Cabin tập lái điện tử gần 500 triệu/cái: Có thiết thực hay...?

Google News

(Kiến Thức) - Được đánh giá là "công nghệ hiện đại" để "nâng cao chất lượng đào tạo lái xe ô tô" nhưng đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về sự thiết thực, tính hiệu quả của cabin tập lái điện tử.

“Mỗi học viên phải có tối thiểu 3 giờ tập luyện trên cabin tập lái điện tử”, đó là một trong những quy định trong chương trình đào tạo lái xe ô tô mới đang được dư luận quan tâm.
Nhiều câu hỏi được đặt ra về sự thiết thực của thiết bị công nghệ này cũng như hoài nghi về tính hiệu quả. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, một cabin tập lái điện tử có giá thành lên đến 500 triệu đồng/cái, trong khi cả nước có đến gần 400 cơ sở đào tại lái xe thì số tiền phải chi cũng lên tới gần 400 tỷ đồng, có là sự lãng phí?
Liệu có thiết thực, hiệu quả?
Cabin tập lái” là thiết bị tập lái 3D được mô phỏng đúng mô hình cabin điều khiển trên ô tô. Ngoài những thao tác khởi động, vào số và khởi hành… được thiết lập với cabin tập lái, các điều kiện đường sá, thời tiết, hay tình huống giao thông khác nhau cũng được cài đặt.
Khi tập luyện trên cabin tập lái điện tử, học viên sẽ được học những bài tập cơ bản như cách vận hành số xe, thực hành bài đề pa lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch. Ngoài ra, học viên cũng được làm quen với những bài tập nâng cao kỹ năng lái xe trên các địa hình như đường đồi núi, đường cao tốc, đường nội đô. Đồng thời, nâng cao được kỹ năng xử lý tình huống giao thông giả định bất ngờ.
Cabin tap lai dien tu gan 500 trieu/cai: Co thiet thuc hay...?
Việc trang bị thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe đây là một điều kiện kinh doanh bắt buộc đối với các cơ sở đào tạo lái xe nên nếu trung tâm nào không trang bị sẽ không được phép đào tạo lái xe ô tô.  
Cụ thể, khi điều khiển bằng cabin tập lái điện tử, học viên sẽ nhận được tín hiệu cảnh báo nếu điều khiển phương tiện đi sai làn đường, điều khiển xe đi vào làn đường dành cho người đi bộ, quên thắt dây an toàn và khi xảy ra tai nạn tự trang bị và nâng cao kỹ năng xử lý tình huống.
Thực tế, tại nhiều quốc gia trên thế giới mà cụ thể là Nhật Bản, Singapore đã áp dụng Cabin tập lái điện tử và được đánh giá rất hiệu quả.
Tại Việt Nam, cabin tập lái điện tử không còn quá xa lạ. Bởi từ những năm 2001, Bộ GTVT đã có quy định các cơ sở đào tạo lái xe ô tô đã phải trang bị cabin điện tử cho phòng học kỹ thuật lái xe. Tuy nhiên sau đó, quy định sau đó về đào tạo lái xe lại bỏ yêu cầu trang bị cabin điện tử.
Theo các chuyên gia về giao thông đánh giá, thiết bị tập lái 3D sẽ mang lại nhiều tiện ích, thiết thực khi được triển khai. Bởi thiết bị này đã được tích hợp, giúp người sử dụng nhận biết được các yếu tố cơ bản về địa hình, tình huống giao thông,..
Đánh giá tổng quan cho thấy, cabin tập lái có ưu điểm là tiết kiệm nhiên liệu trong đào tạo, hơn nữa sẽ giúp học viên làm quen các thao tác kỹ năng, khi lên xe thật không còn bỡ ngỡ. Thực tế hiện này, khi chưa áp dụng thiết bị này thì học viên khi mới làm quen đều phải học quay vô lăng trong chiếc xe ô tô cũ, nóng bẩn và bất tiện.
Một hữu ích khác chính là sự an toàn khi học viên lần đầu được tiếp cận và tập làm quen với các thao tác trên xe. Bởi trước đây việc đào tạo lái xe chỉ chủ yếu trong trong sân tập lái hoặc thực tế trên đường nhưng khi được trang bị thiết bị mô phỏng thì học viên sẽ được cảm nhận chuẩn xác các yếu tố về địa hình, thời tiết, tình trạng giao thông.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, bởi từ trước đến nay, dù đã từng được triển khai nhưng vẫn chưa có một nghiên cứu nào được công bố về tính hiệu quả của cabin tập lái điện tử với chất lượng đào tạo lái xe ô tô từ thực tế.
