Cả nước xảy ra 10 vụ ùn tắc giao thông kéo dài

Google News

Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong ba tháng đầu năm 2017, cả nước xảy ra 10 vụ ùn tắc giao thông kéo dài, chủ yếu ở Hà Nội, TP.HCM và quốc lộ 1A.

Chiều 4/4, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ quý 1 và triển khai nhiệm vụ quý 2/2017.
Theo Bộ GTVT, trước tình trạng ùn tắc giao thông đang có chiều hướng gia tăng, ngay trong tháng 1, Bộ đã phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các bộ, ngành liên quan tham mưu Thủ tướng chủ trì 2 buổi làm việc với lãnh đạo Hà Nội và TP.HCM.
Hai buổi làm việc nhằm đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông đang có chiều hướng gia tăng tại 2 thành phố.
Ngay sau buổi làm việc, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để giảm ùn tắc như đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm, triển khai các cửa thu phí không dừng tại các trạm thu phí BOT.
Ca nuoc xay ra 10 vu un tac giao thong keo dai
Cổng vào sân bay Tân Sơn Nhất được xem là điểm đen ùn tắc giao thông. Ảnh: Lê Quân. 
Bộ yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đường sắt đô thị; đẩy mạnh xã hội hóa xe buýt, triển khai xây dựng các tuyến buýt nhanh, quy hoạch tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định bằng ôtô.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, tình hình giảm ùn tắc giao thông có tiến triển tốt, nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước vẫn còn xảy ra 10 vụ ùn tắc giao thông kéo dài. Các vụ ùn tắc kéo dài chủ yếu là trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM và quốc lộ 1A.
Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM còn tồn tại một số điểm ùn tắc giao thông phức tạp, kéo dài tại các tuyến đường kết nối với đầu mối giao thông lớn.
Tại TP.HCM, điểm đen ùn tắc giao thông tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Tại Hà Nội là các nút giao chưa có cầu vượt giữa đường trục hướng tâm và các tuyến đường vành đai, các đoạn tuyến có công trình giao thông thi công kéo dài, tổ chức giao thông chưa hợp lý.
Các hoạt động lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, hè phố, lòng lề đường để kinh doanh, trông giữ phương tiện, đỗ xe trái phép... cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng ùn ứ giao thông cục bộ trong các đô thị.
Theo Bộ GTVT, so với năm 2016, tai nạn giao thông 3 tháng đầu năm nay giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, người chết và bị thương.
Tuy nhiên, trên cả nước xảy ra một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực đường sắt, đường bộ và hàng hải gây tổn thất về người và tài sản. Đây là thực trạng cần phải hạn chế tối đa trong thời gian sắp tới.
Theo Văn Chương/Zing News