Bí mật trong vườn của “cựu” sinh viên
Với lý lịch khá “sạch” - tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, đang chờ việc làm nên Đỗ Xuân Hiếu (28 tuổi, ở số 17/374 Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) từng được hàng xóm đánh giá là ngoan so với đám bạn cùng trang lứa phải sống trong môi trường phức tạp về tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Hiếu có biểu hiện tàng trữ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Ngoài việc tụ tập, giao du với con nghiện thì nghi vấn đặt ra khi gia đình Hiếu tiêu thụ một lượng điện năng rất lớn, tiền điện tăng bất thường so với thời gian trước. Trong khi đó gia đình Hiếu không có nhiều người ở cùng với rất ít thiết bị điện và cũng không hề có đăng ký sản xuất hay kinh doanh ngành nghề gì để phải tiêu thụ một lượng điện lớn đến như vậy(?!).
Khó khăn đặt ra cho lực lượng công an là làm thế nào để tiếp cận được đối tượng. Bởi lẽ ngôi nhà Hiếu đang sinh sống nằm ở cuối cùng của con ngõ, xung quanh lại toàn là họ hàng thân thích. Mỗi khi về nhà, Hiếu đều khóa trái cửa, hạn chế quan hệ với bất cứ người nào không quen biết.
|
Kiểm tra, thu giữ cây cần sa được trồng trong nhà Đỗ Xuân Hiếu. |
Để xác định được hành tung bí ẩn của Hiếu, một mặt trinh sát đã phải bám sát mọi di biến động của đối tượng, đồng thời tiến hành xác minh lượng điện rất lớn mà gia đình Hiếu dùng hằng tháng vào công việc gì. Tuy nhiên, chỉ một sơ suất nhỏ có thể làm Hiếu nhận ra mình đang bị “động” mà nhanh tay xóa bỏ dấu vết.
Nhận định có thể Đỗ Xuân Hiếu đang thực hiện việc trồng cây cần sa ngay trong nhà của mình, Công an quận Hồng Bàng (Hải Phòng) đã xác lập chuyên án do Đại tá Nguyễn Đức Cường, Trưởng Công an quận trực tiếp chỉ đạo điều tra khám phá. Để có đầy đủ cơ sở, trinh sát tiếp cận ngôi nhà Hiếu đã phát hiện một hệ thống đèn chiếu sáng rất lớn để... trồng cây trong nhà. Một chiếc lá cây trồng trong nhà Hiếu sau đó được bí mật lấy về làm mẫu đưa đi giám định và kết quả cho thấy đó chính là lá cây cần sa.
Theo đó, đến gần trưa ngày 2-5, lực lượng công an đã ập vào nhà bắt quả tang khi Hiếu đang có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là nhựa cây cần sa. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Đỗ Xuân Hiếu, lực lượng phá án thu giữ tại tầng 2 căn nhà và ngoài vườn nhà gần 900 cây cần sa.
Đáng chú ý, tại nhà Hiếu, Cơ quan công an còn phát hiện, thu giữ rất nhiều phương tiện và dụng cụ để chăm sóc, chế biến cây cần sa. Bao gồm nhiều bình thủy tinh, cốc thủy tinh chứa thảo mộc khô nghi là cần sa và các loại xilanh chứa cao nhựa màu đen nghi là nhựa cần sa, cùng các túi nylon chứa hạt giống thảo mộc đều nghi là hạt giống cây cần sa. Ngoài ra, còn có các đồ vật liên quan đến việc trồng cần sa, chiết xuất và sử dụng trái phép nhựa cần sa, như bình hút, nồi cơm điện, giá sắt treo đèn, hộp nhựa, cân điện tử, máy ép nylon, cùng hàng chục chiếc đèn sưởi công suất cao và hơn 2 triệu đồng tiền mặt...
Quy trình trồng cần sa trong nhà của Đỗ Xuân Hiếu khá công phu, được thiết kế như một “nông trang” trồng rau thủy canh thu nhỏ. Các khu vực trồng cây được phân chia riêng biệt theo các giai đoạn sinh trưởng và được bố trí hệ thống đèn chiếu sáng cùng với hệ thống ống thông nhiệt để điều chỉnh cho phù hợp.
