Cách mạng Tháng Tám đặt nền tảng cực kỳ mới mẻ cho dân tộc

Google News

"Có thể thấy, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đặt một nền tảng rất hiện đại, cực kỳ mới mẻ, như tổng tuyển cử bầu Quốc hội, điều này không phải nước nào cũng có...".

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo NTNN, nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2023).
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã làm nên sự khác biệt căn bản của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX so với tất cả các thế kỷ trước đó của lịch sử dân tộc: Thiết lập một nền dân chủ, khẳng định quyền con người, khẳng định những khát vọng của dân tộc. Là nhà nghiên cứu lịch sử, ông có suy nghĩ gì về sự khác biệt, thay đổi hết sức lớn lao ấy của đất nước, dân tộc ta?
- Chúng ta nói đến ngày độc lập là nói đến một sự kiện được xác định bằng không gian và thời gian, ở đây chúng ta nhắc đến Quốc khánh 2/9 cách đây 78 năm và được định danh là ngày Lễ Độc lập. Đúng vào thời điểm đó, chữ "độc lập" có ý nghĩa vô cùng to lớn, bởi sau gần một thế kỷ chúng ta là thuộc địa của Pháp, cho nên khao khát của thế hệ thời đó là khao khát nung nấu từ trong thực tiễn, trong thực tiễn họ luôn nghĩ đến quá khứ vẻ vang của dân tộc hàng nghìn năm tự chủ và chống giặc ngoại xâm. Vì thế, phải nói Ngày Độc lập có ý nghĩa rất lớn, điều đó đến nay chúng ta vẫn nhận thấy qua những thước phim, hình ảnh, bài viết đương thời thể hiện hào khí của sự thay đổi rất căn bản ấy. Và kể từ đó, Ngày Độc lập được coi như một ngày lễ lớn, một dấu mốc đặc biệt để chúng ta đi tiếp con đường xây dựng, phát triển đất nước.
Cach mang Thang Tam dat nen tang cuc ky moi me cho dan toc
Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: Lê Hiếu
Thứ hai, ngày lễ độc lập không chỉ có ý nghĩa tượng trưng mà rất thực tiễn, đó là cuộc cách mạng đánh đổ chế độ thực dân Pháp, đánh đổ chế độ phát xít Nhật và đặc biệt đã chấm dứt chế độ phong kiến hàng nghìn năm để bước đến một thời kỳ mới. Chúng ta thấy sự lựa chọn chế độ "dân chủ cộng hòa" là một sự lựa chọn sáng suốt của dân tộc, mà linh hồn là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Là người làm công tác nghiên cứu lịch sử nhiều năm, tôi luôn đặt câu hỏi: Cụ Hồ là người Cộng sản, đã từng tham gia phong trào Quốc tế Cộng sản, đã từng chứng kiến công xã Quảng Châu (Trung Quốc), đã từng sống trong xã hội Xô Viết nhưng tại sao cụ không xây dựng chế độ Xô Viết mà chọn chế độ dân chủ cộng hoà, đây là một thể chế có thể nói là hiện đại lúc đó và phù hợp với chúng ta.
Nhưng Cụ Hồ lựa chọn chế độ không chỉ trên chữ nghĩa mà lựa chọn trên thực tiễn để xây dựng. Cho dù thời gian xây dựng thể chế mới, nhà nước mới, chế độ mới của chúng ta rất ngắn ngủi thì chiến tranh đã bùng nổ. Có thể thấy, Cách mạng Tháng Tám đặt một nền tảng cực kỳ hiện đại, cực kỳ mới mẻ, như tổng tuyển cử bầu Quốc hội, điều này không phải nước nào cũng có. Sau cuộc tuyển cử ấy, Hiến pháp được xây dựng với có những điều khoản mà cả các nước tiên tiến cũng chưa có, ví dụ như bình đẳng sắc tộc, bình đẳng tôn giáo và đặc biệt là bình đẳng nam nữ. Nói đến quyền phụ nữ, thời điểm ấy ngay cả các nước ở châu Âu phụ nữ cũng chưa có quyền ứng cử, tham gia Quốc hội.
Đến nay sau 78 năm, chúng ta thấy sự thay đổi rất to lớn, cái dễ nhận thấy nhất là hạ tầng cơ sở nhưng nếu so sánh với thế giới và cả các nước lân bang thì có những điều chúng ta phải suy nghĩ, suy nghĩ để quyết tâm và hành động mới. Cho nên câu chuyện 78 năm qua là cơ hội để chúng ta nhìn lại, từ đó tìm ra những bài học cho chặng đường tiếp theo, làm sao xứng đáng với công lao của thế hệ đi trước họ gây dựng, đã đặt nền móng cho ngày nay.
Thưa ông, nếu so sánh một cách cơ bản, trải qua 78 năm có thể thấy đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay. Nhìn lại lịch sử thì đó là một sự thay đổi rất lớn?
