Vụ việc nhiều phụ huynh bức xúc về khẩu phần ăn bán trú “èo uột” tại trường Tiểu học Trần Thị Bưởi, quận 9, TP HCM thu hút sự chú ý của dư luận. Dư luận đặt câu hỏi nếu có việc bị tố cắt xén khẩu phần ăn, nhà trường và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống sẽ bị xử lý như thế nào?
|
Bữa ăn bán trú với khẩu phần ăn èo uột khiến các phụ huynh bức xúc. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, tình trạng nhà trường có tổ chức ăn bán trú cho học sinh nhưng chất lượng những bữa cơm này không xứng đáng với giá tiền mà phụ huynh đóng cho các con không phải là điều lạ nữa.
Theo luật sư Hoàng Tùng, nguyên nhân của sự việc này xuất phát từ rất nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu xuất phát từ sự tắc trách trong công tác quản lý từ phía ban giam hiệu, lòng tham của những người phụ trách dẫn đến những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn đến bữa trưa cũng không đảm bảo.
Về mặt pháp luật, các phụ huynh khi đóng tiền ăn cho các con hầu hết đã được thông báo về chất lượng khẩu phần ăn của các cháu. Do đó, trường hợp phát hiện con mình không được đảm bảo khẩu phần ăn như đã cam kết, phụ huynh hoàn toàn có quyền đưa ý kiến và yêu cầu phía nhà trường phải xử lý việc này.
Đối với vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, trường hợp các bếp ăn vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà trường có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Ngoài ra, đối với các gia đình có con bị ngộ độc, trường hợp chứng minh được nguyên nhân của việc ngộ độc là do thức ăn tại trường gây ra, có quyền yêu cầu nhà trường bồi thường khi sức khỏe của con bị xâm hại (theo quy định của BLDS) nhà trường phải chi trả các khoản như cấp cứu, chữa trị cho các cháu.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, trong sự việc này, Phòng GD&ĐT – cơ quan quản lý đối với trường tiểu học Trần Thị Bưởi phải nhanh chóng tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với việc ăn bán trú của học sinh tại trường học này. Đồng thời làm rõ, trường học này có vi phạm hay không? Có cắt xén khẩu phần ăn hay không? Và phải có biện pháp xử lý, răn đe trong trường hợp có vi phạm.
"Trẻ em là tương lai của đất nước, là đối tượng cần được quan tâm, chăm sóc và giáo dục. Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, an toàn vệ sinh thực phẩm là một phần rất quan trọng tròn sự phát triển của trẻ nhỏ. Do vậy, các cơ sở giáo dục có tổ chức ăn bán trú cho học sinh cần phải đảm bảo khẩu phần ăn cho các cháu đầy đủ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đừng vì chút lợi ích nhỏ mà làm hại và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Không những vậy, bất kỳ cơ sở sản xuất, cung cấp, kinh doanh thực phẩm nào cũng đều phải có tâm và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm” – luật sư Hoàng Tùng cho biết.
|
Luật sư Hoàng Tùng. |
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ nguồn gốc thực phẩm dùng để nấu ăn cho học sinh và khẩu phần ăn xem có đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm hay không để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong trường hợp kết luận của cơ quan chức năng cho thấy có việc bớt xén khẩu phần ăn của học sinh thì đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật.
Nếu có hành vi ăn chặn, bớt xén tiền ăn của học sinh với số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên và người bớt xén số tiền đó đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, lợi dụng vị trí công tác để chiếm đoạt, mưu lợi cá nhân, có thể xử lý hình sự về các tội phạm về chức vụ như tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản...
“Trong trường hợp này, người vi phạm sẽ bị cách chức, buộc thôi việc. Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ làm rõ để xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật đảm bảo trong sạch, lành mạnh môi trường giáo dục, đảm bảo an toàn và quyền lợi cho các em học sinh. Với những cán bộ không đủ năng lực trình độ, không có khả năng quản lý hoặc những cán bộ lợi dụng chức vụ quyền hạn để ăn chặn, ăn bớt của học sinh thì cần phải loại bỏ khỏi môi trường giáo dục” – luật sư Cường cho hay.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Trước đó, theo phản ánh của các phụ huynh học sinh, để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho con, họ đã lựa chọn suất ăn bán trú đến 30.000 đồng cho bữa trưa và bữa xế. Ngoài ra, phụ huynh còn trả tiền phục vụ bán trú 200.000 đồng/tháng/học sinh, phí phục vụ vệ sinh bán trú là 30.000 đồng/tháng/học sinh.
Tuy nhiên, khi kiểm tra tận mắt, bữa trưa ngày 22/10 chỉ lèo tèo vài miếng trứng chiên, canh và chuối. Đáng chú ý, ngày 30/10, khi thấy hóa đơn mua hàng của bếp ăn, phụ huynh ngã ngửa vì giá thực phẩm rẻ đến khó tin. Cụ thể, 1 kg giò sống được cung cấp vào trường chỉ có giá 64.000 đồng, 1 kg giò lụa giá 65.000 đồng. Trong khi ngoài thị trường, những thực phẩm này có giá ít nhất vài trăm nghìn đồng.
Bức xúc chưa dừng lại khi sáng 2/11, nhóm phụ huynh đi kiểm tra nguồn thực phẩm của bếp ăn thì thấy cà rốt thối rữa, rau héo úa. Do đó, nhiều phụ huynh cho rằng, chọn suất ăn có giá đắt nhất cho con nhưng thực tế bữa ăn ở trường không tương xứng với giá tiền phụ huynh đóng.
Tại buổi làm việc với các phụ huynh, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Thị Bưởi khẳng định nếu có ngộ độc thực phẩm xảy ra, trường sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời khẳng định “không có lợi ích nào ở đây”.
Sáng 2/11, Đoàn kiểm tra Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM đã tiến hành làm việc với trường Tiểu học Trần Thị Bưởi và Công ty CP thực phẩm Nidsan để kiểm tra an toàn thực phẩm theo thông tin của phụ huynh về chất lượng khẩu phần ăn.
Theo biên bản làm việc cho thấy, tại thời điểm kiểm tra, cơ sở xuất trình hợp đồng cung cấp suất ăn trường học, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Biên bản kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ngày 13/10 của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, kết quả chưa phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
Kiểm tra thực tế thực đơn khẩu phần ăn của các học sinh và chứng từ hóa đơn nguyên liệu cho thấy, hàng hóa nhập vào trường phù hợp. Thời điểm các học sinh ăn đúng với thực đơn của trường đã duyệt, ghi chép sổ 3 bước, lưu mẫu thực hiện theo quy định. Đoàn kiến nghị cơ sở chấp hành các quy định của pháp luật an toàn thực phẩm trong quá trình hoạt động kinh doanh, lưu giữ hồ sơ chứng từ có liên quan về an toàn thực phẩm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bộ GD-ĐT đề nghị thẩm định lại SGK Tiếng Việt 1
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.
Hải Ninh - Gia Đạt