Cảm động những người quên mình cứu người trong mưa lũ miền Trung

Google News

(Kiến Thức) - Các cô giáo mầm non “thà cô chết chứ không để trò chết”, ông lão 73 tuổi bất chấp nguy nan cứu người trong mưa lũ miền Trung khiến nhiều người cảm động.

Thủ tướng khen ngợi các giáo viên mầm non “thà cô chết chứ không để trò chết”
Các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hoà đang trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn do mưa lũ miền Trung dữ dội. Thiệt hại về người đã tăng lên con số 17 người, 2 người mất tích và 14 người bị thương. Hơn 180 ngôi nhà bị đổ sập, 85.620 ngôi nhà chìm trong biển nước. Cuộc sống người dân vùng ngập lụt đang đứng trước nguy cơ thiếu ăn và đói rét. Trong hoàn cảnh vô cùng khốn khổ ấy, vẫn có nhiều tấm gương với tinh thần tương thân tương ái, quên mình cứu người khác làm lay động hàng triệu người cả nước.
 Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến Ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung. Ảnh: Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT
Tại hội nghị trực tuyến Ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung với các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hoà được tổ chức ngày 17/12/2016, khi nhấn mạnh đến tinh thần "tương thân tương ái" của dân tộc Việt Nam trong khó khăn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến trường hợp các giáo viên của trường mầm non An Hiệp (tỉnh Phú Yên) đã dầm mình dưới mưa lũ suốt nhiều giờ đồng hồ, nỗ lực tìm mọi cách để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng của học sinh. “Đó là một hành động phi thường, một hình ảnh đẹp về người giáo viên nhân dân, về tinh thần, trách nhiệm, sự tương thân tương ái”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Những người dân xã An Hiệp (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) và đặc biệt là các giáo viên, học sinh trường mầm non An Hiệp (thôn Mỹ Phú 2, xã An Hiệp) sẽ không thể nào quên buổi trưa ngày 13/12. Thời điểm ấy, một cơn lũ quét dữ dội bất ngờ ập đến khiến nhiều hộ dân ở xã An Hiệp bàng hoàng. Nỗi kinh hãi nhất là tại trường mầm non An Hiệp, tất cả các phòng học đều bị nước lũ nhấn chìm khi các cô giáo và học sinh vẫn còn trong lớp. Nước lũ đã khiến nhiều giáo viên và học sinh mắc kẹt, mực nước ngày càng lên cao, một số học sinh phải ôm vào cổ cô giáo. Trong thời điểm nguy nan ấy, các cô giáo đã là những “phao cứu sinh” khi bám vào các song cửa sổ của lớp học, cõng các cháu học sinh trên tấm lưng của mình. Đồng thời liên hệ các lực lượng cứu hộ, người dân đến ứng cứu. Đó đúng là “những hành động phi thường, một hình ảnh đẹp về người giáo viên nhân dân” như lời Thủ tướng nói.
 Người dân vùng lũ đang rất cần sự "tương thân tương ái" của đồng bào cả nước.
Xúc động nhất trong bức thư khen ngợi các cô giáo mầm non An Hiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết: “Tôi rất xúc động được biết tin, trong ngày 13/12/2016, với lòng dũng cảm, trách nhiệm và tình người sâu sắc, các cô giáo Trường mầm non xã An Hiệp và người dân địa phương đã cứu giúp và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các cháu học sinh trong khi lũ về nhanh, gây ngập lụt nghiêm trọng tại trường. Thật cảm động trước suy nghĩ của các cô giáo: “thà cô chết chứ không để trò chết”. Thay mặt Chính phủ, tôi gửi lời biểu dương, khen ngợi các cô giáo trường mầm non xã An Hiệp và người dân địa phương đã tham gia cứu giúp các cháu”.
Ông lão 73 tuổi quên mình cứu nữ sinh viên chới với dưới dòng nước lũ
Nếu các cô giáo trường mầm non An Hiệp (Phú Yên) “thà cô chết chứ không để trò chết” thì ông lão Nguyễn Thanh Phước (73 tuổi, thôn Thanh Tuyền, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng bất chấp nguy hiểm tính mạng, lao mình xuống dòng nước lũ để cứu người đang bị nước lũ cuốn trôi.
Người được ông Nguyễn Thanh Phước quên mình cứu nạn chính là chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (19 tuổi, trú tại xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) - Sinh viên trường Cao đẳng Y dược Huế.
Ông Nguyễn Thanh Phước đang kể lại cảnh cứu người gặp nạn. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế. 
Theo thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, vào trưa 15/12, nữ sinh viên Nguyễn Thị Thúy Hằng đang trên đường đi học về dưới trời mưa rất to. Khi đến đến ngã ba đường thôn Thanh Tuyền, xã Thủy Thanh, do nước lũ dâng cao, chảy mạnh, chị Hằng và xe máy bị dòng nước cuốn trôi. Khi nghe vợ là bà Phan Thúy Nguyệt tri hô cứu người, dù đã 73 tuổi nhưng ông Nguyễn Thanh Phước đã không quản nguy hiểm đến tính mạng, bơi ra cứu người gặp nạn. Với sự giúp đỡ của một số thanh niên trong xã, ông Phước đã đưa nạn nhân lên bờ, đưa vào nhà tiến hành sơ cứu.
Hành động dũng cảm của ông Nguyễn Thanh Phước đã được lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khen thưởng vào sáng 18/12 nhưng món quà quý giá nhất với ông là đã làm được việc có ích, nhân rộng tấm gương “quên mình cứu người” trong hoạn nạn.
Các cơ quan chức năng đang khẩn trương cứu hộ người dân vùng ngập lụt. 
Hải Ninh