Trước ngày TAND TP Hòa Bình bước vào phần tuyên án bác sĩ Hoàng Công Lương và 2 bị cáo trong vụ án tai biến y khoa chạy thận khiến 9 người tử vong ở BVĐK Hòa Bình, chiều nay (4/6), Bộ Y tế đã tổ chức họp báo tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng vụ pháp chế Bộ Y tế cho biết: “Vụ án chạy thận nhân tạo xảy ra năm 2017, tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, tòa án cũng đã xét xử nếu không có gì thay đổi thì đến 14h chiều ngày 5/6, TAND TP Hòa Bình sẽ tuyên án”.
|
Toàn cảnh buổi họp báo. |
Sự kiện chưa từng có trong lịch sử lọc thận
Đại diện Bộ Y tế cũng khẳng định, đây là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng, chưa từng xảy ra trong lịch sử lọc thận của Việt Nam. Từ đó, có đánh giá khách quan về các dịch vụ chạy thận nhân tạo ở Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, chạy thận nhân tạo có thời gian phát triển khá dài, từ đó tới nay việc chạy thận cũng tiến hành từ trung ương tới địa phương, trở thành một kĩ thuật thường quy chứ không phải kĩ thuật đặc biệt hay kĩ thuật cao.
“Sau khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã cử các cán bộ trực tiếp phụ trách lĩnh vực lên Hòa Bình kiểm tra xem xét và có làm việc khá quyết liệt với công an, Giám đốc Sở y tế Hòa Bình, ban lãnh đạo Bệnh viện tỉnh Hòa Bình. Qua cuộc họp đó Bộ Y tế có chỉ đạo quyết liệt đề nghị các cơ quan công an khẩn trương vào điều tra, truy tố, xem xét và có quyết luận rõ ràng cũng như ràng buộc trách nhiệm các chủ thể liên quan tới vụ việc này. Chỉ đạo Sở y tế Hòa Bình khẩn trương thành lập hội đồng chuyên môn về các khía cạnh chuyên môn về nguyên nhân tử vong này”, ông Quang nói.
|
Bác sĩ Hoàng Công Lương tại phiên tòa xét xử. |
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Y tế còn cho biết thêm, Bộ này có chỉ đạo bệnh viện Bạch Mai đưa ra phương án làm cách nào cấp cứu và điều trị chạy thận cho các bệnh nhân vì không có chạy thận sẽ có các biến chứng xảy ra ngay.
Khi cơ quan công an khởi tố vụ án cũng như có quyết định khởi tố bị can, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các vụ y tế, Sở Y tế, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình phục vụ cơ quan điều tra hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Trong đó, các cơ quan tố tụng đều thực hiện độc lập và tuân theo pháp luật, Bộ Y tế không can thiệp quá trình điều tra, xét xử nhưng bộ cũng lưu ý các cơ quan chức năng phải xem xét đánh giá trách nhiệm hình sự trên cơ sở đúng người đúng tội, không để oan sai.
“Nếu có thể được, đề nghị tòa tuyên vô tội cho bác sĩ Hoàng Công Lương...", ông Quang nói.
Trong quá trình xét xử mặc dù không được tòa mời nhưng Bộ Y tế vẫn cử các đại diện có liên quan theo dõi diễn biến tòa.
Hai văn bản không mâu thuẫn mà do trả lời khác nhau
Giải thích về hai văn bản bị cho là mâu thuẫn mà luật sư bảo vệ bị cáo Hoàng Công Lương đưa ra, ông Nguyễn Huy Quang khẳng định: "Không có gì mâu thuẫn mà chỉ là trả lời khác nhau".
Theo ông Quang, trong trả lời cơ quan điều tra, Bộ khẳng định tiêu chuẩn AAMI là tiêu chuẩn tự nguyện thực hiện. "Riêng cơ quan điều tra hỏi về việc kiểm tra hệ thống RO2, thì chúng tôi trả lời là căn cứ trên hợp đồng sửa chữa giữa Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình với CTy Thiên Sơn... Nội dung hợp đồng thế nào thì phải làm thế. Theo luật về hợp đồng là hai bên cam kết thì phải làm. Chúng tôi không tiếp cận được hợp đồng mà công văn của cơ quan điều tra có nói đến hợp đồng này".
"Còn về văn bản trả lời Công ty Luật Nguyễn Chiến thì chúng tôi trả lời là AAMI là tự nguyện vì là hỏi chung chứ không có hợp đồng cụ thể. Theo tiêu chuẩn Việt Nam quy định thì việc áp dụng AAMI là tự nguyện", ông Quang nói.
Theo ông Quang, cáo trạng đối với bác sĩ Hoàng Công Lương không liên quan đến công văn của Bộ Y tế. "Qua xét hỏi thì người ta cố hỏi bác sĩ Hoàng Công Lương về việc được trao trách nhiệm tại đơn nguyên thận nhưng ông Công (Điều dưỡng Đinh Tiến Công) đã khai là ghu thêm... Luận điểm của luật sư Lê Văn Thiệp cũng cho rằng bác sĩ Lương không có tội", ông Quang bày tỏ.
"Theo quan điểm của luật sư Thiệp thì việc bệnh nhân tử vong là do nguồn nước chứ không phải vì phác đồ điều trị... Việc VKS truy tố tội danh với bác sĩ Hoàng Công Lương là không liên quan đến vấn đề xét nghiệm", ông Quang nêu.
Như tôi đã đề cập, VKS hay cơ quan Công an có viện dẫn công văn của Bộ Y tế thì phải viện dẫn đến hợp đồng.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, Việt nam có các tiêu chuẩn liên quan đến hệ thống nước sạch cho quá trình lọc máu.
Năm 2000 Bộ y tế ban hành quy trình lọc máu. Theo chu kì có những điều chỉnh và tiến bộ mới, năm 2004 cập nhật thêm quy trình lọc thận, 2018 bổ sung và cập nhật là 52 quy trình liên quan lọc máu.
"Ý kiến cho rằng bộ y tế chậm trễ trong quy trình chúng tôi hoàn toàn phản bác vì khoa học, y học có sự phát triển và tiến bộ liên quan nhiều ngành khoa học khác. Việc ban hành các quy trình phải có thời gian và quy trình, sự cố với 9 nạn nhân tử vong hết sức hi hữu...", ông Khoa nói.
Bảo Ngân