Do tốc độ dân số tăng nhanh
Câu chuyện phụ huynh phải bốc thăm để cho con được vào học mầm non công lập trên địa bàn phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) gây ra những phản ứng trái chiều trên mạng xã hội trong những ngày qua.
Ngày 27/8, Trường mầm non Hoàng Liệt đã tổ chức bốc thăm tuyển sinh trẻ lớp 3 tuổi (sinh năm 2019) đăng ký xin học tại cơ sở Tứ Kỳ. Sau hơn 4 tiếng bốc thăm qua 2 vòng, 80 phụ huynh đã bốc thăm trúng tuyển, 96 phụ huynh phải ngậm ngùi ra về khi bốc phải phiếu: "Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường".
|
Phụ huynh bốc thăm để con được học tại trường mầm non Hoàng Liệt. |
Được biết, năm học này Trường mầm non Hoàng Liệt được giao chỉ tiêu tuyển sinh 559 học sinh. Trong khi 226 hồ sơ đăng ký lớp 5 tuổi đều được tiếp nhận, thì 713 hồ sơ đăng ký vào học lớp 3 - 4 tuổi chỉ có 333 trường hợp (chiếm 46%) có cơ hội nhập trường.
Đứng trước tình hình cung nhiều hơn cầu (có tới 380 học sinh có nguyện vọng học trường công lập không được đáp ứng), UBND phường Hoàng Liệt đã tổ chức gặp gỡ phụ huynh và phương án cuối cùng là tổ chức bốc thăm công khai.
Đích thân Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm đã đến kiểm tra công tác bốc thăm, gặp gỡ lắng nghe nguyện vọng của phụ huynh. Nhiều người đã phản ánh những khó khăn của phụ huynh khi cho con theo học các trường ngoài công lập, nhất là với những gia đình kinh tế khó khăn.
Hiện tại, trong 50 trường mầm non quận Hoàng Mai thì có 22 trường công lập, với hơn 13 ngàn học sinh (chiếm tỷ lệ 40%). 28 trường ngoài công lập có hơn 19.000 học sinh.
Tiếp xúc với các phụ huynh có nguyện vọng cho con vào học trường công lập, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm khẳng định: “Quận vừa đầu tư xây mới trường mầm non Hoàng Liệt, nhưng với tốc độ dân số tăng nhanh, vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương. Trong khi chờ tiếp tục đầu tư xây mới, quận yêu cầu UBND phường Hoàng Liệt tuyên truyền để người dân chia sẻ những khó khăn của chính quyền. Đối với công tác bốc thăm cần được tiến hành công khai, minh bạch dưới sự giám sát của các tổ chức đoàn thể, báo chí và chính người dân”.
Đất trường học biến thành trung tâm tiệc cưới
Được biết, Tổng công ty HUD được UBND TP Hà Nội giao 517.143m2 đất tại phường Hoàng Liệt theo quyết định 7461 QĐ/UB ngày 1/11/2002. Trong đó các lô đất 8, 34, 49, 98 là đất trường học, phục vụ cho nhu cầu học tập của 80 ngàn dân nơi đây. Đến nay, vì rất nhiều lý do khác nhau, các nhà đầu tư thứ cấp vẫn chưa tiến hành xây dựng khiến cho tình trạng “thiếu trường” đang diễn ra trầm trọng tại đâyt. Hiện chỉ 20% trẻ em mầm non phường Hoàng Liệt được theo học trường công lập.
Ngoài địa bàn quận Hoàng Mai, theo điều tra của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, nhiều quận, huyện của Hà Nội cũng đang rơi vào tinh trạng thiếu trường do quy hoạch treo hoặc bị lợi dụng đất trường học để xây dựng hạ tầng kinh doanh dịch vụ gây bức xúc cho người dân.
|
Diện tích đất số 98 Thái Thịnh, quận Đống Đa đã được quy hoạch thành đất xây trường học nhưng hiện các công trình dịch vụ, thương mại vẫn đang tồn tại.
|
Theo đó, tại phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa hiện chỉ có duy nhất một trường mầm non công lập, trong khi trên địa bàn có mật độ dân số đông, nhiều con em buộc phải đi học tại trường tư hoặc sang địa bàn khác. Trong khi, tại khu đất 98 Thái Thịnh, phường Ngã Tư Sở được quy hoạch để xây dựng trường mầm non nhưng hiện lại đang tồn tại tổ hợp trung tâm tiệc cưới, siêu thị khiến nhiều người dân bức xúc.
