Cà phê trộn ruột pin để làm giả... tiêu hột?

Google News

Theo cơ quan chức năng, chủ thu mua nông sản trộn cà phê với pin "lý giải" do kinh doanh kém hiệu quả nên trộn vỏ cà phê với pin và đá nhuyễn nhằm...làm giả hồ tiêu để xin vay tiền ngân hàng.

“Liên quan đến vụ việc cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông) sử dụng phế phẩm cà phê trộn với pin, cơ quan chức năng đang điều tra và xác minh mục đích của việc làm trên”.
Sáng 20/4, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết thông tin trên.
Yên tâm thưởng thức cà phê
PV đặt câu hỏi: “Trước đây cơ quan chức năng phát hiện heo chứa tồn dư thuốc tăng trọng, giờ lại phát hiện cà phê trộn với pin. Ông có cho rằng thực trạng an toàn thực phẩm (ATTP) nước ta ngày càng phức tạp?”.
Ông Tám cho rằng trộn phế phẩm cà phê với pin chỉ là trường hợp cá biệt. Do vậy, không thể nói nông sản nước ta mất an toàn. “Hiện cơ quan chức năng giám sát khá chặt hoạt động nuôi trồng, chế biến nông sản. Do vậy, người tiêu dùng hãy an tâm với sản phẩm nông sản nước nhà. Tuy nhiên chúng ta không chủ quan vì hiện vẫn còn không ít cơ sở chạy theo lợi nhuận nên làm ăn gian dối” – ông Tám nói.
PV đặt tiếp câu hỏi: “Vậy liệu phế phẩm cà phê trộn với pin hiện có mặt ngoài thị trường không?”. Ông Tám trả lời: “Hiện cơ quan chức năng đang điều tra và chủ cơ sở vẫn chưa khai báo mục đích trộn phế phẩm cà phê và pin để làm gì. Cho nên chúng ta chưa thể kết luận sản phẩm pha trộn nói trên có làm thức uống cho người hay không. Chúng ta hãy đợi kết luận của cơ quan chức năng”.
PV đặt thêm câu hỏi: “Việc cà phê trộn pin khiến nhiều người ngần ngại sử dụng. Vậy Bộ NN&PTNT làm gì để người tiêu dùng an tâm tiếp tục dùng cà phê?”.
“Trước hết phải nói vụ việc xảy ra ở tỉnh Đắk Nông thật đáng tiếc. Tuy nhiên, khi chưa có kết luận của cơ quan điều tra là phế phẩm cà phê trộn với pin được dùng vào mục đích gì thì chúng ta không vì trường hợp cá biệt này mà quay lưng với sản phẩm cà phê. Đặc biệt cà phê có nguồn gốc rõ ràng. Hơn nữa, hiện cơ quan chức năng kiểm soát tương đối tốt chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường” – ông Tám cho biết.
Vỏ cà phê trộn với pin và đá nhuyễn để làm giả… tiêu hột. Ảnh: Báo Dân Trí.
Làm giả tiêu hột để vay tiền?
“Tôi là người tham gia xử lý vụ việc liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Loan từ đầu nên nắm thông tin rất kỹ” - ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Đắk Nông, nói.
Theo ông Chương, ngày 15-4, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh này kiểm tra cơ sở thu mua nông sản của bà Loan. Cơ quan chức năng ghi nhận cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với ngành nghề là kinh doanh nông sản.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận cơ sở trộn vỏ cà phê với than pin và đá nhuyễn có kích thước 0,5-1 mm rồi cho vào máy bê tông quay đều. Sau khi hỗn hợp nói trên thành màu đen, cơ sở cho vô máy sấy khô rồi đóng thành bao khoảng 50 kg. Tổng cộng trong kho khoảng 20 tấn sản phẩm nói trên. “Cơ quan chức năng còn phát hiện tại cơ sở có khoảng 35 kg vỏ pin. Chưa hết, sau khi kiểm tra khu vực chứa chất thải, cơ quan chức năng phát hiện thêm 192 kg vỏ pin nữa” – ông Chương cho biết.
Sau đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Đắk Nông mời vợ chồng bà Loan cùng một người khác lên Công an tỉnh Đắk Nông khai báo vụ việc. Tuy nhiên, cả ba người chưa khai vỏ cà phê trộn đá nhuyễn và pin để làm gì. “Họ chỉ khai lòng vòng với nội dung do cơ sở kinh doanh kém hiệu quả nên làm như thế (trộn vỏ cà phê với pin và đá nhuyễn – PV) làm giả hồ tiêu (tiêu hột – PV) để xin vay tiền ngân hàng” – ông Chương cho biết thêm.
“Tới thời điểm này, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định cơ sở bà Loan trộn vỏ cà phê với pin và đá nhuyễn nhằm mục đích gì. Điều đáng nói khi kiểm tra cơ sở nhà bà Loan, cơ quan chức năng không phát hiện dụng cụ dùng rang, xay cà phê. Cơ quan chức năng cũng không phát hiện bao bì cà phê, kể cả sản phẩm cà phê” – ông Chương nói.
Theo Trần Ngọc/Pháp luật TP HCM