Theo vệt nước còn in lại trên mặt đường quốc lộ, dấu vết của đoàn xe chở nặng, chúng tôi đã tìm ra được nguồn gốc xuất phát của đoàn xe quá tải. Theo một xe tải chở hàng, chúng tôi đã thâm nhập vào các công ty, bến cảng, kho bãi và phát hiện các đoàn xe chở quá tải có cả một dây chuyền tiếp tay.
Công ty phân bón tiếp tay cho xe quá tải
Ngày 16-8, theo xe chở hàng chạy tuyến Bà Rịa-Vũng Tàu đến Đắk Lắk, chúng tôi vào kho thành phẩm của Công ty Phân bón Việt Nhật ở Khu công nghiệp Gò Dầu (huyện Long Thành, Đồng Nai).
Sau khi hoàn thành các thủ tục đăng ký nhận hàng, tài xế đánh xe vào khu vực cổng bảo vệ để cân trọng lượng xe rồi chạy vào một kho thành phẩm của công ty để bốc hàng.
|
Chiếc xe chở khoảng 1.400 bao phân từ Công ty Việt Nhật ở Khu công nghiệp Gò Dầu (huyện Long Thành, Đồng Nai) và số liệu từ bàn cân hơn 86 tấn (ảnh nhỏ). |
Theo phiếu đăng ký thì chiếc xe này sẽ chở bốn loại phân bón với tổng trọng lượng xuất kho là 45 tấn. Rất nhanh chóng, tài xế được nhân viên của công ty thông báo đưa xe vào vị trí để lấy hàng. Tại đây, hàng chục nhân viên bốc xếp kết hợp với băng chuyền đưa 900 bao phân loại 50 kg/bao lên đầy ắp thùng xe.
Sau đó, tài xế phủ bạt rồi chạy ra ngoài bàn để cân và lấy phiếu trước khi rời kho. Quan sát của chúng tôi cho thấy cân của công ty thể hiện tổng trọng lượng của chiếc xe này là 65,5 tấn (quá tải gần 300% - PV).
Cũng tại đây, chúng tôi còn ghi nhận một xe thùng loại sáu chân biển số 50H-036.87 kéo rơmoóc 51R-338.22 đang được hơn 10 công nhân bốc hàng ngàn bao phân ở kho thành phẩm. Các công nhân này cùng băng chuyền hoạt động liên tục suốt 3 giờ đồng hồ mới xếp đầy ắp thùng xe.
Khi đầy hàng, chiếc xe chạy ra cân và số liệu bảng cân điện tử thể hiện tổng tải trọng là hơn 86 tấn.
Theo chân hai xe chở hàng quá tải trọng nói trên, chúng tôi ngạc nhiên là cả hai xe vẫn lưu thông hơn 400 km qua nhiều quốc lộ (QL) như QL51, QL1A, QL14 với nhiều chốt, trạm kiểm soát giao thông, thanh tra giao thông của các tỉnh, TP rồi về một kho chứa ở tỉnh Đắk Lắk mà không bị bất cứ sự kiểm tra, xử lý nào của lực lượng chức năng.
|
Xe rời công ty ở Đồng Nai, chạy qua nhiều nhiểu tỉnh và đến một nhà kho ở tỉnh Đắk Lắk mà không bị ai xử lý. |
Ngoài ra, trong những ngày theo dõi, chúng tôi cũng thu thập hàng loạt xe mang các biển số 60H-017... 60H-010.02… cũng chất đầy ắp hàng tương tự được công ty cho xuất kho.
Quá tải gần 300%
Chiều 16-8, tại cảng Nhất Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP Biên Hòa, Đồng Nai), chúng tôi chứng kiến các xe tải 49H-001.24, 49H-004.71, 60H-072.88, 49C-146.57 đang lần lượt lùi vào sát bờ sông Đồng Nai.
Sau đó, hàng chục công nhân leo lên thùng xe tải để bốc xếp, xe cần cẩu cũng bắt đầu hoạt động, áp sát tàu chở hàng đang neo đậu ở bờ sông để đưa hàng ngàn bao phân bón từ dưới thuyền lên thùng xe tải. Trong thời gian có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến các xe tải đều được chở đầy thùng.
