tra.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên cân nhắc, tỉnh táo trong việc chuyển tiền qua tài khoản, nhất là chuyển tiền cho các đối tượng lạ, tự xưng là công an. Khi nhận được những cuộc gọi xưng là công an, đang điều tra vụ án có liên quan đến nạn nhân cần tỉnh táo và gọi điện báo với Công an sở tại chứ không tự động chuyển tiền để rơi vào bẫy của các đối tượng.
Trung tá Lê Minh Lê- Đội trưởng Đội Tổng hợp Công an quận 3, Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết, có nhiều nạn nhân trên địa bàn bị lừa đảo bằng hình thức gọi điện, hù dọa nên khi nhận được những cuộc gọi mà các đối tượng thông báo nợ cước điện thoại, nợ tiền ngân hàng và đang bị điều tra thì cách tốt nhất nên cúp máy vì đây là thông tin lừa đảo. Các công ty điện thoại chỉ gởi tin nhắn, thư thông báo cước chứ không áp dụng hình thức gọi điện trực tiếp.
Một việc khác nữa người dân cần phải biết là lực lượng Công an làm việc không bao giờ yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Cơ quan Công an muốn làm việc với người liên quan thì sẽ gởi thư mời và làm việc trực tiếp tại trụ sở nên người dân cần phải nắm rõ qui trình này!.
Báo chí liên tục phản ánh, cơ quan chức năng sử dụng biện pháp nhắn tin, cảnh báo, đề phòng các thủ đoạn lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhưng vẫn có người rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo. Các đối tượng đánh vào sự thiếu hiểu biết, không minh mẫn của người già để ra tay lừa đảo.
Ngoài sự khuyến cáo của các cơ quan chức năng thì trong gia đình, những người thân cũng cần phổ biến thông tin, hình thức lừa đảo của các đối tượng cho những người thân trong gia đình mình biết để tránh rơi vào bẫy. Đối phó với các đối tượng lừa đảo qua điện thoại thì những người trong gia đình phải là người tiên phong tuyên truyền cho người già trong gia đình để họ nhận biết và có ý thức phòng tránh.
Theo Huyền Đức-A Huy/CAND