Theo công bố đề án tuyển sinh của một số trường đại học, xét tuyển bằng học bạ đã không còn nằm trong phương thức tuyển sinh. Điều này đã thu hút sự quan tâm của phụ huynh và học sinh. Nhiều chuyên gia nhận định, đây là một tín hiệu tích cực trong việc đảm bảo sự công bằng hơn cho các thí sinh, hạn chế gian lận.
|
Thí sinh tham gia ngày hội tuyển sinh tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Mai Loan. |
Chưa có văn hóa chất lượng để xét tuyển học bạ
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, việc các trường đại học, đặc biệt là đại học tốp đầu bỏ xét tuyển học bạ là một tín hiệu đáng mừng.
Nhiều trường đại học ở nhiều nước trên thế giới cũng vẫn giữ hình thức xét tuyển học bạ. Tuy nhiên, điều khác biệt là môi trường giáo dục của họ có văn hóa chất lượng. Tức là, họ không thể làm những chuyện sai, gian lận.
Ngoài ra, ở các nước có một hệ thống kiểm định rất nghiêm túc, chặt chẽ đối với các trường phổ thông. Điều đó, khiến chất lượng giữa các trường đồng đều, không có tình trạng chỗ này cho điểm lỏng, chỗ kia cho điểm chặt.
Còn ở nước ta, văn hóa chất lượng chưa có. Vẫn còn tình trạng chạy điểm, xin điểm, gian lận… Có thể thấy rõ điều đó qua những vụ việc gian lận thi cử thời gian vừa qua.
Cùng với đó, là việc xin điểm, nâng điểm cho đẹp học bạ. Và vì không có sự kiểm định chặt chẽ nên điểm học bạ giữa các khu vực có thể rất khác nhau.
“Trong bối cảnh vẫn còn có hai sự “bất an” như vậy mà lại thực hiện việc xét tuyển bằng học bạ thì khó có sự tin tưởng. Một kỳ thi chung cả nước, như tốt nghiệp THPT, chỉ chênh nhau nửa điểm đã có sự khác nhau giữa đỗ và trượt. Với xét điểm học bạ, có thể chênh nhau từ 5-7 điểm, chưa cần nói tới sự gian lận, sẽ rất khó đảm bảo sự công bằng”, ông Khuyến nói.
Theo ông Khuyến, chỉ nên xem học bạ là tiêu chí phụ cũng giống như xét các thành tích, giải thưởng ở các kỳ thi học sinh giỏi... Còn tiêu chí chính vẫn phải dựa vào kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, hay đánh giá năng lực…
Học sinh học kém nhất lớp có thể có điểm số rất cao
Thầy giáo Nguyễn Duy Khánh, hiện đang dạy học ở Hà Nội, cựu giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương cho hay, việc ưu tiên xét tuyển học bạ trong những năm gần đây đã để lại những hậu quả khôn lường với tình trạng “mạ học bạ” cho đẹp, thậm chí gần như tiến tới điểm tuyệt đối ở tất cả các môn học.
Sự phân hóa học sinh trong lớp không được thể hiện tương ứng giữa năng lực thực tế và điểm số. Học sinh học kém nhất lớp cũng có điểm số rất cao và không có khoảng cách lớn (thậm chí rất nhỏ) với những bạn học sinh tốp đầu.
Điều đó dẫn đến, học sinh thay vì thực sự cố gắng trong học tập mà sẽ cố gắng tìm cách để có một học bạ đẹp nhất có thể. Khi có điểm số cao, học bạ đẹp thì học sinh sẽ lầm tưởng và đánh giá không đúng về năng lực của mình.
Những học sinh giỏi thì cảm thấy thiếu ý chí và động lực hơn khi thấy những bạn học rất kém trong lớp cũng được cho dễ dàng những điểm số 9, 10 và điểm tổng kết cũng không khác mình là mấy.
Các em khóa sau thấy học sinh khóa trước không cần học nhiều mà vẫn có điểm học bạ gần như hoàn hảo thì cũng sẽ không tập trung, nghiêm túc trong việc học nữa.
Các lớp, các trường sẽ chạy đua về điểm số. Thầy cô, nhà trường muốn kiểm tra, đánh giá bằng một đề thi ở mức độ cao hơn, phân hóa hơn sẽ khiến cho học sinh của mình điểm thấp, khi đó khác nào “tự tay trói mình”.
Phụ huynh cũng chỉ mong học sinh có điểm số là cao nhất, bảng điểm là đẹp nhất. Những thầy cô giảng dạy nghiêm túc, kiểm tra, đánh giá công tâm để phân loại đúng năng lực của học sinh đôi khi lại không nhận được sự hài lòng của các bên.
“Để thực hiện đúng chủ trương "học thật, thi thật, nhân tài thật”, đã đến lúc chúng ta nên quan tâm thực sự đến giá trị thật, đến năng lực cốt lõi. Hãy cùng nhau đưa môi trường giáo dục phải quay trở về đúng giá trị nguyên bản của nó. Một trong những việc đầu tiên, cấp thiết và không khó để thực hiện là chấn chỉnh lại việc kiểm tra, đánh giá và tổng kết điểm đẹp như mơ trong học bạ hiện nay”, thầy Khánh nói.
Theo đề án tuyển sinh, năm 2024, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tuyển sinh theo 3 phương thức: Xét tuyển thẳng (2% chỉ tiêu); xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (18% chỉ tiêu); xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường (80% chỉ tiêu).
Như vậy, Đại học Kinh tế Quốc dân không còn tuyển sinh bằng học bạ đối với nhóm học sinh chuyên. Các năm trước, phương thức tuyển sinh này chiếm khoảng 10-15% chỉ tiêu.
Trường Đại học Y Hà Nội cũng thông báo không xét tuyển bằng điểm học bạ. Trường Đại học Luật TPHCM cũng chỉ tuyển sinh theo 2 phương thức: Xét tuyển sớm theo đề án tuyển sinh của trường (chiếm 45% tổng chỉ tiêu, trong đó bao gồm cả xét tuyển thẳng); xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT với 55% tổng chỉ tiêu.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng bỏ yêu cầu điểm học bạ đạt 7 trở lên với các môn trong tổ hợp, khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy năm nay.
>>> Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội về việc dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y:
Mai Loan