Hoạt động cả ngày lẫn đêm
Hoạt động buôn bán hàng đông lạnh, nội tạng tiềm ẩn nguy hại sức khỏe người tiêu dùng PV đề cập ở kỳ trước (số 4, Báo NTNN ra ngày 5.1) chỉ là một góc khuất buôn lậu ở Lạng Sơn. Những ngày có mặt ghi nhận tại các khu vực xung quanh cửa khẩu quốc tế ga đường sắt Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị (huyện Cao Lộc), cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam (huyện Văn Lãng) chúng tôi không khó để bắt gặp hàng trăm lượt “xe bay” vận chuyển hàng lậu cả ngày lẫn đêm.
|
Một “cửu bay” đang vận chuyển hàng lậu tại thị trấn Đồng Đăng (ảnh cắt từ clip) |
“Xe bay” hay còn gọi “cửu bay” là những gã cửu vạn ăn mặc kín mít sử dụng xe máy chở hàng lậu cồng kềnh, phóng vun vút trên đường từ biên giới về nơi tập kết. Theo quan sát, hoạt động buôn lậu diễn ra khá rầm rộ. Hàng lậu sau khi lén qua đường biên, được tập kết tại các ngôi nhà cấp 4 sát khu vực biên giới.
Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu lợi dụng địa hình phức tạp mang vác hàng lậu qua đường mòn, đường tránh biên giới. Sau đó, sử dụng hóa đơn bán hàng để hợp thức hóa hàng lậu vận chuyển bằng ôtô khách, xe tải nhỏ, xe môtô theo Quốc lộ 4B, 1A về nội địa tiêu thụ. Chúng tôi đã phát hiện xử lý nhiều trường hợp vi phạm”.
Ông Nguyễn Văn Trường - Quyền Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trưởng tỉnh Lạng Sơn
“Cai cửu” C tiết lộ, những cái tên như thị trấn Đồng Đăng, xã Tân Mỹ, Bảo Lâm, Thụy Hùng là những trạm trung chuyển hàng lậu lý tưởng. Ở Tân Mỹ, hàng trăm ngôi nhà cấp 4 đóng cửa kín mít, nằm san sát kéo dài hàng km tạo lên vỏ bọc khéo léo. Còn tại Bảo Lâm, Thụy Hùng vốn nằm gần các cửa khẩu lại cách Quốc lộ 1A không xa thuận tiện cho việc “tuồn” hàng vào nội địa.
Tại thị trấn Đồng Đăng, nhiều kho hàng lậu ẩn mình xen kẽ các khu dân cư xung quanh khu vực bến xe, ga Đồng Đăng. Bất kể ngày hay đêm, mỗi khi có “tín hiệu thông đường” từ đội ngũ “chim lợn” (chuyên cảnh giới các lực lượng chống buôn lậu), hàng trăm chiếc xe máy túa đi các ngả nhận hàng. Những bọc hàng lậu to kềnh được chất lên xe, các “cửu bay” lao đi với tốc độ kinh hoàng về phía thị trấn Đồng Đăng và các điểm tập kết lân cận.
Những ngày cuối năm, tình trạng buôn lậu có xu hướng gia tăng trở lại. Khu vực biên giới xung quanh cửa khẩu Cốc Nam, Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma diễn biến phức tạp. Trên các đường mòn, hàng chục đầu nậu ém hàng ngày đêm chỉ chờ thời cơ thuận lợi lập tức “xua quân” “cõng” hàng vượt biên. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là đồ gia dụng như chăn màn, nồi cơm điện, quần áo cho tới gia súc, gia cầm.
Như một ngày cuối tháng 12, lô hàng lậu gồm 9.000 ấm điện siêu tốc, 2.000 nồi cơm điện bị bắt giữ tại cửa khẩu Hữu Nghị. Mới đây, ngày 25.12, hàng chục tấn hàng giả vận chuyển trên tàu DD06 bị lực lượng chống buôn lậu tỉnh Lạng Sơn bắt giữ tại cửa khẩu quốc tế ga Đồng Đăng. Trước đó, ngày 25.8, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn bắt giữ vụ vận chuyển hàng lậu gồm 600kg nầm lợn nhập lậu hôi thối, đổi màu và 700 quả trứng gà vịt ung thối. Số hàng này được tập kết ở xã Phú Xá, huyện Cao Lộc. Sau đó, trên đường vận chuyển về Hà Nội thì bị bắt.
