Cách Út "Trọc" chiếm đoạt 725 tỷ ở cao tốc Trung Lương

Google News

Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc) bị cáo buộc chỉ đạo đồng phạm can thiệp vào phần mềm thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương để chiếm đoạt hơn 700 tỷ.

Trong kết luận điều tra vụ đấu thầu và thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Bộ Công an đề nghị truy tố các ông Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường và 5 bị can về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
13 người còn lại, trong đó có Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc) bị đề nghị truy tố các tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Làm giả hồ sơ đấu giá thu phí cao tốc
Cơ quan điều tra xác định tháng 2/2012, Út "Trọc" nhờ ông Đinh La Thăng (khi đó là Bộ trưởng GTVT) giới thiệu gặp đại diện chủ đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long.
Hai ngày sau, Út "Trọc" gọi lại thì ông Minh nói sẽ sắp xếp lịch tiếp. Tuy nhiên, ông Thăng dùng điện thoại cá nhân gọi điện yêu cầu ông Minh bố trí làm việc rồi chuyển máy cho Hệ nói chuyện.
Sau đó, Đinh Ngọc Hệ cùng cấp dưới 2 lần đến nơi làm việc của ông Minh, đề nghị cho Công ty Yên Khánh tham gia đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Cach Ut
Đinh Ngọc Hệ từng nhiều lần hầu tòa. Ảnh: Bá Chiêm. 
Theo cơ quan điều tra, giai đoạn 2011-2012, Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An của Đinh Ngọc Hệ làm ăn thua lỗ, không có năng lực tài chính để đấu giá dự án cao tốc. Do đó, Út "Trọc" đã chỉ đạo cấp dưới sửa báo cáo tài chính của 2 doanh nghiệp này.
Ngoài ra, ông Hệ còn chỉ đạo làm giả 4 báo cáo kiểm toán, sau đó mang hồ sơ đến UBND phường 2, quận 4, TP.HCM, để công chứng.
Chiều 15/11/2013, chỉ 2 công ty của Út "Trọc" tham gia đấu giá nên Công ty Yên Khánh trúng đấu giá thu phí cao tốc với mức bằng giá khởi điểm là hơn 2.000 tỷ đồng.
Trong kết luận, cơ quan điều tra còn xác định quá trình thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo việc can thiệp vào phần mềm quản lý thu phí iTOLL Plus, điều chỉnh doanh thu nhằm chiếm đoạt hơn 725 tỷ đồng.
Cụ thể, Út "Trọc" đã chỉ đạo Nguyễn Xuân Hiền (Giám đốc Công ty Xuân Phi) viết và cài đặt phần mềm xâm nhập vào hệ thống của Bộ GTVT.
Để làm giảm doanh thu, các bị can chỉnh sửa phần mềm thu phí nhằm thay đổi quãng đường, mệnh giá vé và loại phương tiện. Đầu năm 2018, do sắp hết thời hạn thu phí nên theo chỉ đạo của Hệ, các bị can tìm cách xóa dữ liệu thu phí thực tế.
Dữ liệu máy tính cho thấy tiền thu phí giai đoạn 2014-2018 tại 4 trạm trên tuyến cao tốc là hơn 3.260 tỷ đồng. Tuy nhiên, Út "Trọc" và đồng phạm đã dùng thủ đoạn gian dối để giảm doanh thu còn 2.540 tỷ. Bộ Công an kết luận các bị can chiếm đoạt hơn 725 tỷ đồng.
Ông Đinh La Thăng phủ nhận vai trò chỉ đạo
Quá trình điều tra, ông Đinh La Thăng khai quen Đinh Ngọc Hệ hồi đầu năm 2012 tại Ninh Bình. Trong các năm 2012-2013, ông Thăng nhiều lần liên lạc với Đinh Ngọc Hệ.
Tuy nhiên, ông Thăng phủ nhận việc bàn bạc, giới thiệu, chỉ đạo Dương Tuấn Minh tạo điều kiện cho Út "Trọc" được mua quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Cach Ut
Ông Đinh La Thăng đang thụ án 30 năm tù. Ảnh: Việt Hùng. 
Năm 2013, ông Thăng ký quyết định thành lập hội đồng bán đấu giá và giao ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, làm chủ tịch.
Quá trình giải quyết việc Công ty Yên Khánh chậm nộp tiền trúng đấu giá, ông Nguyễn Hồng Trường đều gửi các báo cáo. Nhưng ông Thăng khai bản thân không tham gia ý kiến chỉ đạo.
Ông Đinh La Thăng thừa nhận việc bút phê “Đồng ý” trong văn bản của Công ty Yên Khánh gửi Bộ GTVT, Tổng công ty Cửu Long, để kiến nghị giao Công ty Yên Khánh được chỉ định làm nhà đầu tư xây dựng bổ sung 2 nút giao thông trên tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm và chi phí sẽ được khấu trừ vào số tiền Công ty Yên Khánh phải thanh toán là chưa đúng với quy định.
Tuy nhiên, ông Thăng không thừa nhận đây là nguyên nhân dẫn đến việc Công ty Yên Khánh lấy làm lý do để thanh toán chậm trễ và không bị chấm dứt trước hạn hợp đồng.
Ông Đinh La Thăng đang chấp hành bản án 30 năm tù do sai phạm trong 2 vụ án, gồm vụ PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Oceanbank và vụ Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Trịnh Xuân Thanh.
Đầu năm 2019, ông Đinh La Thăng tiếp tục bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án xảy ra tại Ethanol Phú Thọ.
Còn Đinh Ngọc Hệ đang thụ án 30 năm tù do liên quan hàng loạt vụ án với nhiều tội danh như Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Sử dụng tài liệu giả cơ quan, tổ chức.

Theo Hoàng Lam/Zing