Ít ngày sau khi triển khai kế hoạch huy động CSCĐ tuần tra ban ngày xử lý người ngồi trên môtô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Công an Hà Nội trao đổi với Zing.vn về những vấn đề người dân quan tâm.
Thượng tá Mẽ khẳng định, việc tăng cường CSCĐ tuần lưu xử lý vi phạm giao thông là đúng quy định, bước đầu đã mang lại sự chuyển biến. Điểm khác biệt giữa CSCĐ với các lực lượng khác như CSGT, 141 là không cắm chốt xử phạt giao thông. Các tổ tuần tra chỉ dừng lại khi nhắc nhở, xử lý người vi phạm rồi tiếp tục tuần lưu.
|
CSCĐ dừng xe kiểm tra người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: Tùng Lâm. |
CSCĐ được độc lập tuần tra xử lý vi phạm giao thông
- Hà Nội là địa phương đầu tiên tăng cường CSCĐ tuần tra xử lý vi phạm giao thông ban ngày. Chủ trương này xuất phát từ tình hình vi phạm giao thông, nạn cướp giật đường phố hay do lực lượng CSGT còn mỏng?
- Thời gian qua, lượng xe đạp điện ở Hà Nội gia tăng, trong khi người điều khiển loại phương tiện này thường không đội mũ bảo hiểm. Từ thực trạng đó, Giám đốc Công an Hà Nội đã ký kế hoạch 204 huy động nhiều đơn vị, công an quận huyện vào cuộc. Trung đoàn CSCĐ là một trong số các đơn vị tham gia, phối hợp lực lượng chủ công là CSGT duy trì trật tự an toàn giao thông.
Ngoài mục tiêu nâng cao ý thức người tham gia giao thông, việc huy động CSCĐ tuần tra ban ngày cũng nhằm phòng ngừa, trấn áp tội phạm cướp giật, dù tội phạm đường phố ở Hà Nội đã được kiềm chế.
- Nhiều người ủng hộ chủ trương mới của Công an TP nhưng cũng thắc mắc việc tung CSCĐ ra đường tuần tra xử lý vi phạm giao thông có trái quy định pháp luật?
- Theo Nghị định 46, CSCĐ được phép tuần tra, độc lập xử lý người ngồi trên môtô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. Trước 1/8, các tổ công tác vẫn kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm giao thông khi tuần tra vũ trang ban đêm.
Pháp lệnh CSCĐ cũng quy định, Giám đốc Công an TP có quyền tổ chức CSCĐ tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự an toàn xã hội và tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định pháp luật. Do đó, việc tăng cường CSCĐ tuần tra, phối hợp với các lực lượng khác duy trì an toàn giao thông là đúng quy định.
- Có ý kiến đề cập sao không tăng cường CSGT để duy trì trật tự giao thông? Ông có nghĩ việc có quá nhiều lực lượng công khai trên đường sẽ gây tâm lý bất an cho khách du lịch?
- Kế hoạch này không huy động riêng CSCĐ tuần tra xử lý vi phạm giao thông trên đường. Ngoài 90 tổ công tác với 360 cán bộ chiến sỹ của Trung đoàn còn có CSGT, CSTT của các phòng nghiệp vụ và công an quận, huyện. Mỗi lực lượng có ưu thế nhất định để tuyên truyền pháp luật, xử lý vi phạm, góp phần nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
Việc nhiều lực lượng công khai trên đường xuất phát từ yêu cầu đảm bảo an toàn giao thông, để người dân và khách yên tâm hơn khi ở Hà Nội. Như Bắc Kinh (Trung Quốc) có hẳn Cục CSGT với biên chế 8.000 người.
Họ ít phải ra đường vì vi phạm giao thông ít, trong khi 10.000 nút giao đều có đèn tín hiệu và camera. Khi có sự cố, với đường xá thuận lợi và mạng lưới đơn vị quản lý dày đặc, CSGT chỉ mất vài phút để đến hiện trường.
Không đứng chốt xử lý vi phạm
- Tuần tra xử lý vi phạm giao thông khác tuần tra phòng chống tội phạm ban đêm thế nào? Xin ông cho biết CSCĐ sẽ xử lý ra sao khi gặp trường hợp lái xe bỏ chạy, chống đối?
- Kế hoạch 204 hướng đến đối tượng là người vi phạm giao thông, còn tuần tra vũ trang ban đêm nhằm kiểm soát các địa bàn phức tạp và phòng ngừa, trấn áp tội phạm. Quá trình xử lý lỗi không đội mũ bảo hiểm, các tổ công tác sẽ hạn chế tối đa việc truy đuổi người vi phạm giao thông bỏ chạy. Bằng biện pháp nghiệp vụ, CSCĐ sẽ ghi nhớ đặc điểm, thông báo cho lực lượng chức năng gần đó dừng xe hoặc áp dụng biện pháp xử phạt nguội.
Trường hợp phát hiện tội phạm hoặc người gây tai nạn giao thông bỏ chạy, CSCĐ sẽ truy đuổi đến cùng, tuy nhiên phải đảm bảo an toàn cho lực lượng chức năng và người dân.
- Ra quân theo kế hoạch 204, CSCĐ có được đứng chốt để chặn bắt người vi phạm? Tình trạng nhũng nhiễu có xảy ra khi CSCĐ độc lập xử lý vi phạm trên đường?
- Điểm khác biệt giữa CSCĐ với các lực lượng khác như CSGT, 141 là không cắm chốt xử lý vi phạm. Các tổ tuần tra chỉ dừng lại khi nhắc nhở, xử lý người vi phạm rồi tiếp tục tuần lưu. CSCĐ sẽ không tuần tra trong ngõ ngách nhỏ, nhưng sẽ có mặt ở khắp các địa bàn, đặc biệt là các tuyến phố khu vực nội thành.
Do lỗi không đội mũ bảo hiểm rất rõ ràng và có mức phạt không lớn (từ 100.000 đến 200.000 đồng) nên tình trạng nhũng nhiều, tranh cãi giữa CSCĐ với người tham gia giao thông không xảy ra.
- Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng chủ trương tung thêm CSCĐ tuần tra xử phạt ban ngày là cách để tăng thu ngân sách? Và quy định pháp luật nhiều đổi mới có gây khó cho lực lượng tuần tra?
- Hàng ngày, CSCĐ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Việc tham gia kế hoạch tuần tra xử lý mũ bảo hiểm nhằm chấn chỉnh, nâng cao ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông. Bên cạnh những người bị xử phạt, CSCĐ cũng nhắc nhở, cảnh cáo nhiều trường hợp vi phạm khác.
Trước những thay đổi về chế tài, quy định pháp luật, CSCĐ luôn được quán triệt, tập huấn kỹ năng. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, lực lượng tuần tra đã được trang bị kiến thức pháp luật. Việc xử phạt hiện nay căn cứ theo Nghị định 46 và các văn bản pháp luật khác.
Theo Zing News