Sáng nay 21/8, Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư dự án bus đường sông) đã tổ chức hạ thủy vận hành kỹ thuật tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy (Saigon Waterbus). Đây là tuyến bus đường sông đầu tiên ở TP HCM với tuyến số 1 từ bến Bạch Đằng (quận 1) về bến Linh Đông (quận Thủ Đức) với lộ trình 10,8km, đi qua 9 bến.
Theo chủ đầu tư, dự án tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn TP HCM nhằm mục tiêu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thành phố. Đồng thời, thu hút, khuyến khích nâng cao thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tạo sự đồng bộ, đa dạng hóa các loại hình giao thông công cộng, góp phần giải tỏa tình trạng ùn tắc giao thông, phát triển lĩnh vực vận tải hành khách bằng đường thủy và du lịch đường thủy trên địa bàn TP HCM.
|
Tuyến bus sông được đánh giá khả thi khi đưa vào hoạt động tại TP HCM. |
Người dân TP HCM rất háo hức và phấn khởi khi tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy đi vào hoạt động. Tuy nhiên, tuyến bus này có góp phần giảm ùn tắc cho giao thông thành phố hay chỉ đơn thuần đáp ứng thị hiếu của khách đi tham quan, vãn cảnh? PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội xung quanh sự kiện này.
Rất phù hợp để thu hút khách du lịch
Tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn TP HCM vừa được đưa vào hoạt động. Tuy loại hình vận tải đường thủy này không mới trên thế giới nhưng khi áp dụng và đưa vào hoạt động tại TPHCM lại khiến người dân thành phố háo hức đón nhận. Là một chuyên gia giao thông, ông đánh giá thế nào về loại hình vận tải khá thú vị này?
Ông Bùi Danh Liên: Tuyến bus đường sông đầu tiên ở TP HCM, tôi đánh giá là rất khả thi khi đưa vào hoạt động. Bởi địa hình TP HCM có các con sông bọc quanh và chạy giữa thành phố, có rất nhiều sông, lạch cắt ngang, cắt dọc, cự ly đi là tương đối xa. TP HCM khai thác thế mạnh địa hình về đường thủy này là rất khả quan. Đặc biệt với những ưu thế như vậy, rất thuận lợi cho khai thác du lịch đường thủy. Bên cạnh đó, người dân TP HCM rất hiếu động, họ đi đường bộ chán thì đi đường thủy để ngắm cảnh. Đó cũng là sự khêu gợi tâm lý đi du lịch của người dân. Hơn nữa, phong cảnh hai bên bờ sông của TP HCM khép kín có nhiều quang cảnh tương đối đẹp. Bởi TP HCM giáp bờ sông, ngồi bên thuyền ngắm sông nước mênh mông, trời xanh, nhà cửa cao tầng, qua nhiều cầu, gợi phong cảnh tương đối đẹp. Bởi vậy nên khuyến khích.
Không chỉ có vậy, du lịch của TP HCM nên mở rộng xuống phía Tây Nam Bộ, đưa khách du lịch về miệt vườn, chợ nổi...phục vụ trong nước và ngoài nước.
Mời độc giả xem clip bus đường sông ở TPHCM: (Nguồn: VTC14)
Không khả thi về kỳ vọng giảm ùn tắc giao thông thành phố
Có nhiều ý kiến cho rằng, tuyến bus đường thủy sẽ giúp TP HCM giảm ùn tắc ở các tuyến đường trên đất liền, ông nghĩ sao về điều này?
Ông Bùi Danh Liên: Nếu cho rằng, tuyến bus này góp phần giải tỏa tình trạng ùn tắc giao thông thì tôi không nghĩ vậy. Tôi cho rằng, vận chuyển khách để giảm ùn tắc là không khả thi bởi nhu cầu người dân khi sử dụng phương tiện phải đi nhanh. Nên nghĩ rằng đó chỉ là mục tiêu phụ chứ không nên kỳ vọng quá nhiều. Dù biết rằng, ở New York, thành phố đông dân nhất của Mỹ, tuyến buýt đường thủy đã giúp giảm đáng kể áp lực giao thông tại đây, theo cơ quan đường thủy thành phố nhưng ở Việt Nam có nhiều điểm khác biệt. Dù sao mình cũng phải động viên, khuyến khích các mô hình vận tải hành khách mới như thế này, kể cả khách du lịch. Đó là hình thức rất sáng tạo dù trên thế giới nhiều nơi cũng đã triển khai nhưng không phải nơi nào cũng thành công. Tùy theo địa hình, tâm lý của người dân.
|
Ông Bùi Danh Liên. |
Cần chú ý đảm bảo an toàn khi vận chuyển hành khách
Khi đưa tuyến bus đường thủy vào hoạt động tại Thành phố HCM, điều ông băn khoăn nhất là gì?
Ông Bùi Danh Liên: Tôi cho rằng công tác đầu tiên là phải kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện bởi nhiều lần xảy ra tai nạn trên biển, trên sông rồi. Sở GTVT TP HCM phải thường xuyên kiểm tra. Chủ đầu tư phải chú trọng việc đảm bảo an toàn kỹ thuật cho mỗi chiếc tàu, cần chú ý sự thích hợp với thời tiết bán nhật triều tại Việt Nam và chú ý đảm bảo an toàn khi tàu cập bến liên tục.
Cần phải chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, lái tàu phải hiểu kỹ thuật, hành khách phải trang bị đầy đủ áo phao, trước khi lên tàu phải phổ biến cho khách các quy trình an toàn và ứng phó với các sự cố và có thuyền nhỏ để thoát hiểm...
Hà Nội có nên áp dụng đưa tuyến bus đường thủy vào hoạt động?
Có ý kiến băn khoăn, nếu loại hình tuyến bus đường sông hoạt động có hiệu quả tại TP HCM thì có nên áp dụng tại Hà Nội?
Ông Bùi Danh Liên: Hà Nội mà đưa tuyến bus đường thủy vào hoạt động sẽ khó có khả thi. Mình so sánh với sông Hồng tại Hà Nội thì sông Hồng chạy thẳng. Hơn nữa, ở Hà Nội thì người dân đi đường bộ gần hơn. Cùng với đó, xung quanh sông Hồng chỉ có bãi sậy với lại cỏ lau, chuối...không thích hợp cho tham quan ngắm cảnh. Bên cạnh đó, Hà Nội mở tuyến trên sông Tô Lịch không khả thi bởi nước sông đen bẩn, hôi thối, sông lại hẹp, phong cảnh lại không có gì để thu hút khách.
Xin cảm ơn ông!
Hải Ninh