Theo thông tin của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại cuộc họp Ban chỉ đạo thành phố về phòng chống dịch COVID-19 sáng 17/4, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) của Bộ Công an đã mời một số cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) làm việc xung quanh quá trình mua sắm máy xét nghiệm COVID-19. Vụ này cũng liên quan đến một số tỉnh thành khác.
Ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, quan điểm của thường trực Thành ủy, bí thư Thành ủy và Ban chỉ đạo là các trường hợp vi phạm phải được điều tra xử lý nghiêm. Không nương nhẹ bất cứ trường hợp nào. Trong điều kiện dịch bệnh mà vi phạm thì phải là tình tiết tăng nặng.
|
Công an triệu tập một số cán bộ CDC Hà Nội. |
Trao đổi với PV Kiến Thức về những thông tin trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo điều 4, Bộ luật hình sự 2015 đã quy định mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm.
“Tố giác hoặc báo tin về tội phạm vừa là quyền và là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân nhằm góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật và đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trường hợp nếu người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật hình sự”, Luật sư Thơm cho biết.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, trên cơ sở tin báo tố giác tội phạm về dấu hiệu sai phạm trong mua sắm thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 tại CDC Hà Nội, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công An (C03) đã tiếp nhận giải quyết vụ việc theo quy định tại Điều 146 Bộ luật tố tụng hình sự.
“Việc cá nhân tố cáo sai phạm trong mua sắm thiết bị y tế để phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay là vụ việc rất nghiêm trọng nên cần thiết điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu có sai phạm làm thất thoát tiền bạc của Nhà nước”, Luật sư Thơm nhận định và cho biết, nếu có sai phạm xảy là làm suy giảm niềm tin của người dân vào nỗ lực chung của Đảng và Nhà nước đang quyết tâm “chống dịch như chống giặc”.
Theo nội dung tố cáo, những sai phạm này chủ yếu liên quan đến việc nâng giá mua sắm thiết bị xét nghiệm cao hơn nhiều lần giá thị trường đã gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
Luật sư Thơm cho hay, để có căn cứ xử lý vụ việc không làm oan người vô tội và không bỏ lọt hành vi phạm tội, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ có hay không việc cấu kết nâng giá khống thiết bị máy móc thông qua các Hợp đồng mua bán và các tài liệu, chứng từ nhập khẩu, tài khoản thanh toán,…
|
Luật sư Nguyễn Anh Thơm. |
Nếu Cơ quan điều tra có căn cứ xác định, người nào có trách nhiệm thực hiện việc mua sắm thiết bị phòng dịch COVID-19 mà cấu kết nâng khống trị giá thực để chiếm đoạt tiền của Nhà nước thì sẽ bị khởi tố về Tham ô tài sản.
Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự. Trường hợp người nào chiếm đoạt số tiền từ 1.000.000.000 đồng trở lên sẽ phải đối mặt cao nhất đến tử hình. Lợi dụng tình hình dịch bệnh để phạm tội sẽ là tình tiết tăng nặng hình phạt theo điểm L, khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.
Điều 353. Tội tham ô tài sản
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng357 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
>>> Mời độc giả xem video Mua máy xét nghiệm virus Corona: Triệu tập cán bộ CDC Hà Nội
Tâm Đức