Mặc dù cơ quan chức năng đã bắt giữ được rất nhiều đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ nhưng hiện tượng này chưa có dấu hiệu giảm đi. Cơ quan chức năng lý giải, việc rao bán tuy công khai, nhưng giao dịch lại “ngầm” nên rất khó phát hiện bắt quả tang.
Tự do rao bán trên mạng
Cứ đến những tháng giáp Tết, thị trường pháo nổ trên mạng lại có dịp nở rộ bất chấp sự ngăn cấm của pháp luật. Để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, các đối tượng đã sử dụng mạng xã hội để chào bán, giao dịch.
|
Công an huyện Kim Sơn bắt giữ 5 đối tượng mua bán pháo trái phép. |
Chẳng có khó khăn gì để tiếp cận các mối bán pháo nổ trên mạng, chỉ cần dạo quanh một số fanpage mua bán online sẽ được các đối tượng này tiếp chuyện hết sức niềm nở. Những trạng thái phổ biến trên các fanpage như: Bán pháo Tết không cần đặt cọc; bán pháo Tết các loại; pháo Tết giá rẻ.
Những trạng thái này thu hút được rất nhiều người “like” và “comment”, đặc biệt số lượng người theo dõi lên đến hàng nghìn, thậm chí cả chục nghìn. Cách họ giao bán cũng khá đa dạng, đủ loại, số lượng không giới hạn, giá cả thường thì họ sẽ inbox, nhắn tin, gọi điện để báo giá.
Trên trang “Mua bán pháo 2018”, chủ trang này cho hay những khách hàng ở xa sẽ hỗ trợ giao hàng. Mỗi đơn hàng dưới 2 triệu đồng, giá “ship” là 100.000 đồng, trên 2 triệu đồng sẽ được giao hàng miễn phí. Người này cho biết, họ ở Nghệ An, việc chuyển hàng bằng xe khách, người mua sẽ ra bến xe để nhận.
Chúng tôi tỏ ra nghi ngại về sự an toàn của gói hàng chuyển bằng xe khách, người bán trấn an: “Không phải lo, bên em làm việc lâu năm rồi, hàng của bác em sẽ gói ghém cẩn thận, dán bằng băng dính đen, ghi ở ngoài là hàng quần áo. Mà nhà xe đều là chỗ làm ăn quen không phải lo chuyện đó. Đặc biệt là khi ra đến bến xe, bác chỉ cần gọi điện sẽ có người mang hàng giao tận tay”.
Nếu quyết định mua hàng, khách cần đặt cọc trước 30% giá trị hàng hóa, cách thức có thể chuyển khoản qua ngân hàng hoặc nạp mã thẻ cào điện thoại. Khi khách nhận được hàng sẽ chuyển nốt tiền qua tài khoản.
Trần Văn Ngọc, trú tại xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê) bị bắt khi đang vận chuyển trái phép pháo nổ.
Tài khoản “bán pháo nổ”, có địa chỉ tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh công khai rao bán pháo nổ các loại, với loại nhỏ 100.000 đồng, loại to 400.000 đồng, kèm theo ảnh cụ thể cho từng loại. Ngay lập tức, trạng thái này thu hút được khá nhiều “comment” mua hàng và hàng chục lần chia sẻ.
Đáng chú ý nhiều người hỏi mua với số lượng lớn, vài thùng. Với trang này họ công khai luôn giá cho mỗi sản phẩm, chỉ chuyển hàng khi chuyển tiền, số lượng bao nhiêu cũng có, nếu số lượng lớn sẽ giao hàng tận nhà mới thanh toán.
Sau khi kết nối với một số chủ buôn pháo, những người này chia sẻ nguồn pháo chủ yếu được nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Chủ tài khoản “Pháo nổ Hoàng” tiết lộ: “Ở Việt Nam gần như không ai dám làm pháo nổ, vì cơ quan chức năng kiểm tra rất gắt gao.
Có làm thì chỉ là những người tự chế với số lượng rất nhỏ, chủ yếu là làm loại pháo khủng như pháo cối, pháo phích cho những khách hàng ruột thôi. Không những làm pháo nổ bị cấm mà muốn làm cũng khó vì mua thuốc nổ để làm cũng không phải là dễ dàng. Đấy còn chưa nói đến việc nguy hiểm vì mình không hiểu gì cách pha chế, nhỡ ra nổ chết người ngay.
Nhiều người bán bây giờ còn dám quay và phát trực tiếp trên Facebook để bán pháo, vẫn biết là quay trực tiếp như vậy lượng đơn hàng sẽ tăng lên nhưng tôi không dám liều mạng, mặt mình chềnh ềnh lên đó, Công an họ tóm được thì toi”.
Theo một số những đối tượng bán pháo thì năm nay, việc đưa hàng về khá khó khăn nên giá có cao hơn mọi năm. Cụ thể, giá một giàn 36 quả do Trung Quốc sản xuất có giá khoảng 900.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/giàn. Đó là giá pháo đã được chuyển về các thành phố lớn như Hà Tĩnh, Vinh hay Hà Nội.
