Bức tử thai nhi: Nỗi ám ảnh từ những cuộc giải cứu

Google News

Sau khi bị đặt thuốc kích đẻ, thai nhi 7 tháng tuổi bị đẩy dần ra khỏi tử cung người mẹ. Mắt bé vẫn mở và ọ ẹ cất tiếng...

Sau khi bị đặt thuốc kích đẻ, thai nhi 7 tháng tuổi bị đẩy dần ra khỏi tử cung người mẹ. Mắt bé vẫn mở và ọ ẹ cất tiếng khóc chào đời. Hộ sinh Luyến vội vã tiến hành các thủ thuật sơ cứu để duy trì sự sống rồi chờ thời điểm phù hợp để "tuồn" bé ra ngoài cho đội cứu hộ.


Nạo phá cả ca thai 30 tuần tuổi

Trong bài viết trước, Báo Lao Động đã phản ánh tình trạng phá thai trái phép với những ca thai to trên 22 tuần tuổi (tức 5 tháng rưỡi) đã bị pháp luật nghiêm cấm, đang diễn ra khá phổ biến tại một số phòng khám trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, Phòng khám Phương Thanh (85 Giải Phóng, Hà Nội) do ông Võ Thuỷ Phương làm chủ được coi là "đen nhất" trong các "địa chỉ đen" với số lượng khoảng 15 ca mỗi tháng.

Hộ sinh Nguyễn Thị Luyến (đã đổi tên - PV), người từng có thời gian làm việc 2 năm tại Phòng khám Phương Thanh đã rút gan ruột kể cho phóng viên Lao Động nghe về những ký ức ám ảnh tại phòng khám này.

Theo lời nữ hộ sinh này, cô bắt đầu vào làm ở Phòng khám Phương Thanh (85 Giải Phóng) từ năm 2018. Ban đầu, công việc chính là đón tiếp bệnh nhân và phục vụ bác sĩ siêu âm. Theo Luyến, chỉ một tuần sau đó, sự thật được phơi bày: Phòng khám này chuyên phá những thai to từ 15 tuần đến 27 tuần.

Buc tu thai nhi: Noi am anh tu nhung cuoc giai cuu

Nữ hộ sinh Luyến luôn cảm thấy ám ảnh vì khoảng thời gian làm việc tại phòng khám Phương Thanh. 

Lúc đó, Luyến muốn xin nghỉ nhưng lại kết nối được với 1 đội từ thiện chuyên cứu các thai nhi nên đã quyết định ở lại làm việc với mong muốn giải cứu các thai nhi xấu số. Luyến kể, do bị ám ảnh và thường xuyên bị chủ phòng khám là ông Võ Thuỷ Phương gây áp lực không cho cứu các bé khiến nữ hộ sinh này phải xin nghỉ việc hồi đầu năm 2020.

Theo nữ hộ sinh, Phòng khám Phương Thanh một tháng thường sẽ có hàng chục ca phá thai, trong đó có trên 10 ca là thai to (từ 5 tháng rưỡi trở lên), chỉ may mắn cứu sống được 1 - 2 bé.

Chị Luyến cho biết, vì ông Phương - chủ phòng khám thường thực hiện các thủ thuật khiến các bé ngừng phát triển từ trong bụng mẹ. Có trường hợp may mắn bé ra vẫn còn sống, ông ấy để vào khay và vứt trong nhà vệ sinh, hoặc cho vào túi đen vứt ở một góc. Không được sơ cứu kịp thời, chỉ lúc sau thì các bé đã mất.

"Tôi nhớ lần gần nhất trước khi tôi nghỉ là ca thai 30 tuần (7,5 tháng). Ca này tôi tiên lượng là bé sẽ sống 100% và đã gọi bên từ thiện là đúng 7h tối phải đến đón bé. Sau đó, tôi đã đánh lừa ông ấy lên trên phòng để tôi ở lại đỡ và cứu các con.

Nhưng hôm đấy, bất thình lình ông ấy xuống. Và khi thai ra thì mắt bé vẫn còn mở, ọ ẹ khóc. Tôi mới giằng lấy bé để ôm và hô hấp cho con thì ông ấy không cho tôi làm. Tôi gắt lên là giờ bé còn sống như thế này chả lẽ bác lại để cho bé mất thì ông ấy bảo đấy không phải việc của cháu. Sau đó tôi vội bế bé chạy xuống tầng 1. Ngay lúc đấy các chị bên từ thiện kịp sang và đưa bé đi", nữ hộ sinh kể và cho biết sau đó cô bị ông Phương chửi mắng thậm tệ, bắt làm bản kiểm điểm.

