Tại kỳ họp thứ 6, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung chế tài xử lý, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi trốn đóng BHXH như hành vi trốn thuế mới đủ sức răn đe thay vì chỉ dừng ở mức ngừng sử dụng hóa đơn như hiện tại.
Đồng quan điểm ý kiến trên, luật sư Chu Quỳnh Vương, Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, khi đã trốn đóng bảo hiểm thì phải áp dụng quy định pháp luật hình sự chứ chỉ dừng ở mức ngừng hóa đơn sẽ không đủ sức răn đe, tác động đến doanh nghiệp.
Thậm trí việc ngừng sử dụng hóa đơn không chỉ liên quan đến toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn, việc làm của người lao động, đến đời sống của người lao động trong khi chế tài xử lý này mục đích là buộc người sử dụng lao động phải thực hiện đóng BHXH bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Như vậy, vô hình trung chế tài ngừng sử dụng hóa đơn lại càng làm thiệt thòi hơn cho người lao động.
Khoản 4, Điều 37, dự thảo Luật quy định, người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội và đã bị cơ quan thẩm quyền áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính (nếu vẫn không đóng), thì cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện. Theo đó, doanh nghiệp chỉ phải chịu trách nhiệm về dân sự hoặc hành chính là không đủ sức răn đe, không khiến người sử dụng lao động nghiêm chỉnh chấp hành.
Mà chế tài xử lý phù hợp ở đây phải là trách nhiệm hình sự trực tiếp đối với người sử dụng lao động thì mới đủ sức răn đe do việc trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Đây chính là phần phúc lợi xã hội, chế độ này đặc biệt quan trọng với những người lao động yếu thế trong xã hội như phụ mang thai cần được hưởng chế độ thai sản, người lao động bị tai nạn lao động cần được hướng các chế độ bảo hiểm y tế, người lao động không may qua đời thì người thân cần được hưởng chế độ tử tuất…
|
Luật sư Chu Quỳnh Vương, Văn phòng luật sư Trung Hòa |
Thực tế hiện nay, hành vi trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đã có quy định tại điều 216 Bộ luật hình sự 2015. Tuy nhiên, rất hiếm trường hợp xử lý, có chăng xử lý thì xử lý hình sự đối với pháp nhân chứ hiếm có trường hợp nào xử lý đối với cá nhân do để có thể áp dụng hình phạt thì phải “thỏa mãn rất nhiều điều kiện” như: phải trốn đóng từ 50.000.000đồng trở lên, đã bị xử phạt hành chính mà còn tái phạm, có thể bị phạt tiền… nên rất khó để có thể xử lý hình sự.
Vậy nên đề xuất trong nội dung Luật BHXH cụ thể là điều 37 cần phải bổ sung, quy định rõ trong điều luật chế tài, mức độ như thế nào thì xử phạt hành chính mức độ như thế nào thì bị xử lý, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi trốn đóng BHXH, rồi trách nhiệm nào thuộc về pháp nhân, trách nhiệm nào thuộc về người sử dụng lao động – chủ doanh nghiệp để không chồng chéo với quy định của Bộ luật hình sự.
Đồng thời, cũng nên bổ sung thêm cá nhân, đơn vị, tổ chức có quyền kiến nghị khởi tố để tăng tính giám sát, buộc doanh nghiệp phải thực hiện đúng quy định pháp luật. Theo dự thảo của Luật BHXH thì hiện nay chỉ cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền kiến nghị khởi tố điều này là chưa đầy đủ bởi ngay trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định: các cơ quan tổ chức trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nếu thấy có dấu hiệu tội phạm, thì thực hiện quyền kiến nghị khởi tố. Nếu dự thảo Luật chỉ giao cho cơ quan bảo hiểm xã hội là còn thiếu, trong khi thanh tra lao động cũng có quyền kiến nghị, thâm trí tổ chứng công đoàn nếu phát hiện sai phạm cũng có thể kiến nghị thì quy định như dự thảo Luật lại đang thu hẹp so với Bộ luật Tố tụng hình sự.
Ngoài ra cũng đề xuất bổ sung quy định: Đối với trường hợp doanh nghiệp phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, bị bắt, bị rút giấy phép kinh doanh… nếu có nguyện vọng người lao động có thể nộp tiền đóng BHXH còn thiếu (bao gồm cả phần phải đóng của người lao động và chủ sử dụng lao động) được xác nhận thời gian đóng BHXH để giải quyết quyền lợi cho người lao động.
Thiên Tuấn