- Tôi đánh giá rất tích cực kết quả đất nước đã đạt được trên nhiều lĩnh vực, cũng như nhiều mặt của đời sống xã hội. Không phủ nhận điều đó nhưng chúng ta đừng chỉ nhìn đơn tuyến là ngày hôm nay hơn ngày hôm qua, hay ngày hôm qua hơn ngày hôm nay, mà phải nhìn đồng tuyến, cần xem thế giới họ như thế nào, các quốc gia xung quanh chúng ta như thế nào thì mình mới theo kịp được.
Những câu chuyện nhân dịp kỷ niệm là rất quý, đáng trân trọng, nhưng chúng ta phải xem lại bài học để vận dụng giai đoạn hiện nay là gì, định vị lại vị trí của chúng ta để định hướng con đường phát triển, luôn đổi mới, hội nhập với thế giới nhưng không đi chệch những giá trị lịch sử mà về căn bản đã được xác lập, mà Cách mạng Tháng Tám, Ngày Độc lập 2/9 là những dấu mốc rất lớn. Ví dụ nói thống nhất Tổ quốc, đấy phải nói là thành tựu cực lớn mà chúng ta đã hi sinh biết bao nhiêu xương máu mới làm được, điều đó phải luôn ghi nhớ, vinh danh. Thế nhưng có những điều khác làm sao để phát triển đất nước nhanh hơn, mạnh hơn thì rõ ràng chúng ta phải suy nghĩ.
Theo ông, giá trị cốt lõi của độc lập – tự do cần được phát huy và làm sâu hơn thế nào trong bối cảnh toàn cầu hóa, đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng?
- Hội nhập là con đường tất yếu, thực ra không phải chúng ta bây giờ mới hội nhập mà trong lịch sử cha ông chúng ta đã làm. Ví dụ như thời nhà Lý, khi xây dựng triều đại mới đã tiếp thu thành tựu của các bậc tiền nhân từ thời Ngô Quyền, đó là xác lập nền tự chủ, nhưng điều khó nhất của Việt Nam lúc bấy giờ là ứng xử với phương Bắc như thế nào. Nhà Lý đã rất khôn ngoan, rất sáng suốt là chủ động hội nhập, đưa ông Khổng Tử về thờ, chấp nhận chữ Hán là quốc tự. Bởi lúc đó chữ bản địa đã mất sau hàng ngàn năm Bắc thuộc, văn hóa đã bị tàn phá thì chúng ta phải mượn những thành tựu của họ để làm thành của mình. Nếu không có chữ Hán làm sao chúng ta nói được "Nam quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt; rồi đào tạo ra một đội ngũ những nhà nho, những trí thức Việt Nam yêu nước…
Cha ông ta đã chủ động hội nhập nhưng lại có cả một nền tảng rất vững chãi để không bị hoà tan như cách nói bây giờ, đó là làng xã. Rồi sau đó, đạo Khổng biến thành Nho, chữ Hán biến thành Quốc tự rồi các cụ lại phát triển thành chữ Nôm, khi gặp chữ Latinh lại tiếp tục sử dụng chữ Latinh cho mình.
Dẫn câu chuyện lịch sử để thấy ông cha ta chủ động hội nhập. Khi chúng ta mở mạng bờ cõi xuống phương Nam, không phải chúng ta chỉ mở đất, tài nguyên... quan trọng là mở được không gian văn hoá.
Bây giờ cũng vậy, hội nhập có nghĩa là mở cửa. Nhưng tại sao tỷ lệ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI lớn thế, nhưng cái thụ hưởng thì ai thụ hưởng? Trong một hoàn cảnh nhất định huy động vốn FDI là giải pháp đúng, nhưng đến một lúc nào đó chúng ta phải hạn chế FDI lại thì mới là độc lập thật sự.
Chúng ta vay được nhiều vốn ODA, đó là cần thiết khi đất nước còn nghèo, chưa có vốn. Nhưng nếu cứ như thế thì mãi mãi chúng ta không "cai sữa" được. Nhiều nước họ coi khi không cần nguồn vốn ODA nữa là độc lập thực sự chứ chưa nói tới việc đầu tư ra nước ngoài. Hay vấn đề xuất khẩu lao động chẳng hạn, đó là điều cần thiết nhưng đến lúc nào đó phải xuất khẩu nguồn nhân lực trình độ cao chứ không phải đi lao động phổ thông như hiện nay.
Cuối cùng, quan trọng nhất là ai được thụ hưởng thành quả của hội nhập, của đổi mới, có phải toàn dân không, bất công xã hội còn không? Tất nhiên, chúng ta chia sẻ với nhà nước, đây là công việc rất khó nhưng cái khó nhất chính là làm sao cho người dân hiểu được nhà nước và nhà nước hiểu được dân. Chúng ta hay dùng nguyên lý "ý Đảng, lòng dân" nhưng đôi khi ta phải nói "ý dân, lòng Đảng". Cũng như có một thời chúng ta nói "nước giàu, dân mới mạnh" nhưng dân giàu thì nước mới mạnh được, việc giải quyết các mối quan hệ đó rất quan trọng trên con đường phát triển sao cho hài hoà và hội nhập được với thế giới hiện đại.
Xin cảm ơn ông!