Thầy thuốc cũng chỉ là một nghề nhưng nó đặc biệt vì liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người và mọi sai lầm đều phải trả giá!
27/2 đơn giản là ngày mà 64 năm trước, Bác Hồ gửi thư cho Ngành Y tế, động viên Ngành Y tế, các thầy thuốc,…và rồi được chọn và gắn với “Ngày Thầy thuốc Việt Nam” cũng như bao ngành, nghề khác có ngày sinh, ngày giỗ mà thôi.
Ngành nào cũng xứng đáng được tôn vinh, trân quý. Mỗi ngành, nghề có một ngày để động viên nhau cũng được, nhớ về tổ nghề, giáo dục truyền thống, dặn dò nhau cũng được. 27/2 có ý nghĩa như vậy!
|
PGS. TS. BS. Vũ Xuân Phú |
Nhìn lại, những đóng góp của ngành Y tế cho đất nước và nhân dân rất lớn, tuổi thọ trung bình tăng, tránh, chữa, cứu được triệu triệu người tránh được bệnh, tật nguyền và cái chết, mang lại hạnh phúc cả vật chất và tinh thần cho hàng triệu gia đình hàng năm...
Những thành tựu đó đối với xã hội coi như là đương nhiên.
Nhưng nghề nào không có rủi ro, dù xác suất rất nhỏ - cũng là đau thương, mất mát cho mỗi con người và gia đình họ. Nghề thầy thuốc cũng không ngoại lệ.
Chỉ có không mất mát nào gọi là “chấp nhận được”.
Bởi vậy các thầy thuốc tránh dùng cụm từ “tỷ lệ tử vong này”, “tỷ lệ sự cố y khoa này” – dù khoa học cho phép nhưng không phù hợp chuẩn mực đạo đức, nếu tỷ lệ rất nhỏ ấy rơi vào gia đình người phát biểu câu ấy!
Do vậy, thầy thuốc hành nghề cần có niềm tin, điểm tựa, hành lang pháp lý chặt chẽ, thấu tình đạt lý! Điểm tựa quan trọng về tinh thần của thầy thuốc là gia đình, đồng nghiệp, lãnh đạo của họ và niềm tin của người bệnh!
Nhưng trên hết, chúng tôi cần sự công bằng!
Cái đúng cái sai, cái sống cái chết của cả thầy thuốc và bệnh nhân trong bối cảnh hành nghề khắc nghiệt này mong manh lắm mà lại liên quan đến nhau!
Thầy thuốc tử tế không van xin lòng thương hại, không muốn vay mượn tiền bạc, không làm tổn thương đến ai! Chỉ một mực cứu người! Nhưng cũng biết cách khéo mà từ chối sự trả ơn! Khiêm tốn nhận sự tri ân, khen ngợi những dịp này – 27/2 hàng năm.
Theo PGS. TS. BS. Vũ Xuân Phú/ Gia đình mới