Cần phát triển khoa học xã hội tương tự khoa học tự nhiên và công nghệ

Google News

ĐBQH Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần thúc đẩy nghiên cứu liên ngành giữa khoa học tự nhiên và xã hội. Luật nên khuyến khích đổi mới sáng tạo phải có sự tham gia của nhà khoa học xã hội.

Tham gia đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đánh giá cao việc dự thảo lần này đã có bước tiến quan trọng. Đây là lần đầu tiên xác định rõ khoa học xã hội và nhân văn là một bộ phận đồng hành trong hệ thống khoa học – công nghệ quốc gia, có vai trò cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.
“Đây là định hướng rất đúng đắn và kịp thời, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh mới”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Can phat trien khoa hoc xa hoi tuong tu khoa hoc tu nhien va cong nghe
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội. 
Tuy nhiên, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, so với tầm vóc nhiệm vụ mà khoa học xã hội cần đảm đương trong giai đoạn hiện nay, quy định trong dự thảo còn chung chung, chưa đủ mạnh mẽ và cụ thể. Những quy định về chính sách tài trợ, về lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên, về cơ chế hỗ trợ phát triển khoa học xã hội vẫn còn mờ nhạt, chưa tạo ra động lực thực sự để khoa học xã hội bứt phá, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc phát triển đất nước.
Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, thực tiễn cho thấy, các nước phát triển đều coi khoa học xã hội và nhân văn là một trụ cột quan trọng của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Chẳng hạn, Hoa Kỳ có hẳn một cơ quan trong Quỹ Khoa học Quốc gia chuyên phụ trách khoa học xã hội, hành vi và kinh tế. Liên minh châu Âu trong chương trình Horizon Europe đã xác định rõ: mọi sáng kiến công nghệ đều phải lồng ghép nghiên cứu xã hội và nhân văn. Nhật Bản, Hàn Quốc đều có chính sách đầu tư riêng, với cơ chế tài trợ dài hạn cho các nghiên cứu xã hội gắn với mục tiêu quốc gia.
Đề xuất một số giải pháp cụ thể để hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho biết, thứ nhất, cần quy định rõ ràng hơn việc xây dựng chương trình quốc gia về khoa học xã hội và nhân văn, tương tự như các chương trình trọng điểm về khoa học tự nhiên và công nghệ. Điều này vừa thể hiện sự coi trọng đối với lĩnh vực này, vừa tạo khuôn khổ triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
Thứ hai, bên cạnh bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc (được quy định tại khoản 3, điều 29), dự thảo Luật cần xác định cụ thể các lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên của khoa học xã hội trong kỷ nguyên mới. Đó có thể là nghiên cứu xã hội học số, tác động xã hội của chuyển đổi số, khoa học dữ liệu xã hội, trí tuệ nhân tạo và đạo đức, xã hội học môi trường, kinh tế học hành vi, an ninh phi truyền thống. Đây là những lĩnh vực đang được nhiều quốc gia đầu tư mạnh mẽ và có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ ba, ở trước điều 31, hoặc tích hợp đâu đó trong Luật, một điều khoản về cơ chế khuyến khích công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội. Các công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc hệ thống ISI, SCOPUS nên được ưu tiên khi đánh giá nhiệm vụ khoa học, xét duyệt đề tài, hoặc xét công nhận chức danh khoa học.
Thứ tư, cần thúc đẩy nghiên cứu liên ngành giữa khoa học tự nhiên, kỹ thuật và khoa học xã hội. Luật nên khuyến khích các dự án đổi mới sáng tạo phải có sự tham gia của nhà khoa học xã hội nhằm đảm bảo rằng mọi tiến bộ công nghệ đều được đặt trong khuôn khổ nhân văn, bền vững, lấy con người làm trung tâm.
“Chúng ta đang bước vào một thời kỳ mới, một kỷ nguyên mà tri thức nhân văn, trí tuệ xã hội sẽ ngày càng trở thành tài sản quý giá của quốc gia. Một đất nước không chỉ mạnh về công nghệ, mà còn cần phải sâu sắc về văn hóa, vững chắc về xã hội học, để có thể tiến xa, tiến bền vững. Bổ sung, hoàn thiện các quy định về khoa học xã hội trong Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo lần này không chỉ là để lấp đầy khoảng trống lập pháp, mà còn là một thông điệp mạnh mẽ khẳng định: Việt Nam muốn phát triển nhanh và bền vững thì không thể thiếu vai trò dẫn dắt của khoa học xã hội và nhân văn”, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Thiên Tuấn