Chiều 5/9, ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, nhà đầu tư hệ thống buýt sông, cho biết do cơ sở hạ tầng các bến bãi vẫn đang trong quá trình thi công nên dự án buýt sông phải tiếp tục dời lại.
Ông Toản cho biết, nếu các công trình bến bãi hoàn thành thì giữa tháng 8 công ty sẽ tiến hành chạy thử, kiểm tra kỹ thuật các tàu. Sau khi chạy thử, kiểm tra khoảng 1 đến 1,5 tháng, công ty sẽ khai trương, đưa vào khai thác buýt sông phục vụ người dân thành phố.
|
Lộ trình tuyến buýt sông số 1 từ bến Bạch Đằng về Thủ Đức. Đồ họa: Minh Trí.
|
Dự án tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) có chiều dài 10,8 km, từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn, qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn, đến khu vực phường Linh Đông (quận Thủ Đức).
Toàn tuyến sẽ có 12 bến, trong đó 9 bến chính thức và 3 bến bổ sung đi qua các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức. Nhà đầu tư sử dụng 5 tàu, mỗi tàu 80 chỗ, trong đó 4 tàu vận chuyển thường xuyên và 1 tàu dự bị.
Theo nhà đầu tư, khi đưa vào khai thác, nếu tính cả đón trả khách, buýt đường sông chỉ cần 30 phút là hoàn thành lộ trình, bằng 2/3 so với buýt đường bộ trên cùng một tuyến. Dự án do Công ty TNHH Thường Nhật làm chủ đầu tư với hình thức BOT.
Lộ trình cụ thể của tuyến buýt số 1: Bến số 1 (Bạch Đằng, quận 1) - bến số 2 (Sài Gòn Pearl, quận Bình Thạnh) - bến số 3 (Bình An, quận 2) - bến số 4 (Thảo Điền, quận 2) - bến số 5 (Tầm Vu, quận Bình Thạnh) - bến số 6 (Thanh Đa, quận Bình Thạnh) - bến số 7 (Bình Triệu, quận Thủ Đức) - bến số 8 (Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) - bến số 9 (Bình Quới, quận Thủ Đức).
Ngoài ra, theo kế hoạch, tuyến buýt sông số 2 dự kiến khởi công năm 2018 với hải trình Bạch Đằng - Lò Gốm (quận 8), dài khoảng 10,3 km, đi theo sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ.
Hai tuyến buýt sông số 3 (từ bến Bạch Đằng đi mũi Đèn Đỏ, quận 7) và tuyến số 4 (từ bến Bạch Đằng đi Phú Mỹ Hưng, quận 7) cũng đã được TP phê duyệt.
Theo Phước Tuần/Zing.vn