Ghi nhận của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, tại số 98 Thái Thịnh hiện đang tồn tại nhiều công trình dịch vụ thương mại kiên cố như: Trung tâm tiệc cưới, siêu thị, cơ sở tập thể dục thể thao, quán cà phê, nhà hàng ăn uống...với diện tích gần 4.000m2. Trong đó, riêng Trung tâm tiệc cưới Vạn Hoa Thái Thịnh có sảnh tiệc lên đến 1.500m2. Việc tập trung quá nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ trên một diện tích đất đang khiến tuyến đường Thái Thịnh thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.
Ông Hoàng Mạnh Dũng - Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở cho biết, chính quyền địa phương đã có nhiều kiến nghị UBND thành phố và UBND quận Đống Đa về việc bố trí phần diện tích đất của HTX công nghiệp Đống Đa tại địa chỉ 98 Thái Thịnh để xây dựng trường mầm non vì hiện nay trên địa bàn phường Ngã Tư Sở mới chỉ có 1 trường mầm non công lập, chưa đáp ứng được quyết định số 3075/QĐ-UBND ngày 12/7/2012 của UBND Thành phố. Nhưng đến nay vẫn chưa có hồi đáp.
“Hiện HTX công nghiệp Đống Đa vẫn đang cho thuê đất để làm dịch vụ, thương mại”, Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở nói.
Cuối năm 2020, trong văn bản trả lời ý kiến cử tri về đề nghị bố trí phần diện tích đất của HTX công nghiệp Đống Đa tại địa chỉ 98 Thái Thịnh để xây dựng trường mầm non, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, theo quy hoạch chi tiết quận Đống Đa, tỷ lệ 1/2000 được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định 32/2000/QĐ-UB ngày 3/4/2000, khu đất số 98 Thái Thịnh thuộc khu vực có chức năng là đất trường học. Sở Quy hoạch – Kiến trúc đề xuất UBND Thành phố xem xét, giao UBND quận Đống Đa chủ trì kiểm tra, rà soát, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng trường học tại khu đất 98 Thái Thịnh.
Tuy nhiên, theo nội dung trao đổi với Báo Tri thức và Cuộc sống của lãnh đạo UBND phường Ngã Tư Sở và phản ánh của cử tri địa phương thì đến nay quyết định quy hoạch trên vẫn chưa được thực hiện, vẫn nằm trên giấy tờ. Dư luận bức xúc và hoài nghi về việc đây có thể là một quy hoạch “treo” của thành phố Hà Nội.
Phải bảo đảm quyền lợi của trẻ em
Theo TS, luật sư Đặng Văn Cường, khi pháp luật đã quy định mọi trẻ em đều được quyền đến trường, quyền học tập, được giáo dục; Nhà nước mọi tạo mọi điều kiện để trẻ em được đến trường thì tình trạng thiếu trường, thiếu lớp công lập còn có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Do đó, nếu địa phương nào để thiếu trường, thiếu lớp, còn tình trạng phụ huynh chen lấn, xô đẩy để mua hồ sơ, còn tình trạng phải bốc phiếu để tìm kiếm cơ hội cho con học tập thì cần phải xem xét trách nhiệm trong công tác quy hoạch, phát triển giáo dục của địa phương. Chính những quy định về việc trẻ em có hộ khẩu ở đâu thì phải học ở đó cũng là quy định bất cập dẫn đến khó khăn cho việc cơ hội học tập của trẻ em khi mà quyền tự do cư trú, không phân biệt tạm trú và thường trú như hiện nay.
"Qua vụ việc xảy ra tại các trường công mầm non công lập trên địa bàn phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cho thấy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải có giải pháp tích cực để định hướng phát triển giáo dục sao cho cơ hội học tập của học sinh là như nhau. Đặc biệt chú ý đến trẻ em trong hoàn cảnh khó khăn, những trẻ em yếu thế, dễ bị tổn thương. Có những thống kê chính xác về phát triển nhà ở, về mật độ dân cư, về dân số và trẻ em; có tính toán khoa học, hợp lý là những yếu tố quan trọng để phát triển giáo dục, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trong giai đoạn hiện nay", luật sư Cường phân tích.
>>> Mời độc giả xem thêm video Liên tiếp phát hiện thực phẩm bẩn tại trường mầm non Thanh Khương:
Thiên Tuấn