Cụ thể, khu vực trồng cây non, Hiếu đặt hệ thống đèn có công suất 40-50W và hệ thống ống thông nhiệt để điều chỉnh theo đúng nhiệt độ của đồng hồ báo nhiệt được đặt sẵn trong mỗi phòng. Còn ở khu vực cây lớn hơn có hệ thống đèn công suất lớn, với nhiệt độ cao hơn. Đến khi thu hoạch, toàn bộ cành, lá và hoa được Hiếu đưa ra ngoài hành lang treo khô với hệ thống đèn chiếu sáng có công suất lớn...
Bước đầu, Hiếu khai nhận cách đây mấy tháng, thông qua mối quan hệ xã hội đã mua được một ít hạt giống cần sa đem về gieo trồng theo quy trình học trên mạng Internet. Hiếu đã đầu tư số tiền hàng chục triệu đồng để mua sắm trang thiết bị gồm: đèn chiếu sáng; máy đo nhiệt; giá đặt cây... Khi thu hoạch cần sa, một phần Hiếu để sử dụng, còn lại chủ yếu bán kiếm lời.
Theo Đỗ Xuân Hiếu tiết lộ, cần sa trồng ở Việt Nam chất lượng thua xa so với cần sa trồng nước ngoài mang về. Đơn giản chỉ vì giống cây thường tạp nham, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cùng với đó là điều kiện thời tiết khí hậu Việt Nam không phù hợp với loại cây trồng này và phương tiện, kỹ thuật chăm sóc bị hạn chế. Chưa kể đến người trồng không có kinh nghiệm thì cây có lớn lên, ra hoa được thì chất lượng cũng không ra gì. Trong khi “hàng ngoại” được làm ra với thành phần chủ yếu là lá và hoa có chất lượng cao hơn.
Vì vậy, để bán được thành phẩm có giá cao và qua mắt “dân chơi”, sau khi thu hoạch cần sa trồng trong nhà và sấy khô, Hiếu nhồi vào các vỏ điếu thuốc lá ngoại và bán theo giá cần sa ngoại. Điều quan trọng mà đám “nghiền cỏ” ở Hải Phòng từ lâu phải bỏ cả đống tiền nhưng chỉ được dùng “hàng lởm” mà không hề hay biết cũng bởi Hiếu đã khéo léo dùng đòn tâm lý.
Mặc dù có thể sản xuất số lượng lớn nhưng Hiếu chỉ bán “hàng” ra với số lượng có hạn để tạo sự khan hiếm. Hơn nữa, Hiếu cũng thường chọn thời điểm khi mà đám khách hàng của mình đã rượu “tây tây” rồi mới tung “hàng” ra. Lúc này có mấy ai phân biệt đâu là “hàng” nội hay ngoại, chất lượng tốt hay chất lượng kém, cứ thấy... phê phê là được.
Không chỉ có thể biến “hàng nội” thành “hàng ngoại”, ông chủ “nông trại” Đỗ Xuân Hiếu còn thử nghiệm kích ứng cho cây cần sa tăng trưởng nhanh, ra hoa cho thu hoạch sớm. Nếu như bình thường phải mất đến 3 tháng mới đến kỳ thu hoạch thì Hiếu điều chỉnh thêm ánh sáng, nhiệt độ cho cây nhanh lớn hơn, đảm bảo nguồn cung cấp ra cho “người tiêu dùng” mỗi dịp khan “hàng”.
Theo Đại tá Nguyễn Đức Cường, Trưởng Công an quận Hồng Bàng, vụ việc được kịp thời phát hiện không những ngăn chặn tình trạng trồng cần sa tại nhà đang có xu hướng nhân rộng, mà còn giúp các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương biết thêm về phương thức thủ đoạn của tội phạm để chủ động phòng ngừa, phát hiện.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Đức Cường, đối tượng Đỗ Xuân Hiếu đã thừa nhận ngoài việc sử dụng trái phép chất ma túy, trồng cây có chứa chất ma túy và tàng trữ trái phép chất ma túy, Hiếu còn tham gia “Hội thánh đức chúa trời”. Hiếu được đối tượng tên là Đỗ Thanh Tùng, SN 1990, ở Thượng Lý, Hồng Bàng, trực tiếp “truyền đạo”. Sau mỗi lần sử dụng ma túy, Hiếu lại tụ tập lôi kéo các thành viên trong hội đến nhà mình và bố trí những phòng riêng để hoạt động truyền đạo trái phép.
Cần ngăn chặn “thú chơi” cần sa trong giới trẻ
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trước đây, cần sa thường xuất hiện tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì nay đã mở rộng ra nhiều địa phương trên cả nước. Số người mua bán và sử dụng cần sa cũng tăng lên.
