Chỉ rõ nhiều bất cập
Tham gia góp ý kiến về sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, PGS. TS. GVCC Phan Trung Hiền, Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ khẳng định:
Không thể phủ nhận việc áp dụng Luật Đất đai năm 2013 đã mang lại nhiều thành tựu, đất đai vẫn là nguồn thu quan trọng của quốc gia, góp phần vào việc phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, qua quá trình thực thi, Luật Đất đai năm 2013 vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập liên quan đến vấn đề giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Điều này gây ra nhiều khiếu nại, khiếu kiện và từng nơi, từng lúc gây ra những bất ổn về an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội.
|
PGS. TS. GVCC Phan Trung Hiền, Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ. |
Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã xác định cơ bản thực trạng, nguyên nhân trọng tâm về những bất cập trong công tác thu hồi đất và chỉ rõ nhưng điểm cần khắc phục như: (1) Cần xác định “mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.”; (2) Vấn đề “bỏ khung giá đất”; “có cơ chế, phương pháp xác định theo nguyên tắc thị trường”, “bảo đảm tính độc lập của Hội đồng thẩm định giá đất”. (3) Làm rõ “trách nhiệm của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong vai trò đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý nhà nước về đất đai".
Tuy nhiên, Dự thảo Luật Đất đai hiện nay tiếp thu chưa đầy đủ các định hướng quan trọng này.
Ông Phan Trung Hiền cho rằng, một trong những điểm bất cập trong quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013 là vấn đề thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng chưa xác định rõ tiêu chí mang tính nguyên tắc. Mặt khác, các thuật ngữ như “Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn…” theo điểm d khoản 3 còn nhiều cách hiểu chưa thống nhất. Điều này dẫn đến việc một số địa phương thu hồi đất tràn lan, khó kiểm soát.
Khoản 3 Điều 70 Dự thảo bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai công bố tháng 9/2022 đã bổ sung một số nội dung cần thiết do đòi hỏi của thực tiễn như: “Dự án để cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ”, “khu dân cư bị xuống cấp nghiêm trọng về hạ tầng và không phù hợp với quy hoạch”. Mặt khác, khoản 5 Điều 70 Dự thảo còn bổ sung “Các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý”. Điều này nhằm hạn chế tính bất khả thi của các dự án tại Điều 73 Luật Đất đai năm 2013 về “Thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất nhằm thực hiện dự án…”. Tuy nhiên, cách quy định này làm cho trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được mở rộng quá mức, nằm ngoài các trường hợp “phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”, có hàm ý bao gồm tất cả những dự án còn lại. Ngoài những ưu điểm, cách quy định này phát sinh một số hạn chế sau đây:
Thứ nhất, chưa có định nghĩa rõ ràng và bao quát về khái niệm “thu hồi đất nhằm phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Pháp luật hiện hành thiếu các quy định rõ ràng, đơn nghĩa, chính xác về phạm vi, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và Dự thảo trình các cơ quan có thẩm quyền vào tháng 9/2022 cũng chưa khắc phục được nhược điểm này. Cụ thể, các cụm từ trong điểm h khoản 2 Điều 70 Dự thảo như: “dự án khu đô thị khu nhà ở thương mại…” còn nhiều cách hiểu chưa thống nhất, dễ bị lạm dụng, vượt rào... Như vậy, yếu tố cần xác định “tiêu chí lợi nhuận” là một trong yếu tố tiên quyết để quyết định ranh giới, phạm vi thu hồi đất bắt buộc.