Hình ảnh chúng tôi ghi được, hơn 1.000 bao phân đã được các công nhân xếp vun cao quá thành thùng hai lớp. “Xe này được chúng tôi xếp 1.300 bao” - một công nhân nói.Khoảng 15 giờ, xe tải 49H-001.24 do tài xế tên Trung điều khiển lùi vào sát bờ sông. Lúc này, cần cẩu khẩn trương chuyển hàng chục bao phân cùng lúc lên thùng xe, gần 10 công nhân lập tức vác và sắp xếp các bao phân ngăn nắp vào thùng.
Thùng xe vun hàng, tài xế Trung điều khiển xe ra gần cổng để phủ bạt. Tại đây, Trung cho biết xe vừa bốc hơn 65 tấn.
Tương tự, xe 49H-004.71 cũng được các công nhân xếp lên 880 bao. Các công nhân cho biết trong chiếc xe này đã có sẵn 20 tấn hàng. Như vậy sau khi nhận thêm 880 bao phân, chiếc xe này có tổng trọng lượng hơn 60 tấn.
Còn đối với xe 60H-072.88 cũng được các công nhân bốc xếp lên 900 bao, tương đương với trọng lượng 45 tấn.
|
Các công nhân ở cảng Nhất Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa) bốc xếp khoảng 1.300 bao phân (tổng tải trọng gần 80 tấn) lên xe tải 49H-001.24. |
Hoàn tất việc bốc xếp, các xe này đều nhanh chóng rời bãi. Chúng tôi bám theo các xe 49H-001.24, 49H-004.71 lưu thông trên QL1A và QL20 thì chứng kiến đoàn xe này đi ngang qua địa phận tỉnh Đồng Nai nhưng không bị đơn vị nào kiểm tra, xử lý.
Theo quan sát của chúng tôi, trong quá trình di chuyển, cả hai xe này đều phải nối ống bơm nước liên tục vào bánh xe, tạo thành một vệt nước liền mạch kéo trên QL. Chưa kể do chở quá nặng, bánh của xe tải còn phình to, như có thể nổ vỏ bất cứ lúc nào.
|
Xe 49H-001.24 chở quá nặng, phải bơm nước làm mát lốp tạo thành một vệt nước liền mạch trên quốc lộ và khi vào địa phận tỉnh Lâm Đồng thì bị CSGT kiểm tra. Ảnh: VÕ TÙNG - TỰ SANG. |
Theo một tài xế vận tải lâu năm, việc bơm nước vào bánh xe liên tục như vậy là áp dụng đối với các xe chở nặng. “Bơm nước để làm mát, tránh bánh xe bị nổ khi thắng” - tài xế này nói thêm.
Khoảng 1 giờ sáng 17-8, hai chiếc xe sau đó đi vào địa phận tỉnh Lâm Đồng. Khi vừa tới ngã ba Madagui (huyện Đạ Huoai), xe 49H-001.24 do Trung điều khiển bị lực lượng CSGT đang đi tuần tra dừng lại. Xe của Trung sau đó bị CSGT yêu cầu vào trạm CSGT để kiểm tra tải trọng.
Số liệu chúng tôi nắm được, chiếc xe trên có tổng trọng lượng gần 80 tấn, tức đã quá tải gần 300%. Lúc này, xe của Trung bị lập biên bản xử lý, yêu cầu hạ tải.
Kiểm soát tải trọng ngay từ nơi bốc xếp
Tháng 6, Bộ GTVT đánh giá một số địa phương vẫn còn xe kinh doanh vận tải chở hàng hóa, nguyên vật liệu quá khổ, quá tải, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Bộ GTVT yều cầu Sở GTVT các địa phương, các cơ quan trực thuộc bộ triển khai thực hiện cao điểm kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc.
Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra xe quá tải, các đơn vị phải tập trung kiểm soát các phương tiện vận tải ngay từ nơi bốc xếp hàng hóa, bỏ vật liệu.
Bộ GTVT yêu cầu các địa phương duy trì hoạt động các trạm kiểm tra tải trọng lưu động, rà soát hoạt động của cán bộ cân, kiểm tra tải trọng.
Bộ GTVT cũng giao cho Cục Đăng kiểm chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm thực hiện nghiêm kiểm định ô tô tải, đặc biệt phải kiểm tra kích thước thùng hàng khi kiểm định. Đồng thời phối hợp kiểm tra các phương tiện cơi nới thùng, xử lý những đăng kiểm viên vi phạm trong công tác đăng kiểm.
Theo TỰ SANG - VÕ TÙNG/PLO