Chiều 7/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức chương trình tọa đàm “Góp ý Đề án tổ chức bộ máy, hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam và Kế hoạch thực hiện Kết luận 93-KL/TW ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 42 ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị”.
|
Chương trình tọa đàm do PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch VUSTA và ThS Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký VUSTA chủ trì điều hành. |
Trước, trong và sau khi tổ chức chương trình tọa đàm, các đại biểu đều nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 và tuân thủ “5K”.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch VUSTA cho biết, VUSTA là tổ chức chính trị xã hội của đội ngũ trí thức Khoa học Công nghệ, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng.
Theo tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của VUSTA trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Nghị quyết Đạo hội đại biểu toàn quốc VUSTA lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015 – 2020) thì tới năm 2020 phải xây dựng VUSTA trở thành tổ chức chính trị xã hội vững mạnh; thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Liên hiệp Hội ở Trung ương và địa phương; thực hiện Thông báo số 158-TB/TW ngày 2/1/2020 của Ban Bí thư thì phải xác định các nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao cho Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại Công văn số 7042-CV/VPTW ngày 29/6/2018 của Văn phòng Trung ương, Đảng đoàn VUSTA thấy rằng, việc xây dựng “Đề án về tổ chức bộ máy, hoạt động của VUSTA” theo sự chỉ đạo của Ban Bí thư là việc làm cấp bạch và cần thiết.
|
PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch VUSTA phát biểu khai mạc tọa đàm.
|
“Mục tiêu của đề án là xây dựng Liên hiệp Hội ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tổ chức chính trị xã hội thực sự vững mạnh về tổ chức và hoạt động với bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam” - PGS.TS Phạm Quang Thao cho biết.
Phó Chủ tịch VUSTA cũng thông tin đến chương trình tọa đàm về kế hoạch tổ chức quán triệt và thực hiện Kết luận số 93-KL/TW ngày 20/11/2020 của Ban Bí thứ “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của VUSTA trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
|
GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng đóng góp ý kiến.
|
GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó chủ tịch VUSTA cho biết, Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị đã khẳng định VUSTA là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ, vì vậy cần phải nhận thức rõ ràng về vai trò của trí thức và tổ chức của trí thức.
“Xã hội tương lai là xã hội của trí thức. Cách mạng công nghiệp 4.0 chỉ là mở đầu cho nền kinh tế tri thức... cho nên, vai trò của trí thức rất lớn, là lực lượng phát triển xã hội. Đội ngũ đã quan trọng thì tổ chức phải quan trọng. Do đó, VUSTA phải là nơi tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh của trí thức” - GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng nói và đề nghị cần phải có một Nghị quyết của VUSTA.
|
BS Đỗ Thị Vân đóng góp ý kiến.
|
BS Đỗ Thị Vân, Ủy viên Hội đồng Trung ương VUSTA cũng khẳng định: “Chỉ thị 42 không chỉ khẳng định vị trí vai trò của VUSTA với tư cách là tổ chức chính trị xã hội của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, mà còn là sự đòi hỏi với những giải pháp cụ thể để VUSTA đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động. VUSTA đã có chương trình hành động triển khai thực hiện Chỉ thị 42, đã xây dựng chiến lựơc phát triển VUSTA qua nhiều giai đoạn và đã đạt được nhiều kết quả hoạt động trên tất cả các mặt: Phát triển tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đặc biệt là các hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đã thể chế hóa và sửa đổi bổ sung, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Liên hiệp Hội Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng đối với VUSTA được tăng cường...”.
BS Đỗ Thị Vân cũng đã tham gia đóng góp ý kiến về đề án tổ chức bộ máy, hoạt động của VUSTA khi cho rằng: “Phần thực trạng nên viết ngắn gọn. Nhiều nội dung cần xúc tích, cụ thể và có nhiều số liệu để thể hiện thành quả của VUSTA”.
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội đông y Việt Nam; TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA khóa VII; TS Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm UBKT VUSTA khóa VII; TS Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng VUSTA và nhiều đại biểu khác đã có những ý kiến đóng góp vào Đề án tổ chức bộ máy, hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam và Kế hoạch thực hiện Kết luận 93-KL/TW ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 42 ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị.
Kết luận chương trình, PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch VUSTA xin ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu và sẽ sớm bổ sung, hoàn thiện đề án để trình Ban Bí thư.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Đại hội Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam: Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh
Hiểu Lam