Buc tu thai nhi: Noi am anh tu nhung cuoc giai cuu-Hinh-2

Bác sĩ Võ Thủy Phương thực hiện thủ thuật phá thai tại phòng khám của mình. 

Theo chị Luyến, ngoài nguồn nhận chính là sản phụ tại số 85 Giải Phóng, ông Phương còn nhiều "chân rết" là các phòng khám ở dốc sản phụ (gần Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), Thái Thịnh (Đống Đa). Mỗi ca thai to được đưa đến từ các phòng khám "chân rết", ông Phương đều "lại quả" đàng hoàng.

Dù đã nghỉ việc, nhưng đến thời điểm này, nữ hộ sinh Luyến vẫn bị ám ảnh bởi hình ảnh các thai nhi xấu số đã không được cứu sống sau mỗi ca phá thai từ ông Phương - chủ phòng khám.

Ám ảnh đêm đón xác bé 8 tháng tuổi

Cũng trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Mạnh - người đã từng nhiều lần giải cứu nhiều thai nhi (còn sống hoặc đã mất) từ phòng khám của ông Võ Thuỷ Phương - cho biết đã bắt đầu công việc giải cứu thai nhi từ năm 2017.

"Chúng tôi thường giải cứu các thai to (thai có tuần tuổi lớn) từ các phòng khám khu vực đường Đê La Thành (Hà Nội), đường Giải Phóng (Hà Nội). Nhiều nhất là phòng khám số 85 Giải Phóng do bác sĩ Võ Thuỷ Phương làm chủ. Tôi không thể nhớ đã cứu bao nhiêu ca ở đó", anh Mạnh cho biết.

Một ngày cuối năm 2019, khi đang đi làm, Mạnh nhận được cuộc gọi của hộ sinh cho biết phòng khám 85 Giải Phóng có ca thai 32 tuần tuổi (8 tháng tuổi) chuẩn bị phá nên đã xin nghỉ làm để đi giải cứu bé.

Buc tu thai nhi: Noi am anh tu nhung cuoc giai cuu-Hinh-3

Thành viên Nhóm cứu hộ thai nhi Hà Nội trong buổi phỏng vấn. 

Nhóm của Mạnh ngồi trà đá gần Bệnh viện Bạch Mai từ chiều cho đến đêm. Khoảng 12h đêm, Mạnh được các chị hộ sinh cho vào bên trong tầng 1 phòng khám để đợi bé ra.

"Đợi được một lúc, tôi có nghe thấy tiếng bé ọ ẹ khóc chào đời trên tầng 3 nhưng đợi mãi không thấy các chị hộ sinh bế bé xuống như mọi lần. Tôi nhắn tin không thấy nhắn lại. Đến tầm gần 1h sáng thì tôi nhận được điện thoại của chị hộ sinh nói, bé đã chết rồi. Sau đó bạn y tá đã đưa xác của em bé cho tôi để mang về chôn. Những hình ảnh về bé tôi vẫn giữ lại, quá ám ảnh và tàn nhẫn, không thể tưởng tượng nổi", anh Mạnh kể. 

Theo anh Mạnh, trong các trường hợp các bé may mắn được cứu sống thì sẽ được ở bệnh viện có các bác sĩ, y tá, điều dưỡng chăm sóc. Đến khi các bé đủ điều kiện để xuất viện thì thành viên đội giải cứu sẽ phải tìm và liên hệ bố hoặc mẹ bé để làm xét nghiệm hoặc có thể nhận nuôi lại các con. Có rất nhiều trường hợp bố mẹ phá thai đi rồi không biết là con mình còn sống sau khi được liên hệ thì họ đã đến nhận con. Lúc đó, cảm xúc của người mẹ đã trót 1 lần dại dột nên khi biết con vẫn còn sống họ rất vui và hạnh phúc.

"Có những trường hợp liên lạc không được, có những trường hợp mình phải thuyết phục họ cứ nhận con, có khó khăn thì sẽ trợ giúp. Tuy vậy, cũng có những người họ nói thẳng họ không nhận con, họ không liên quan, đó không phải con của họ. Thậm chí họ còn chửi chúng tôi nữa", Mạnh kể.

Theo Báo Lao Động