Trong khi đó, có ý kiến băn khoăn về khả năng mô phỏng của thiết bị so với thực tế có giống nhau hay không? Cảm giác khi quay tay lái, đạp phanh, thậm chí cảm giác ngồi trên xe ô tô thực tế với cabin điện tử có giống nhau hay không? Nếu cảm giác lái không giống nhau thì cũng là một vấn đề đáng để lưu tâm khi áp dụng đại trà và khiến mục tiêu "nâng cao chất lượng đào tạo lái xe ô tô" bằng thiết bị công nghệ vẫn bị bỏ ngỏ.
…Hay chiêu trò “móc túi” học viên
Dự kiến tới đây, các trung tâm đào tạo lái xe sẽ phải đầu tư “cabin cầm lái” để phục vụ công tác đào tạo. Trong đó theo quy định, mỗi học viên sẽ có 3 giờ thực hành trên “cabin cầm lái”. Như vậy, đối với cơ sở đào tạo có 1.000 học viên, số lượng cabin cần đầu tư cần khoảng 3 chiếc.
Tuy nhiên, giá một cabin tập lái hiện nay được cho là đắt đỏ khi lên đến 500 triệu đồng/ 1 cái. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện có gần 400 cơ sở đào tại lái xe. Tính bình quân mỗi cơ sở đào tạo lái xe trang bị từ 2 đến 3/cái thì số tiền phải chi cũng lên tới trên dưới 400 tỷ đồng. Bỏ ra một số tiền không hề nhỏ, trong khi hiệu quả khi đưa vào hoạt động vẫn còn là một câu hỏi thì rõ ràng, đó cũng là một vấn đề cần sự tính toán.
Thực tế hiện nay, dù chỉ còn khoảng hơn 8 tháng nữa, quy định trên sẽ được triển khai rộng rãi. Tuy nhiên đến nay, nhiều trung tâm đào tạo lái xe vẫn còn bỡ ngỡ với thiết bị này. Thậm chí có trung tâm khi được hỏi ý kiến còn cho rằng, mô hình đó dù được đánh giá là "công nghệ hiện đại" để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe nhưng mô hình này có hiệu quả khi áp dụng thực tế hay không thì lại là vấn đề khác bởi giáo trình dạy học đã được thiết lập hàng chục năm nay thì để phù hợp là không dễ dàng.
Việc trang bị thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe đây là một điều kiện kinh doanh bắt buộc đối với các cơ sở đào tạo lái xe nên nếu trung tâm nào không trang bị sẽ không được phép đào tạo lái xe ô tô. Do vậy, nhiều cơ sở đào tạo lái xe buộc phải chấp hành nhưng chi phí đầu tư thiết bị đó bằng cách này hay cách khác sẽ “đổ” lên đầu học viên.
Trong khi đó thực tế nội dung sát hạch thực hành lái xe không thay đổi. Học viên hứng thú học trên cabin tập lái hay trên xe thực tế cũng là một vấn đề ảnh hưởng đến hiệu quả bởi khi bắt buộc phải học mà không hứng thú thì liệu có làm quen, tiếp thu được những kỹ năng hay không? Bởi vậy, có ý kiến cho rằng, việc sử dụng cabin điện tử hay không không nên bắt buộc mà để các cơ sở đào tạo lái xe tự lựa chọn hình thức phù hợp để mang lại hiệu quả trong quá trình đào tạo.
Dù biết rằng, việc trang bị phần mềm và thiết bị mô phỏng lái xe vào quy trình đào tạo là một giải pháp để các cơ quan chức năng đổi mới công tác sát hạch lý thuyết và thực hành; góp phần nâng cao chất lượng chương trình dạy học, giúp nâng cao trình độ của học viên cũng như tăng nhận thức cho lái xe về an toàn giao thông. Tuy nhiên, để có hiệu quả khi triển khai, các cơ quan chức năng cần đánh giá lại các phần mềm của thiết bị, tính năng và công bố những phần mềm và thiết bị mô phỏng nào sẽ được áp dụng kèm những hướng dẫn cụ thể đến các cơ sở đào tạo lái xe, tránh tình trạng bỏ hàng trăm tỷ ra nhưng hiệu quả không được như mong muốn thì đó là sự lãng phí.
Tâm Đức