Thứ hai, điểm c khoản 2 Điều 70 Dự thảo còn quy định: “Dự án tạo quỹ đất theo hướng tuyến giao thông để phát triển khu đô thị, nhà ở thương mại, khu công nghiệp; thương mại, dịch vụ để đấu giá quyền sử dụng đất.” hàm chứa những yếu tố chưa xác định rõ như “nhà ở thương mại”, “thương mại, dịch vụ để đấu giá quyền sử dụng đất” còn nhiều ý kiến trái chiều. Việc bố trí đất cho các dự án “thương mại”, “dịch vụ” về bản chất không thuộc trường hợp “thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” mà cần được thực hiện thông qua cơ chế thỏa thuận với người sử dụng đất. Vì vậy, Nhà nước không nên đứng ra thu hồi đất cho các dự án này. Mặt khác, nếu không có những tiêu chí cụ thể, một số trường hợp thu hồi đất tại Điều 70 Dự thảo có dấu hiệu trái với khoản 3 Điều 54 Hiến pháp năm 2013 về thu hồi đất để phát triển phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Thứ ba, quy định ở khoản 5 Điều 70 Dự thảo “Các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý” là chưa bao quát tất cả các yếu tố cần giải quyết, xử lý. Thu hồi đất phải tính đến diện tích đất là yếu tố tiên quyết bởi vì số tiền bồi thường về đất tính trên diện tích đất. Giả sử 80% số hộ dân đồng ý nhưng họ chỉ chiếm dưới 50% diện tích đất cần thu hồi trong dự án thì giải quyết ra sao. Mặt khác, quy định mới bổ sung ở khoản 5 Điều 70 Dự thảo này không bảo đảm tính mạch lạc về ý tưởng và tường minh vì quy định: “Các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý” vốn dĩ không thuộc trường hợp thu hồi vì mục đích phát triển kinh tế- xã hội. Như vậy là Dự thảo đã vô tình hành chính hóa các quan hệ pháp luật dân sự, gây khó khăn trong việc giải quyết các bất đồng về sau.
Ông Phan Trung Hiền cũng đề cập chi tiết về vấn đề xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất. Theo đó, quá trình thi hành Luật đất đai cho thấy còn nhiều bất cập xoay quanh vấn đề bồi thường khi Nhà nước thu hối đất do không đứng trên quan điểm “xác định thiệt hại” trước khi giải quyết vấn đề “bồi thường thiệt hại”.
Nhìn chung, các quy định trên trong Dự thảo chưa phù hợp với nguyên tắc được đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW là: “sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Để khắc phục những bất cập trên, xin nêu một vài kiến nghị như sau: Bổ sung khái niệm “thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất” và “bồi thường thiệt hại về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất”. Hoạt động thu hồi đất có thể mang tính hành chính nhưng hoạt động bồi thường mang bản chất dân sự, ngang giá. Chính vì vậy, cần xây dựng cơ chế bồi thường dựa trên các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Về vấn đề xác định những trường hợp nào áp dụng hỗ trợ và tái định cư, ông Phan Trung Hiền đưa ra nhận định: Vẫn còn nhầm lẫn giữa khái niệm bồi thường và khái niệm hỗ trợ...
Hạn chế những khiếu nại, khiếu kiện
Để đất đai chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội đất nước, nguồn thu từ đất đai bền vững hơn, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân, kể cả trong vấn đề định cư, sinh hoạt và sản xuất thì Dự thảo Luật Đất đai cần phải đột phá. Từ góc độ của người nghiên cứu, để hạn chế những bất cập, giảm thiểu những khiếu nại, khiếu kiện và vẫn đảm bảo được việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội của Nhà nước việc thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế- xã hội, ông Phan Trung Hiền góp ý nên được sửa đổi như sau:
Một là, bổ sung phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 70 Dự thảo. Mặt khác cần tách bạch trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thưc hiện dự án nhưng không thành và phải chuyển sang trường hợp thu hồi đất bắt buộc.
Hai là, cần xác định bồi thường theo nguyên tắc xác định thiệt hại. Tất cả các thiệt hại phải được quy về bồi thường. Hỗ trợ chỉ áp dụng cho những trường hợp không đủ điều kiện bồi thường, đối tượng chính sách có đất bị thu hồi hoặc nguồn tài trợ từ doanh nghiệp thu hồi đất, có thiện ý “hỗ trợ” thêm cho người dân. Mặt khác, cần cụ thể hóa các quy định rang buộc về thời điểm thực hiện tái định cư. Điều này, giúp cơ quan lập pháp và hành pháp đánh giá toàn diện những thiệt hại của người có đất bị thu hồi; từ đó mà xây dựng và thực thi các quy định công bằng hơn, khách quan hơn, dân chủ hơn. Điều này cũng đúng với yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW là “tạo sự bình đẳng hơn giữa các chủ thể sử dụng đất”.
Ba là, bổ sung nguyên tắc “công khai, minh bạch” trong việc xác định giá đất tại Điều 132 Dự thảo. Mặt khác, cần phát huy vai trò giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước và vai trò quyết định của cơ quan tòa án trong việc xác định lại giá đất, bảo đảm việc xác định giá trị thiệt hại của người dân được khách quan, công bằng, tương xứng.
Thiên Tuấn