Mới đây nhất, ngày 4-5, Công an huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) cũng phát hiện, nhổ và hủy 360 cây cần sa được ươm và trồng trên phần đất của ông Nguyễn Văn Na (ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành). Tại hiện trường, khu vực trồng cần sa có diện tích 350m2 được che chắn cẩn thận nhằm tránh sự phát hiện của mọi người xung quanh và cơ quan chức năng. Bước đầu qua làm việc, ông Na khai số cây cần sa trên là của con rể ở Vĩnh Long mang về trồng.
Theo phân tích của giám định viên hóa học, cần sa hay còn gọi là cỏ, gai dầu, tài mà, gai mèo, đại ma, bồ đà, tên khoa học là Cannabis - loại ma túy được liệt vào danh sách cấm ở Việt Nam. Trong cần sa có Tetra Hydro Cannabinol - THC, một chất có thể gây nghiện cho người sử dụng, gây ảo giác, hoang tưởng. Nhựa cần sa có nồng độ gây nghiện gấp 8-10 lần thảo mộc cần sa. Tinh dầu cần sa có màu hơi tối và nồng độ các chất gây nghiện cao gấp 3-4 lần nhựa cần sa.
Mỗi độ THC tăng lên là làm tăng mức độ lệ thuộc vào cần sa với người sử dụng, chưa kể THC gây biến chứng cho hệ hô hấp gấp 4 lần so với thuốc lá, khiến triệu chứng ung thư cũng tiến triển nhanh hơn. Phân tích của y học thì sử dụng cần sa thường xuyên có thể dẫn đến nhiều hậu quả xấu. Nhiều người trẻ qua một thời gian dùng cần sa cho biết họ cảm thấy lười biếng, giảm nghị lực, bớt quyết tâm và mất đi sự thích thú trong việc làm hay việc học; giảm sự tập trung, trí nhớ và khả năng học hỏi.
Những ảnh hưởng này có thể kéo dài nhiều tháng sau khi sử dụng. Dùng cần sa thường xuyên còn gây rối loạn thần kinh, có thể dẫn đến rối loạn tâm thần trầm trọng và khiến tình trạng bệnh tâm thần phân liệt nặng hơn. Dùng cần sa khi tham gia giao thông có thể dẫn đến nguy hiểm, tai nạn do phán đoán sai và gây buồn ngủ.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, hiện tượng sử dụng cần sa đã trở thành một “thú chơi” trong giới trẻ, thậm chí cả học sinh, sinh viên. Với suy nghĩ đơn giản rằng hút cần sa giống như hút thuốc lá, không ít bạn trẻ từ tò mò sử dụng dẫn đến lạm dụng và trở thành con nghiện lúc nào không hay. Nghiện cần sa là con đường ngắn dẫn đến nghiện các chất ma túy khác và trở thành tội phạm buôn bán ma túy và các loại tội phạm khác.
Ngoài sử dụng thì một số đối tượng còn “thử nghiệm” trồng cần sa tại nhà. Đã xuất hiện hiện tượng một số du học sinh mang hạt giống cần sa từ nước ngoài về trồng thử nghiệm tại nhà hoặc cho bạn bè hạt giống để trồng.
Theo một điều tra viên Phòng CSĐT tội phạm về ma túy - Công an TP Hà Nội, các đối tượng trồng cần sa ban đầu thường do tò mò, thử nghiệm và trồng với mục đích để sử dụng cá nhân. Tuy nhiên, sau đó do thấy có lợi nhuận nên có đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội mua bán trái phép chất ma túy.
Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy khuyến cáo, để ngăn chặn cần sa đang thâm nhập sâu trong giới trẻ, các bậc phụ huynh cần quan tâm, theo dõi và phát hiện khi con em mình mới chớm vào loại ma túy này để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Những biểu hiện bất thường có thể từ việc hay đi chơi khuya, tụ tập ở quán bar, thức khuya... dẫn đến sức khỏe suy sụp, hay mang trong người giấy cuốn, kéo, quần áo, phòng ngủ có mùi cần sa. Có thể kiểm tra nhanh trẻ có sử dụng cần sa hay không bằng test nước tiểu.
Cục CSĐT tội phạm về ma túy cho hay, việc mua bán, tàng trữ, sử dụng cần sa là vi phạm pháp luật. Theo đó, người sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép cần sa bị phạt tù từ 1-10 năm.Người sử dụng trái phép cần sa dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Theo Văn Huy/CAND