Sự việc xảy ra trên chuyến bay VJ513 mới đây từ Hà Nội đi Đà Nẵng. Được biết, sau khi vi phạm xảy ra, lực lượng chức năng đã lập tức lập biên bản vi phạm hành chính. Nhà chức trách hàng không cũng đã ra quyết định xử phạt.
Tuy nhiên, quá thời hạn nộp tiền phạt, mặc dù được các cơ quan chức năng nhiều lần đôn đốc nhưng bà P.T.D. vẫn kiên quyết không chịu nộp phạt.
Nhà chức trách hàng không phải áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung nặng hơn là cấm bay 9 tháng. Quyết định này được gửi tới các hãng hàng không của Việt Nam và nước ngoài khai thác tại Việt Nam trên các chuyến bay nội địa và quốc tế xuất phát từ Việt Nam không được vận chuyển hành khách P.T.D. trong 9 tháng.
|
Áo phao được trang bị trên máy bay nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách trong trường hợp chuyến bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống nước. (Ảnh minh họa) |
Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) có trách nhiệm chỉ đạo các cảng hàng không, sân bay trên cả nước kiểm tra, đối chiếu chặt chẽ giấy tờ về nhân thân của hành khách sử dụng đi tàu bay để phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành khách P.T.D.
Các cơ quan công an, hải quan cửa khẩu hàng không và các hãng hàng không nước ngoài thuộc địa bàn quản lý cũng được thông báo cụ thể để kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện.
Áo phao được trang bị trên máy bay nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách trong trường hợp chuyến bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây nạn trộm cắp và tự ý xé áo phao trên máy bay đang gia tăng, uy hiếp đến an ninh an toàn trong khai thác bay.
Theo một chuyên gia về an toàn hàng không, trong trường hợp hành khách xé áo phao nhưng chưa kịp thổi phồng áo phao, chưa kịp làm hỏng áo phao thì chuyến bay vẫn đủ điều kiện cất cánh, nhưng trường hợp áo phao bị hỏng hoặc đã bị làm phồng lên, chuyến bay sẽ phải quay đầu để giảm bớt khách.
Theo quy định, mỗi chuyến bay phải đảm bảo có đủ áo phao tương ứng với số người trên máy bay, đề phòng khả năng phải hạ cánh khẩn cấp.
Theo Ngân Anh/Báo Giao Thông