Còn mua pháo tại một số các huyện miền núi, giáp biên giới giá có thể thấp hơn giao động từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng. “Việc buôn bán pháo nổ này kiếm lời tương đối cao nhưng lại vô cùng mạo hiểm. Đa số những người bán pháo vì muốn kiếm chút tiền tiêu Tết nên đã làm liều, bởi rất dễ bị cơ quan chức năng phát hiện.
Nếu bị phát hiện chỉ có cách “bỏ của chạy lấy người”, chấp nhận mất sạch vốn liếng, không may bị bắt quả tang là ngồi tù như chơi. Mỗi bánh pháo lấy lại của các đầu nậu khi bán lẻ cho khách lãi từ 300.000 đến 500.000 đồng. Lãi thế ai chẳng muốn làm, nhưng đen thì phải chịu thôi”- một người buôn pháo có tài khoản “Pháo nổ” cho hay.
Chúng tôi có hỏi một số người mua pháo nổ số lượng nhỏ thì đều được họ trả lời, mua ít chắc không sao. Anh Tăng Văn Huynh, người mua hàng cho biết: “Tôi cũng biết sử dụng pháo là trái pháp luật nhưng năm nào cũng mua một ít để đốt vào đêm giao thừa. Mình mang ra ngõ đốt xong đi vào nhà ai người ta biết là mình đốt.
Có lẽ đốt pháo đêm giao thừa đã ăn sâu vào tiềm thức những thế hệ như chúng tôi, vì thế cũng đốt vài ba bánh pháo cho vui thôi mà. Nhưng năm mới cấm làm pháo và đốt pháo thì vẫn lác đác có nhà làm vụng trộm, mua được nhưng giờ tuyệt nhiên không có ai làm.
Được bạn bè mách nên tôi vào mạng mua, loại gì cũng có. Cứ lên facebook hoặc google tìm là có ngay, họ để đầy số điện thoại trên đó, gọi điện là họ chuyển cho mình. Năm ngoái có người trong khu nhà mình đốt pháo đã bị cơ quan chức năng phát hiện và đưa lên phường lập biên bản, phạt hành chính.
Thực sự nếu muốn giảm tình trạng bán pháo nổ thì phải tuyên truyền với người dân thật mạnh hơn nữa, để họ thấy được được sự nguy hiểm và vô bổ. Đồng thời có những mức phạt thật nặng đối với những người sử dụng pháo nổ, có như vậy mới đủ sức răn đe”.
Giao dịch "ngầm" nên khó xử lý
Việc mua bán, tàng trữ và sử dụng pháo nổ bất hợp pháp qua các giao dịch trên mạng xã hội diễn ra hết sức công khai và tăng lên chóng mặt, thế nhưng những trường hợp bị cơ quan chức năng xử lý là không nhiều.
Gần đây hai đối tượng là Lê Văn Nam (SN 1997) và Nguyễn Văn Tùng (SN 1997) bị Phòng Cảnh sát và Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Nghệ an phát hiện, bắt giữ khi đang vận chuyển pháo nổ. Tại cơ quan điều tra, hai đối tượng này khai nhận, họ đã lên xã Đại Sơn, huyện Đô Lương mua pháo về rồi nhờ Tùng rao bán trên mạng xã hội kiếm lời.
Sau khi giao dịch với đầu mối, khoảng 15 giờ ngày 22-11, khi có khách đặt hàng, Nam và Tùng đã dùng xe ôtô mang số pháo đó xuống địa phận xóm 5, xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc giao cho khách thì bị tổ công tác bắt giữ. Tại hiện trường, cơ quan Công an đã thu giữ được 15kg pháo (loại 36 quả) do Trung Quốc sản xuất. Vụ việc đang được cơ quan Công an tiến hành xử lý và tiếp tục mở rộng điều tra.
Theo thống kê mới nhất của Công an tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2015 đến nay, lực lượng Công an đã phát hiện, bắt giữ 229 vụ, 293 đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo; thu giữ được 1.930kg pháo. Đặc biệt đã bắt và xử lý đối tượng tại xã Hồng Lĩnh khi trực tiếp chế tạo thuốc pháo rồi rao bán trên Facebook.
Cơ quan điều tra đã khởi tố 25 vụ, 42 bị can; ra quyết định xử lý hành chính 194 vụ, 244 đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép. Chỉ tính riêng tháng 1/2017, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 82 vụ, 99 đối tượng, thu giữ gần 700kg pháo, gần bằng số lượng pháo thu giữ cả năm 2016.
Một cán bộ của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an TP Hà Nội cho hay, vì lợi nhuận lớn nên việc mua bán, tàng trữ trái phép pháo nổ vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức. Hiện nay các đối tượng sử dụng rất mạnh mạng xã hội để mua bán pháo nổ. Những tháng cận Tết, lực lượng chức năng đã lên những phương án đấu tranh, phòng chống buôn bán, sử dụng pháo nổ trái phép. Các đối tượng rao bán công khai trên Facebook nhưng khi giao dịch lại “ngầm” nên rất khó phát hiện.
Theo Phong Anh/CAND