Bức thư thiêng dự cảm về cái chết của chiến sĩ Quảng Trị, chưa kịp gửi về gia đình trước ngày bước vào trận đánh cuối cùng khiến ai cũng phải rơi nước mắt.
"Quảng Trị ngày 11/9/1972
Toàn gia đình kính thương!
Hôm nay, con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng phòng khi đã đi nghiên cứu “bí mật trong lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột.
Mẹ kính mến!
Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm. Lòng mang nặng đẻ đau, giọt máu đào hơn ao nước lã, lá vàng còn ở trên cây – lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời. Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nổi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu đời mẹ đã khổ nhiều, nay bao hy vọng nuôi con khôn lớn, song vì đất nước có chiến tranh, thì mẹơi hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái ra đi. Bố con đã đi xa để lại cho mẹ biết bao khó nhọc, nay con đã đến ngày khôn lớn thì … Thôi nhé mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ Quốc mai sau."
"Em yêu thương!
Anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này vì biết bao nổi buồn đang đè nặng lên tấm thân người con gái trẻ tuổi như em. Nhưng em ơi hãy bình tĩnh làm theo lời anh căn dặn, còn ngày anh đi xa là ngày anh đề ngoài phong bì mà nhờ bạn anh gửi giúp. Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khoẻ tất cả những người quen thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hoà bình hãy nhớ tới lòng anh".
"Thầy mẹ kính mến!
Con mong thầy mẹ đừng buồn nhiều, mạnh khoẻ cho đời mãi mãi kéo dài đón mừng ngày thống nhất. Thầy mẹ ạ! Chúng con sống với nhau chẳng được bao lâu,thì nay đã… Chắc em nó buồn lắm, thầy mẹ động viên em thay con. Theo con đời em con trẻ lắm, nếu ai người ta thông cảm thầy mẹ động viên em nó nên đi thêm bước nữa. Cứ ngày này thầy mẹ hãy nhớ tới con. Thôi tất cả những gì đã qua là vào dĩ vãng, ra đi con mong thầy mẹ khoẻ, sống lâu mãi mãi. Cho con gửi lời chào bà, các cậu và họ hàng thân thuộc...
“Ngày thống nhất, em hãy vào Nam tìm anh. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh hy sinh. Từ thị xã, qua cầu ngược trở lại hỏi thăm đường về thôn Nhan Biều I. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì mộ anh ở cuối làng”.
|
Bức thư thiêng của chiến sĩ Huỳnh được trưng bày ở thành cổ Quảng Trị. |
Bức thư thiêng dự cảm về cái chết trên là của chiến sĩ Lê Văn Huỳnh. Khi đó anh là sinh viên năm thứ 4 trường ĐHXD Hà Nội, có vợ là Đặng Thị Xơ (cùng quê với anh). Sau khi cưới vợ được 6 ngày, chưa kịp có con thì tháng 5/1972 anh đã theo lệnh Tổng động viên vào tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Đầu tháng 9/1972 anh nhận được lệnh làm nhiệm vụ đưa hàng tiếp tế qua sông Thạch Hãn.
Như biết chắc rằng rồi đây mình sẽ hi sinh, anh đã bình thản làm cho mình một tấm bia bằng tôn ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán của mình. Sau đó anh viết thư vĩnh biệt gửi về cho gia đình.
Sau khi hoàn thành bức thư, 3 tháng 20 ngày sau tức ngày 2/1/1973 anh Lê Văn Huỳnh đã anh dũng hi sinh khi đang làm nhiệm vụ.
Vào năm 2002, hài cốt của anh đã được tìm thấy bên dòng sông Thạch Hãn ở thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong và được đưa ra an táng tại quê nhà.
Tương tự, một câu chuyện diễn ra tưởng là ngẫu nhiên nhưng lại chứa đựng bao dự cảm về tương lai của người lính năm xưa từng chiến đấu ở đây.
Chuyện rằng, khi nghiệm thu công trình đường ống dẫn nước trong khu Thành cổ thì gặp sự cố, có một chỗ đường ống bỗng nhiên cao hơn thiết kế đến 30cm. Người ta quyết định đào xuống và phát hiện dưới đó một căn hầm trú ẩn có bốn bộ hài cốt liệt sĩ. Trong những di vật quen thuộc của người lính thì súng đạn và áo quần, ba-lô đều han gỉ hoặc mục rữa, chỉ có lá thư và những tấm ảnh vẫn còn nguyên vẹn. Đó là di vật của liệt sĩ Lê Binh Chủng.
Anh Lê Binh Chủng quê ở Nghệ An, trên đường hành quân vào Nam chiến đấu, đơn vị anh dừng lại ở một làng quê thuộc huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Qua đó, anh quen và nảy sinh tình cảm với cô giáo Lê Thị Biển Khơi. Chưa kịp làm lễ cưới, chưa kịp báo tin cho gia đình thì Lê Binh Chủng vào Quảng Trị. Lá thư cuối cùng cô giáo Lê Thị Biển Khơi gửi cho anh ngày 15/5/1972, báo tin họ sắp có con. Anh đã dự định chờ ngày kết thúc chiến dịch để về thăm con cũng như thưa với bố mẹ hai nhà. Nhưng anh Lê Binh Chủng đã ra đi mãi mãi.
30 năm sau, bức thư, tấm ảnh của vợ mới được chuyển đến gia đình. Danh phận của một người vợ, một đứa con của liệt sĩ được "minh oan" bởi bức thư gửi về từ... lòng đất.
Thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm từ 28/6 đến 16/9 được ví như một túi bom. Trung bình mỗi ngày địch huy động 150-170 lần chiếc máy bay phản lực, 70 – 90 lần chiếc B52 để ném bom huỷ diệt thị xã và Thành Cổ Quảng Trị. Với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, trong 81 ngày đêm thị xã và Thành Cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sỹ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo. Theo thống kê của phòng quân lực, 80% chiến sỹ của ta đã hi sinh do sức ép của bom đạn, dù đang ngồi trong hầm cũng vỡ máu mũi, máu tai mà hi sinh.
>>> Mời quý độc giả xem video Hầm bí mật của Biệt động Sài Gòn (nguồn Youtube):
Theo VnTinnhanh