Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm đã kiến nghị đưa loại hình hoạt động đòi nợ thuê vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.
Động thái này được thành phố đưa ra do dịch vụ đòi nợ thuê đang biến tướng, có dấu hiệu cấu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Các công ty này thường sử dụng chiêu trò, đe dọa mang tính chất xã hội đen; trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ.
Chính quyền thành phố khẳng định "vay nợ" là quan hệ dân sự, hoặc hợp đồng kinh tế. Khi có tranh chấp, các bên tham gia thỏa thuận hoặc khởi kiện để tòa án giải quyết. Nhà nước còn có đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật như tòa án, VKS, thi hành án... nên không cần có thêm loại hình đòi nợ thuê.
|
Hàng loạt tiệm cầm đồ mọc lên như nấm, san sát nhau. |
Nếu không thể cấm, thành phố đề nghị trung ương ban hành các quy định bắt buộc để siết chặt hoạt động đòi nợ thuê như: quy định về đồng phục, số lượng nhân viên tối đa mỗi lần đòi nợ... để tránh tụ tập băng nhóm gây mất an ninh trật tự.
Song hành cùng hoạt động đòi nợ thuê là hoạt động cầm đồ. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu cấm đòi nợ thuê thì đầu tiên phải cấm hoạt động cầm đồ trái phép. Đây là nguồn cơn của những vụ khủng bố, đòi nợ, đánh thậm chí là giết con nợ gây hoang mang, bức xúc dư luận xã hội.
Dạo quanh một vòng trên địa bàn huyện Hóc Môn, PV ghi nhận các tiệm cầm đồ tập trung nhiều ở đường Phan Văn Hớn, xã Xuân Thới Thượng. Tại đây, có đến hàng dãy cửa hàng cầm đồ trải dài nằm san sát nhau.
Các tiệm cầm đồ này sẵn sàng tiếp nhận bất cứ mặt hàng có giá trị, từ xe máy, ôtô, sổ đỏ, điện thoại, máy tính... ngay cả CMND, thẻ sinh viên, nhằm thu lại lợi nhuận cho chính mình.
|
Các tiệm cầm đồ thu lợi nhuận khủng từ việc cầm cố tài sản. |
Theo quy định, lãi suất cho vay theo hình thức cầm đồ không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, nhưng hiện nay hầu như 100% các cơ sở cầm đồ đều vi phạm mức lãi suất này.
Hiện nay, các hiệu cầm đồ đều công khai quảng cáo mức lãi suất 1.000-2.500 đồng/1 triệu /ngày (7,5%/tháng), nhưng trên thực tế mức lãi suất cho vay có thể lên đến 5.000 đồng/1 triệu/ngày.
Trong khi đó, theo Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định lãi suất cho vay theo hình thức cầm đồ không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Tại Nghị định 02/CP năm 1995 và Thông tư liên bộ 02TT/LB hướng dẫn Nghị định 02/CP quy định lãi suất cầm đồ và phí cầm đồ tối đa không quá 4,2% tháng, tính trên số tiền được vay của mỗi lần cầm đồ. Trường hợp nếu bên cầm đồ muốn vay nóng ngắn hạn (dưới 15 ngày) lãi suất và phí cầm đồ cao nhất không quá 0,3%/ngày.
Anh Hoàng Trung Thông (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) cho biết: "Đa phần các chủ tiệm cầm đồ đều là giang hồ máu mặt, nếu không thì họ cũng thuê những đối tượng giang hồ để dùng cho dịch vụ đòi nợ. Ngày nào đọc báo, tại TP HCM cũng đầy những vụ giang hồ đòi nợ, khủng bố tinh thần.
Hơn nữa, dịch vụ cầm đồ còn là nơi các đối tượng cướp giật, trộm cắp tìm đến để tiêu thụ tài sản và phát sinh nhiều hệ lụy. Theo tôi nên cấm cả dịch vụ đòi nợ thuê và cầm đồ."
Dưới đây là một số hình ảnh tiệm cầm đồ bủa vây TP HCM:
|
Nhiều tiệm cầm đồ sử dụng chiêu trò hạ lãi suất nhằm thu hút khách hàng. |
|
Một tiệm cầm đồ quy mô lớn trên đường Trương Nữ Vương, quận Gò Vấp. |
|
Tiệm cầm đồ trên đường Tô Ký, quận 12. |
|
Nhiều tiệm cầm đồ mở cửa phục vụ khách hàng 24/24h. |
|
Đa số các tiệm cầm đồ đều nằm trên các con đường lớn. |
|
Ô tô, xe máy, máy tính là những tài sản mà các tiệm cầm đồ ưa chuộng. |
Tố Nhã