Dự kiến phiên tòa sẽ được mở từ ngày 5/3, kéo dài đến ngày 29/4. HĐXX gồm Thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM làm chủ tọa, Thẩm phán Lê Công Huân và 3 Hội thẩm nhân dân.
Đại diện Viện KSND TP HCM tham gia phiên tòa gồm: ông Cao Anh Đức, ông Đặng Như Vĩnh, ông Vũ Mạnh Long, ông Vũ Tất Ba, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, bà Đặng Thị Hồng Thủy, ông Lưu Hoàng Tuấn, ông Nguyễn Đức Long, ông Ngô Phạm Việt, ông Nguyễn Hồng Hiệp.
Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đồng phạm bị đưa ra xét xử về các tội “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”, "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”...
|
Bà Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân. |
85 bị cáo khác gồm 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị VKSNDTC truy tố về các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng. Trong đó, 5 người là lãnh đạo SCB và các chi nhánh, hiện đã bỏ trốn.
Bị hại trong vụ án là Ngân hàng thương mại cổ phần SCB và bị cáo Trương Mỹ Lan. Trong đó bà Lan là bị hại liên quan đến hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, khi bà bị đại gia Nguyễn Cao Trí chiếm đoạt số tiền 1.000 tỷ đồng. Đối với quyền lợi của 42.000 nhà đầu tư mua trái phiếu của Vạn Thịnh Phát và SCB sẽ được giải quyết trong giai đoạn tiếp theo của vụ án.
Triệu tập hơn 2.400 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
TAND TPHCM triệu tập hơn 2.400 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đó là các cá nhân thuộc nhóm cán bộ SCB (316 người), nhóm người liên quan là các cá nhân đứng tên công ty, tên vay, đứng tên các tài sản thế chấp tại SCB thực hiện việc nộp, rút tiền (1.153 người), nhóm người liên quan là các pháp nhân thuộc nhóm đứng tên vay tiền, nhận tiền tại SCB (692 người), nhóm người liên quan là các cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước (42 người) và nhóm người liên quan khác (201 người).
Tòa cũng triệu tập một số người phiên dịch do bị cáo Chu Nap Kee Eric (chồng bà Lan) có quốc tịch Trung Quốc.
Gần 200 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp các bên liên quan. Trong đó, riêng bị cáo Trương Mỹ Lan có 5 luật sư bào chữa gồm: Luật sư Phan Trung Hoài, luật sư Phan Minh Hoàng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp, luật sư Giang Hồng Thanh và luật sư Trương Thanh Đức.
Chiếm đoạt 304.000 tỷ, gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng
Theo cáo trạng, hành vi của bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm bị đánh giá là có tổ chức với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.
Theo đó, với chủ trương lợi dụng hoạt động của ngân hàng để huy động vốn phục vụ kinh doanh cá nhân, từ năm 2011, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Dù không trực tiếp nắm quyền điều hành, bà Lan sở hữu 91,5% cổ phần của SCB thông qua các cá nhân khác. Sau khi thâu tóm thành công, bà Lan đã chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng phối hợp cùng cán bộ chủ chốt ở Vạn Thịnh Phát rút tiền của ngân hàng dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay được lập khống.
Bà Trương Mỹ Lan đã nhiều lần chỉ đạo rút tiền trước, hoàn thiện hồ sơ sau. Cáo trạng xác định trong 10 năm, từ năm 2012 đến 2022, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng đồng phạm đã được SCB giải ngân hàng nghìn khoản vay, với tổng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn hồ sơ khoản vay được lập khống, tài sản đảm bảo không đủ giá trị pháp lý. Tính đến tháng 10/2022, tổng dư nợ không có khả năng thu hồi là hơn 677.000 tỷ đồng; sau khi trừ đi các tài sản bảo đảm có giá trị, thiệt hại gây ra là hơn 498.000 tỷ đồng.
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc tham ô tài sản của SCB hơn 304.000 tỷ đồng, cùng với đó là hơn 129.000 tỷ đồng tiền lãi và chi phí phát sinh. Hành vi của bà Lan còn gây thiệt hại cho SCB hơn 64.600 tỷ đồng.
Số tài sản “khủng” bị kê biên
Để khắc phục hậu quả vụ án, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thu giữ vật chứng, tạm giữ nhiều tài sản “khủng” của bà Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm.
Trong đó, về tiền mặt, trong giai đoạn điều tra đã thu giữ 590 tỷ đồng và 15 triệu USD. Đây là số tiền thu giữ của bà Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân (cháu của bà Trương Mỹ Lan), tiền liên quan đến các giao dịch chuyển nhượng một số dự án bất động sản, tiền bà Lan giao cho người khác giữ và tiền gia đình các bị can nộp khắc phục hậu quả.
