Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi “Toàn thể dân tộc Việt Nam hãy cùng chung sức đồng lòng vượt qua mọi khó khăn thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19”.
Đồng nghĩa với việc Việt Nam chính thức bước vào những ngày tháng lịch sử cao điểm “Toàn dân kháng chiến” chống dịch COVID-19.
Một trong những thời khắc quan trọng trong “cuộc chiến” trên chính là việc từ 0h ngày 1/4/2020, Việt Nam chính thức cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc để phòng, chống COVID-19.
Đây là một trong những biện pháp cấp bách trong “thời điểm vàng”, “giờ vàng” phòng, chống dịch COVID-19 được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong Chỉ thị số 16.
Cách ly toàn xã hội là hành động cần thiết để ngăn chặn hiệu quả việc lây lan ra cộng đồng trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát trên phạm vi toàn cầu làm hơn 85 vạn người mắc, gần 4,2 vạn người tử vong ở trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ở Việt Nam, số ca mắc đang tăng nhanh từng ngày và có nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng. Dự báo, dịch bệnh sẽ lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước.
|
Từ 0h ngày 1/4/2020, Việt Nam chính thức cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc để phòng, chống COVID-19. Ảnh: VOV |
Vậy, cách ly toàn xã hội là gì... có hoang mang như người dân nghĩ?
Theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Cách ly toàn xã hội được thực hiện theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh. Phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Như vậy, cách ly toàn xã hội không phải là phong tỏa đất nước. Hiện nay, Việt Nam chưa thực hiện phong tỏa hay áp dụng lệnh giới nghiêm như một số quốc gia đã làm bởi Chính phủ vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Việc cách ly toàn xã hội là để bảo đảm giãn cách xã hội, ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Đồng thời, việc thực hiện mới chỉ dừng lại ở thuyết phục, vận động nhân dân tự giác chấp hành đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình và gia đình mình.
Như lời Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Người phát ngôn Chính phủ “đây là những dự lệnh, những khuyến cáo, hạn chế, yêu cầu mà lãnh đạo Chính phủ đưa ra, chưa phải lệnh cấm”.
Tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, Chính phủ sẽ đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu ở mức độ phù hợp. Dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, các yêu cầu, chỉ đạo sẽ ở cấp cao hơn. Nếu dịch vẫn tiếp tục diễn biến xấu, lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng thì phải có sắc lệnh cao hơn và nghiêm ngặt hơn nữa. Nhưng muốn thực hiện hiệu quả các giải pháp đó, phải chuẩn bị và “đi từng bước”.
Theo đó, Chỉ thị nhằm tiếp tục đưa ra các giải pháp mạnh để hạn chế tiếp xúc đông người, ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh, nhưng chưa phải là lệnh cấm người dân ra đường.
Nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh có thể hiểu người dân nên hạn chế tiếp xúc, qua lại thăm hỏi giữa gia đình này với gia đình kia, người dân thôn bản này hạn chế sang thôn bản khác, người dân địa phương này hạn chế sáng địa phương khác.
Việc này để hạn chế đến mức tối đa người bị bệnh không tiếp xúc với người lành, hạn chế tối đa việc người lành tiếp xúc người bệnh để dịch không lây từ người này sang người khác, không lây từ vùng này sang vùng khác.
Người dân cũng cần lưu ý không tập trung quá hai người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng và cần chú ý giữ khoảng cách 2 m khi tiếp xúc để hạn chế việc tiếp xúc với nhau để tránh lây lan dịch bệnh. Đồng thời, vẫn có thể ra ngoài mua thực phẩm và những vật dụng cần thiết nhưng cần hạn chế tối đa ra ngoài khi không cần thiết.
Ngoài ra trong thời gian cách ly xã hội, các cửa hàng bán đồ thiết yếu vẫn hoạt động. Các nhà máy vẫn sản xuất nhưng phải có phương án bảo vệ công nhân, người lao động. Xe cá nhân vẫn được di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác nhưng phải thật cần thiết, nếu không, người dân không nên rời khỏi nhà, nơi đang cư trú.
|
Nguồn Vietnam+ |
Đồng thời, với Chỉ thị 16, Thủ tướng giao trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị để giám sát và xử lý những hiện tượng này. Thủ trưởng cơ quan nào để đơn vị mình quản lý có người bị lây nhiễm Covid-19 do thả lỏng quản lý, để cán bộ đi tụ tập thì người đứng đầu đó phải chịu trách nhiệm. Bởi với những nhà máy, công xưởng có hàng chục nghìn lao động, chỉ cần lơi lỏng, không kiểm sát tốt, để xảy ra 1 trường hợp lây nhiễm cũng phải đóng cửa ngay lập tức, tránh lây nhiễm chéo và lây lan ra cộng đồng.
Trong thời điểm này, người dân không nên đổ xô đi mua hàng hoá, bởi Thủ tướng mới đây đã nhấn mạnh yêu cầu về bảo đảm lương thực dư dả cho 100 triệu dân, không chỉ đủ ăn mà còn dự trữ và thực hiện các nhiệm vụ khác như hỗ trợ gạo để trồng rừng, học sinh miền núi…Bộ Công thương và các địa phương cũng cam kết đảm bảo cung cấp đủ hàng hoá cho người dân.
Điều đó cho thấy, cách ly toàn xã hội không có gì đáng lo ngại, hoang mang. Có thể trong thời gian cách ly toàn xã hội, người dân, doanh nghiệp có thể sẽ khó khăn, cuộc sống, công việc không thoải mái nhưng để chiến thắng đại dịch COVID-19, tất cả người dân phải đồng thuận, tuân thủ chấp hành. Sự đoàn kết toàn dân ở thời điểm này sẽ giúp Việt Nam chiến thắng đại dịch.
>>> Mời độc giả xem video Thực hiện cách ly toàn xã hội 15 ngày
Tâm Đức