Tối ngày 15/10, tại xã Xuân Đài (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) đã xảy ra vụ án mạng bố vợ sát hại con rể do xảy ra mâu thuẫn trong lúc uống rượu.
Theo lời ông Phùng Trọng Luận, Chủ tịch UBND xã Xuân Đài, thời điểm xảy ra vụ án, ông Đinh Văn Xuân (53 tuổi, trú tại xã Xuân Đài) cùng hai người con rể ăn cơm và uống rượu tại nhà. Trong bữa ăn, giữa ông Xuân và người con rể tên N. (33 tuổi, hộ khẩu tại xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn) xảy ra xích mích, tranh cãi. Trong lúc cãi nhau, ông Xuân đã cầm dao đâm nhiều nhát khiến con rể tử vong tại chỗ.
|
Ảnh minh họa. |
Cũng theo lời ông Luận, sau khi anh N. trở thành con rể của ông Xuân, ông này đã xây cho vợ chồng anh một căn nhà ngay gần nhà bố mẹ vợ. Anh N. cùng vợ đã có với nhau 2 người con. Do nhà gần nhau nên thỉnh thoảng ông Xuân cũng tổ chức bữa cơm gia đình, gọi các con về cùng ăn uống.
Vụ án mạng hiện đang được cơ quan công an điều tra làm rõ nguyên nhân. Sau sự việc, nhiều ý kiến bình luận cho rằng rất có thể ngoài nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn bột phát, ông bố vợ còn nghiện rượu.
Trong khi đó, với người nghiện rượu thường dễ mắc rối loạn tâm thần do rượu. Liệu có phải từ đó dẫn đến hành vi sát hại con rể từ nguyên nhân này?
Thực tế, việc lạm dụng rượu hoàn toàn có thể gây rối loạn tâm thần nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng tới đời sống cá nhân, gia đình mà còn gây ra các vấn nạn xã hội.
Bởi rượu là các đồ uống chứa Etylic (Ethanol), công thức hóa học là CH3-CH2-OH. Sử dụng rượu gây ra nhiều tác động đối với cơ thể. Trong đó, rượu có khả năng ức chế hệ thần kinh, gây dung nạp chéo. Với nồng độ rượu 0,05% trong máu, quá trình suy nghĩ và phán đoán sẽ trở nên lỏng lẻo hoặc ngưng trệ. Ở nồng độ rượu 0,1% trong máu, các cử động tự ý trở nên vụng về. Ở nồng độ 0,2%, chức năng toàn bộ vùng vận động của não bị ức chế. Ở mức 0,3%, người bệnh bị lú lẫn và hôn mê.
Do đó, rượu có thể gây rối loạn tâm thần và một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ngộ độc rượu mạn tính (nghiện rượu).
Các rối loạn tâm thần do rượu thường xuất hiện ở người liên tục sử dụng rượu đến mức ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động của cá nhân, thường sau đó đi tới lệ thuộc rượu đến mức gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, thể chất và tinh thần.
Loạn thần do rượu hay do ngộ độc rượu mạn tính gây ra. Rối loạn loạn thần gồm các ảo giác kéo dài, chủ yếu là ảo thị, ảo thanh, không có mê sảng, thường xuất hiện trong vòng 2 ngày khi những người lệ thuộc rượu ngưng uống rượu. Loạn thần rượu có thể kéo dài mãn tính và bệnh cảnh lâm sàng gần giống tâm thần phân liệt.
Trên thực tế thời gian qua, đã không ít vụ án mạng xảy ra xuất phát từ nguyên nhân loạn thần vì uống rượu. Một trong những ví dụ điển hình về loạn thần do rượu dẫn đến không kiểm soát được hành vi là vụ án Lý Văn Vương (SN 1979, trú tại thôn Trại Nhạn, xã Hồ Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) giết mẹ ruột vào ngày 20/3/2019.
Thời điểm đó, đối tượng Lý Văn Vương đang ở nhà thì bị ảo giác, nghe thấy các tiếng nói trong tai về việc người thân của Vương bị đuổi đánh, giết chết và có nhiều người đang tìm giết Vương. Lý Văn Vương liền đi vào bếp lấy con dao chọc tiết lợn có tra cán bằng gỗ đi ra khỏi nhà tìm người định giết mình. Trên đường đi, Vương gặp mẹ đẻ là bà Lâm Thị Mai - SN 1952 vừa đi chăn trâu về, Vương theo mẹ về nhà. Khi bà Mai đang ngồi ở thềm trước nhà thì Vương tiếp tục bị ảo giác nên đã dùng dao đâm nhiều nhát vào ngực và cổ làm bà Mai tử vong.
Tại cơ quan công an, đối tượng có biểu hiện loạn thần, bị ảo giác, thường xuyên nghe tiếng người nói trong tai. Đây là hậu quả quá trình uống nhiều rượu trong thời gian dài của đối tượng Vương.
Dù vụ án bố vợ giết con rể ở Phú Thọ giết con rể xuất phát do nguyên nhân loạn thần vì rượu hay những mâu thuẫn bột phát khác. Tuy nhiên, việc uống rượu bia nhiều dễ dẫn đến rối loạn tâm thần do rượu, gây ra những hành vi mất kiểm soát, dẫn đến những hậu quả đau lòng. Do đó, uống rượu bia không tốt cho sức khỏe và nên hạn chế và điều tiết uống để gìn gìn sức khỏe bản thân, tránh gây ra những vụ việc đáng tiếc như trên.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ đoạn tàn độc của tên giết người cướp của gian xảo
Tâm Đức