Trong giai đoạn truy tố, cơ quan điều tra tiếp tục thu giữ của các bị can 55 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn phong tỏa của bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm 42 tài khoản mở tại các ngân hàng với tổng số tiền gần 1.900 tỷ đồng và 8,5 triệu USD.
Cơ quan điều tra cũng tạm giữ 1.266 bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận công trình xây dựng; 1.784 bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; danh sách 269 nhà đất cho thuê và 21 hợp đồng công chứng, hơn 140 thỏa thuận bồi thường các thửa đất và các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc dự án Bắc Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM.
Cơ quan điều tra cũng đã kê biên 1.237 bất động sản liên quan trực tiếp đến bị can Trương Mỹ Lan; kê biên 61 bất động sản và ngăn chặn giao dịch 8 bất động sản của 7 bị can khác; kê biên 8 bất động sản của Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh tại tỉnh Quảng Ninh liên quan đến thỏa thuận hợp tác của bà Trương Mỹ Lan với Tập đoàn Tuần Châu, Quảng Ninh.
Cơ quan điều tra cũng ngăn chặn giao dịch của Công ty CP Sài Gòn Kim Cương đối với 9 tài khoản tại SCB với tổng số tiền là 790 tỷ đồng. Về cổ phần tại SCB và các công ty liên quan, cơ quan điều tra đã kê biên 858 triệu cổ phần SCB của bà Trương Mỹ Lan và các cá nhân đứng tên hộ bà Lan.
Kê biên gần 138 triệu cổ phần của 5 công ty gồm: Công ty cổ phần vận tải hàng không miền Nam, Công ty cổ phần đầu tư Satsco Miền Bắc, Công ty cổ phần đầu tư Satsco – Phú Quốc, Công ty cổ phần T&H Hạ Long và Công ty cổ phần địa ốc Đông Á; ngăn chặn 14.001 cổ phần của Công ty CP tư vấn dịch vụ về tài sản, bất động sản DATC của Đỗ Xuân Nam.
Cơ quan điều tra cũng kê biên 22 tài sản là phương tiện gồm: 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của bà Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân do các pháp nhân đứng tên và những đồ vật, tài liệu khác của bị can hoặc liên quan đến vụ án.
Trả lại, nộp khắc phục hàng nghìn tỷ đồng
Trong vụ án trên, quá trình điều tra, các cá nhân gồm bị can, người liên quan đã trả lại hàng nghìn tỷ đồng cho bà Trương Mỹ Lan.
Theo đó, sau khi bà Trương Mỹ Lan bị khởi tố, bắt tạm giam, ngày 23 - 25/10/2022, sau khi được công an mời làm việc, ông Tạ Hùng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Greenhill Village đã liên hệ và nộp toàn bộ số tiền đã nhận của bà Trương Mỹ Lan, trong đó có hơn 116,29 tỷ đồng (khoảng 4,75 triệu USD) và 9,75 triệu USD, tương đương tổng số tiền là 14,5 triệu USD. Số tiền này trước đó, theo thỏa thuận, bà Trương Mỹ Lan đưa 14,5 triệu USD (tương đương 350 tỷ đồng) cho Tạ Hùng Quốc Việt để nhận chuyển nhượng dự án Greenhill Quy Nhơn. Bà Lan khai, số tiền 14,5 triệu USD nói trên là của bà và tự nguyện sử dụng để khắc phục hậu quả đối với hành vi phạm tội trong vụ án.
Ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang bị cáo buộc chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan thông qua một số hợp đồng hợp tác đầu tư. Quá trình điều tra, ông Trí cùng gia đình đã nộp, trả lại cho bà Trương Mỹ Lan 1.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.
Ông Dương Tấn Trước, Tổng Giám đốc Công ty Tường Việt đã giúp sức, đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 4.752 tỷ đồng và lãi phát sinh hơn 605 tỷ đồng. Sau khi vụ án được khởi tố ngày 17/10/2022, ông Dương Tấn Trước và Công ty Tường Việt đã trả cho SCB hơn 813 tỷ đồng. Ông Trước cũng nhận của bà Trương Mỹ Lan hơn 2.697 tỷ đồng. Hiện ông Trước đã đưa lại cho bà Lan hơn 492 tỷ đồng, đến nay còn hơn 2.204 tỷ đồng. Ông Dương Tấn Trước xin tự nguyện trả lại toàn bộ số tiền cho bà Trương Mỹ Lan để khắc phục hậu quả vụ án. Thời điểm VKSND Tối cao hoàn tất cáo trạng, bị cáo đã nộp khắc phục hơn 52 tỷ đồng.
