Xây dựng hình ảnh, thu hút tuyển sinh
Đó là chia sẻ của phó hiệu trưởng một trường đại học ngoài công lập tại TPHCM có quy mô khoảng 40.000 sinh viên.
Theo vị này, mỗi lần lên kế hoạch tài chính năm học, chương trình khai giảng, chào tân sinh viên, nhạc hội sinh viên là khoản chi luôn được cân nhắc kỹ lưỡng.
"Biết là tốn kém nhưng vẫn làm để đáp ứng nhu cầu và mong mỏi của sinh viên. Trường ngoài công lập vốn yếu thế hơn trường công lập nên muốn thu hút sinh viên phải chăm sóc các em thật tốt, tạo nên sự khác biệt", vị này cho biết.
Lãnh đạo này nói rằng nếu trường ngoài công lập không nghĩ ra cách đáp ứng mong mỏi của sinh viên, tạo môi trường mới lạ cho các em trải nghiệm chỉ trong vòng 5 năm tới, nhiều đơn vị không trụ nổi bởi không có gì cạnh tranh với trường công cả.
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM "quẩy" hết mình trong một đêm nhạc với nhiều ca sĩ tham dự (Ảnh: HUTECH).
"Vài năm trở lại đây, đến trường công cũng rầm rộ tổ chức chào tân sinh viên, mời dàn ca sĩ nổi tiếng về để đáp ứng mong mỏi của người học. Trong khi, trường công sẽ được giá cát-xê mềm hơn nhiều, các chính sách hỗ trợ, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực sẽ vượt trội hơn", phó hiệu trưởng nêu trăn trở.
Là trường có lượng sinh viên lớn, nhiều người trưởng thành và nổi tiếng nhưng phó hiệu trưởng cho biết không phải cựu sinh viên nào cũng sẵn sàng giảm giá cho trường cũ.
Nhiều ca sĩ, người nổi tiếng dù là cựu sinh viên hay có mối quan hệ nhưng cũng khó giảm giá. Bởi ai cũng có quan hệ, giảm được một đơn vị thì đơn vị khác cũng mong muốn giảm.
"Khi đề cập giảm giá, họ từ chối ngay từ đầu với lý do bị trùng lịch. Hoặc cách khác là ủy quyền cho người quản lý chứ không làm việc trực tiếp. Khi làm việc với quản lý thường không có ưu đãi nào", vị này cho hay.
Song, với trường này có quy mô khoảng 40.000 sinh viên, nếu chia số tiền theo từng người sẽ không phải quá lớn, nhưng với trường nhỏ sẽ khó khăn.
Không nên tạo gánh nặng lên học phí
Trong bối cảnh các trường đại học chủ yếu sống bằng học phí, nhiều ý kiến bày tỏ việc tổ chức hoạt động trải nghiệm cho sinh viên nhưng cần tiết kiệm bởi chung quy lại kinh phí cũng lấy từ học phí của sinh viên.
Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TPHCM) - nói rằng ông nhận ra học sinh, sinh viên rất yêu thích, mong muốn được trực tiếp nghe, giao lưu cùng thần tượng.
Thế nên khi biết tâm tư ấy, ông cố gắng tìm cách mời ca sĩ ấy về trường. Tuy nhiên, ông cho rằng không phải trường nào cũng chịu nổi chi phí và không phải ca sĩ nào cũng nhận lời.
"Tùy theo tên tuổi của ca sĩ mà chi phí khác nhau. Nhà trường cần lượng sức mình để làm sao cho hợp tình. Lễ hội vừa vui vừa tiết kiệm. Nếu làm mà tốn kém nhiều cũng không nên", ông Phú nói.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - nhấn mạnh tới việc không nên tạo áp lực học phí lên vai sinh viên, phụ huynh.
Đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều mảnh đời, ông Dũng cảm nhận sâu sắc nỗi vất vả của phụ huynh để lo cho con ăn học đại học.
"Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như ngày nay, các trường cần thắt lưng buộc bụng và nâng cao ý thức tiết kiệm. Tôi cho rằng những gì rườm rà, lãnh phí thì nên cắt bỏ, chắt chiu từng ly từng tý để hỗ trợ học phí cho sinh viên. Thậm chí, đi xin doanh nghiệp để giúp sinh viên nghèo", ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng phản đối việc tăng học phí trong năm học này và các hình thức lạm thu, quy định ra đủ các khoản thu kỳ quặc mà không ít trường đại học "vẽ ra" hiện nay.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định Trịnh Hữu Chung bày tỏ mong muốn các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng có thêm nhiều chương trình mang ý nghĩa cộng đồng và xã hội hơn.
Theo ông Chung, nghệ sĩ nổi tiếng có sức ảnh hưởng nhất định đến sinh viên nói riêng và người trẻ nói chung.
"Tôi kỳ vọng các nghệ sĩ sẽ dành nhiều thời gian, tình cảm, ưu đãi cho các trường đại học, tổ chức các chương trình miễn phí hướng đến đối tượng này nhiều hơn nữa.
Đây cũng là cách thể hiện trách nhiệm xã hội và xứng đáng với tình cảm, danh xưng "idol" - thần tượng - mà sinh viên dành cho họ", ThS Trịnh Hữu Chung chia sẻ.
Theo Hoàng Hoàng/ Dân Trí