Điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe
Theo Nghị định số 123/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người điều khiển phương tiện không xuất trình được Giấy phép lái xe (GPLX) sẽ bị xử phạt với các mức tương ứng, cụ thể:
Khi điều khiển xe 2 bánh dung tích xy-lanh dưới 175cc bị phạt tiền 1-2 triệu đồng, tăng 200.000 - 800.000 đồng so với Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Khi điều khiển xe 2 bánh dung tích xy-lanh từ 175cc trở lên bị phạt tiền 4-5 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Khi điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô bị phạt tiền 10-12 triệu đồng, tăng 6 triệu đồng so với Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Trong trường hợp có GPLX nhưng người điều khiển xe không mang theo khi tham gia lưu thông, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt 100.000 - 200.000 đồng đối với xe máy, phạt 200.000 - 400.000 đồng đối với ô tô và các loại xe tương tự ô tô.
Sử dụng giấy phép lái xe hết hạn
GPLX của ôtô (hạng B1, B2, C...) được giới hạn thời gian sử dụng và phải cấp lại sau 5 năm hoặc 10 năm theo quy định. Tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định 2 mức phạt dành cho lỗi sử dụng GPLX hết hạn.
Theo đó, khi sử dụng GPLX hết hạn dưới 3 tháng, người điều khiển xe bị phạt tiền từ 5-7 triệu đồng. Khi sử dụng GPLX hết hạn từ 3 tháng trở lên, người điều khiển sẽ bị phạt tiền 10-12 triệu đồng.
So với mức phạt quy định tại nghị định 100/2019/NĐ-CP trước đây, lỗi vi phạm này đã rút ngắn thời gian dùng GPLX hết hạn từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Mức phạt tiền cũng tăng nhiều lần, từ mức 400.000 - 600.000 đồng lên mức 5-7 triệu đồng và từ 4-6 triệu đồng lên 10-12 triệu đồng.
Hành vi che biển số
Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt của hành vi gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển như sau:
Đối với xe 2 bánh phạt tiền 300.000 - 400.000 đồng.
Đối với ôtô và các loại xe tương tự ôtô phạt tiền 4-6 triệu đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện hoặc chủ phương tiện buộc phải lắp hoặc thế biển hoặc khôi phục lại biển số theo quy định.
Sử dụng điện thoại khi đang lái xe
Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng đối với hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang lái ô tô. Đối với người điều đang điều khiển xe máy sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) sẽ bị phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Chuyển làn không có tín hiệu báo trước, không xi-nhan
Đối với ô tô: Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng.
Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng nếu vi phạm trên đường cao tốc, đồng thời tước quyền sử dụng GPLX từ 1 - 3 tháng.
Đối với xe máy: Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.
Chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ
Phạt 800.000 - 1.000.000 đồng đối xe ô tô.
Phạt 400.000 - 600.000 đồng đối với xe máy.
Vượt đèn đỏ, đèn vàng
Phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng đối với ô tô (Điểm đ, Khoản 34, Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐCP sửa đổi và bổ sung mới từ Điểm a, Khoản 5, Điều 5, Nghị định 100). Đồng thời, tước quyền sử dụng GPLX từ 1 - 3 tháng hoặc từ 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn (Điểm b, c, Khoản 11, Điều 5).
Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với xe máy (Điểm g, Khoản 34, Điều 2 Nghị định 123, sửa đổi, bổ sung từ Điểm e, Khoản 4, Điều 6 của Nghị định 100). Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 1 - 3 tháng.
Đi sai làn, không đúng đúng phần đường hoặc làn đường quy định
Đối với xe ô tô:
Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng (Điểm đ, Khoản 5, Điều 5), tước GPLX từ 1 - 3 tháng.
Phạt tiền từ 10.000.000 - 12.000.000 đồng nếu gây tai nạn giao thông (Điểm a, Khoản 7, Điều 5), đồng thời tước GPLX từ 2 - 4 tháng.
Đối với xe máy:
Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng (Điểm g, Khoản 3, Điều 6).
Phạt tiền từ 4.000.000 - 5.000.000 đồng nếu gây tai nạn giao thông (Điểm b, Khoản 7, Điều 6) đồng thời tước quyền sử dụng GPLX 2 - 4 tháng.
Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "cấm đi ngược chiều"
Đối với xe ô tô:
Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng (Điểm c, Khoản 5, Điều 5), tước GPLX từ 2 - 4 tháng.
Phạt tiền từ 10.000.000 - 12.000.000 đồng nếu gây tai nạn giao thông (Điểm a, Khoản 7, Điều 5), tước GPLX từ 2 - 4 tháng.
Phạt tiền từ 16.000.000 - 18.000.000 đồng nếu đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc (Điểm a, Khoản 8, Điều 5), tước quyền sử dụng GPLX từ 5 - 7 tháng.
Đối với xe máy:
Phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng (Khoản 5, Điều 6), tước quyền sử dụng GPLX từ 1 - 3 tháng.
Phạt tiền từ 4.000.000 - 5.000.000 đồng nếu gây tai nạn giao thông (Điểm b, Khoản 7, Điều 6), tước quyền sử dụng GPLX 2 - 4 tháng.
Điều khiển xe chạy quá tốc độ
Đối với xe ô tô:
Không bị phạt nếu chạy quá tốc độ cho phép dưới 5 km/h (Điểm a, Khoản 3, Điều 5).
Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng nếu chạy quá tốc độ từ 05 đến dưới 10km/h (Điểm a, Khoản 3, Điều 5).
Phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng với trường hợp điều khiển ô tô chạy quá tốc độ quy định từ 10 đến dưới 20 km/h (theo Điểm đ, Khoản 34, Điều 2, Nghị định 123, sửa đổi và bổ sung mới từ Điểm i, Khoản 5, Điều 5 của Nghị định 100), tước GPLX từ 1 - 3 tháng.
Phạt tiền từ 6.000.000 - 8.000.000 đồng nếu chạy quá tốc độ từ 20 đến dưới 35 km/h (Điểm a, Khoản 6, Điều 5), tước GPLX từ 2 - 4 tháng.
Phạt tiền từ 10.000.000 - 12.000.000 đồng nếu chạy quá tốc độ trên 35 km/h (Điểm c, Khoản 7, Điều 5), tước GPLX từ 2 - 4 tháng.
Đối với xe máy:
Không phạt tiền nếu chạy quá tốc độ dưới 5 km/h.
Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng nếu chạy quá tốc độ từ 05 đến dưới 10 km/h (Điểm k, Khoản 34, Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung mới từ Điểm c, Khoản 2, Điều 6, Nghị định 100).
Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng khi vi phạm chạy quá tốc độ quy định từ 10 đến dưới 20 km/h (Điểm g, Khoản 34, Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung mới từ Điểm a, Khoản 4, Điều 6, Nghị định 100).
Phạt tiền từ 4.000.000 - 5.000.000 đồng nếu chạy quá tốc độ trên 20 km/h (Điểm a, Khoản 7, Điều 6), tước GPLX từ 2 - 4 tháng.
Theo Minh Tuệ/VTC News