Ông Cao Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tường Việt bị cáo buộc gây thiệt hại cho SCB hơn 1.165 tỷ đồng. Ông Dũng còn nhận 36,5 triệu cổ phần SCB (tương đương 365 tỷ đồng) nhưng ông Dũng đã xin tự nguyện trả lại toàn bộ để khắc phục hậu quả vụ án.
Bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra - giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước đã nộp khắc phục 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm ngân hàng có tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước đã nộp 390.000 USD; bà Nguyễn Thị Phụng, cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II nộp 20.000 USD và 210 triệu đồng. Bị cáo Vương Đỗ Anh Tuấn, cựu Trưởng phòng Thanh tra thuộc Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II nộp 20.000 USD; Nguyễn Văn Thùy, cựu Phó Trưởng ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) nộp 21.000 USD và 60 triệu đồng; Lê Thanh Hà, cựu Phó chánh Thanh tra Kiểm toán Nhà nước, cựu Trưởng phòng Kiểm toán ngân hàng 1, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VII nộp 14.000 USD và 100 triệu đồng.
Trần Văn Tuấn, cựu thanh tra viên Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp thuộc Thanh tra Chính phủ nộp 6.000 USD và 40 triệu đồng; Nguyễn Tuấn Anh, cựu công chức Vụ Thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng trong nước thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước và Vũ Khánh Linh, cựu Phó trưởng phòng Thanh tra ngân hàng thương mại cổ phần (thuộc Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước nộp 100 triệu đồng; Nguyễn Duy Phương, cựu thanh tra viên Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp nộp 1.000 USD và 20 triệu đồng;
Nguyễn Văn Dũng, cựu Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM nộp 15.000 USD và 400 triệu đồng; Nguyễn Thị Phi Loan, cựu Phó chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM nộp 470 triệu đồng; Võ Văn Thuần, cựu Phó chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM nộp 1,85 tỷ đồng…
Trưởng đoàn thanh tra nhận hối lộ 5,2 triệu USD
Theo cáo trạng, để che giấu thực trạng yếu kém của SCB, giúp ngân hàng này thoát khỏi diện kiểm soát đặc biệt, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo thuộc cấp mua chuộc đoàn cán bộ thanh tra. Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho bà Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, số tiền 5,2 triệu USD. Cơ quan chức năng đánh giá, đây là khoản nhận hối lộ lớn nhất từ trước tới nay của các cựu quan chức.
Các cán bộ khác trong đoàn thanh tra nhận "quà" tổng số tiền gần 500.000 USD và 700 triệu đồng. Trong đó, ông Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan TTGSNH nhận 390.000 USD; Nguyễn Thị Phụng, Phó trưởng đoàn thanh tra nhận 20.000 USD và 210 triệu đồng, 1 đồng hồ, 1 túi xách và 1 chiếc khăn;
Các thành viên của đoàn là Vũ Khánh Linh, Nguyễn Tuấn Anh, Bùi Tuấn Khoa, nhận 100 triệu đồng; Vương Đỗ Anh Tuấn nhận 20.000 USD và 2 chiếc áo; Trần Văn Tuấn nhận 6.000 USD và 40 triệu đồng; Lê Thanh Hà nhận 14.000 USD và 100 triệu đồng; Nguyễn Duy Phương nhận 1.000 USD và 20 triệu đồng; Nguyễn Văn Thủy nhận 21.000 USD và 60 triệu đồng, 1 áo sơ mi, 1 áo phông, 1 hộp yến; Trương Việt Hưng nhận 6.000 USD.
Xét xử vắng mặt 5 bị cáo bỏ trốn
Trước phiên xét xử, TAND TPHCM từng phát đi thông báo kêu gọi 5 bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát đang trốn truy nã ra đầu thú để được hưởng khoan hồng.
Theo đó, 5 bị cáo hiện đang bị truy nã gồm: Đinh Văn Thành, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn – SCB; Chiêm Minh Dũng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB; Trầm Thích Tồn, thành viên HĐQT Ngân hàng SCB; Nguyễn Thị Thu Sương, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB; Nguyễn Lâm Anh Vũ, nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành Ngân hàng SCB.
Theo hồ sơ vụ án, 5 người trên đã xuất cảnh ra nước ngoài trước khi khởi tố bị can, hiện không xác định được các bị can trên đang ở đâu nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã.
TAND TPHCM kêu gọi 5 bị cáo trên ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo quyền bào chữa và tự bào chữa. Nếu các bị cáo không ra trình diện hoặc đầu thú thì coi như tự bỏ quyền tự bào chữa và bị xét xử vắng mặt.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bị bắt vì lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Hòa thượng “dởm” khai gì?
Tâm Đức