Tổ chức tinh vi
Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Lạng Sơn (PC 46), trong năm 2016, các đơn vị nghiệp vụ, công an huyện, thành phố đã phát hiện và bắt giữ: 314 vụ buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu và gian lận thương mại, thu giữ hàng hóa trị giá khoảng 16 tỷ đồng; 101 vụ vận chuyển gia cầm, sản phẩm động vật nhập lậu, thu khoảng 30.085.840kg sản phẩm động vật chế biến sau giết mổ nhập lậu, khoảng hơn 200.000 con gia cầm giống...
Để có được những chuyến “xe bay” vận chuyển hàng lậu trót lọt, những đầu nậu ở Lạng Sơn đã tổ chức hoạt động thành những “guồng máy” tinh vi. Mỗi đầu nậu muốn “đánh hàng” trót lọt đều phải nuôi đội quân cửu vạn: Gồm cai cửu, cửu vạn (cửu vạn đi bộ cõng hàng qua biên và “cửu bay” chuyển hàng về nơi tập kết).
Đặc biệt, “chim lợn” là một thành phần quan trọng trong hàng ngũ giới buôn lậu. Đám này có nhiệm vụ theo dõi các lực lượng chống buôn lậu, “canh đường” cho hoạt động vận chuyển hàng lậu diễn ra thuận lợi.
Nhắc đến cửu vạn, thường là những người địa phương có hoàn cảnh khó khăn, được các chủ lậu tuyển thuê. Ở các khu vực vùng biên có đến hàng trăm cửu vạn tham gia vận chuyển hàng lậu. Họ hoạt động dưới sự quản lý chặt chẽ của các “cai cửu”. Mỗi khi cần vận chuyển hàng, đầu nậu sẽ thông tin cho cai cửu điều động “quân” thực hiện.
Muốn trở thành cửu vạn chuyển hàng lậu không phải việc dễ dàng. Với những người mới bước chân vào nghề phải có sự giới thiệu, bảo lãnh từ “ma cũ” mới nhận được cái gật đầu của cai cửu. Thông thường, cửu vạn được trả công từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng mỗi chuyến cõng hàng, tùy vào khối lượng và giá trị hàng hóa. Cửu vạn mới thường phải đặt cọc tiền hàng, nếu đánh mất hàng sẽ bị khấu trừ hoặc lấy công bù lại. Bởi thế, khi bị lực lượng chức năng ngăn chặn các đối tượng thường chống trả quyết liệt…
Có lẽ nhàn hạ hơn cửu vạn là cánh “chim lợn” chuyên thực hiện nhiệm vụ cảnh giới, báo hiệu “thông đường”. Mức lương của các “chim lợn” được đầu nậu trả không dưới 3 triệu đồng/tháng.
Đội quân này rất hùng hậu phân chia vai trò khác nhau. “Có 3 loại chim lợn, chim lợn nhà chuyên ngồi trước các cửa nhà theo dõi các lực lượng chức năng; chim lợn đường chuyên dùng xe máy lượn lờ trên các ngả đường để quan sát, cảnh giới. Còn lại là chim lợn núi, họ ngồi trên các mỏm núi theo dõi, “canh gác” cho đám cửu vạn chuyển hàng qua biên.
Cánh chim lợn luôn kè kè máy bộ đàm hoặc điện thoại di động bên người. Họ rất thính và cảnh giác chỉ cần phát hiện người lạ, bóng dáng lực lượng chống lậu lập tức thông tin được phát đi. Toàn hệ thống tạm ngừng hoạt động cho đến khi “chim lợn” phát tiếp tín hiệu “an toàn”. Ai không biết nhìn vào tưởng họ đi đường, hay ngồi uống nước chơi thực chất họ đang làm cả đấy. M.K đợt này gần tết nhà báo lên viết bài nhiều, đám chim lợn lúc nào cũng phải trông chừng căng thẳng”-H – một “cai cửu” bạn của C bỗ bã…
Tìm hiểu, đội ngũ chim lợn hoạt động chuyên nghiệp đến mức, bố trí người túc trực theo dõi trước cửa trụ sở các lực lượng phòng chống buôn lậu như Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Hải quan các cửa khẩu…
Theo Phú Lãm/Dân Việt